Liên quan đến "cuộc chiến taxi công nghệ - truyền thống", nhiều người cho rằng cần có "chung luật chơi" để bình đẳng cạnh tranh.
Taxi truyền thống đang gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với "taxi công nghệ". Ảnh minh họa: Di Linh
Thời gian gần đây, "cuộc chiến taxi công nghệ-truyền thống" tiếp tục nhận được sự quan tâm của dư luận khi một số hiệp hội, hãng taxi phản đối Quyết định 24 về Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng của Bộ GTVT.
Trao đổi với chúng tôi, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng nhận định việc taxi truyền thống cạnh tranh với Grab, Uber là khó.
"Grab, Uber là loại hình kinh doanh toàn cầu, dịch vụ mở rộng và có một số nhược điểm như khi tham gia vào thị trường mới thì cần phải có cách thâm nhập phù hợp cũng như được các tài xế ủng hộ.
Vào Việt Nam trong bối cảnh hành lang pháp lý chưa rõ ràng là "cơ hội" để Grab, Uber phát triển. Nếu như cũng quản lý như taxi truyền thống, bình đẳng thì việc cạnh tranh sẽ khác", ông Hải nói.
Ông Thanh Hải cho biết đã từng nhiều lần góp ý kiến đưa các loại xe từ 9 chỗ trở xuống kinh doanh vận tải trở thành một loại hình chung để công bằng hơn trong kinh doanh.
"Các xe hợp đồng điện tử được vào đường cấm nhưng taxi truyền thống thì không. Ngay điều này cũng đã thể hiện sự không bình đẳng. Một loại hình có ưu thế thì khó cạnh tranh.
Ngoài ra, về giá, taxi truyền thống muốn tăng giảm giá không dễ vì phải xin phép. Tuy nhiên, họ cũng có thể tăng giảm giá theo ngày, theo mùa hay khi trời mưa nếu được phép.
Đã vào sân chơi thì phải vào chung một luật và phải chịu sự quản lý của nhà nước", ông Hải nêu quan điểm.
Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng vấn đề đặt ra không phải là việc cạnh tranh với Grab hay Uber, vấn đề nếu cạnh tranh thì có nghĩa phải có một luật chơi, tức là "hai bên cùng vào sân thì phải có một luật".
Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng taxi truyền thống đang phải chịu nhiều quy định trong hoạt động kinh doanh vận tải. Việc tăng giảm giá cước khó khăn hay việc không công bằng khi bị cấm ở nhiều tuyến phố.
"Việc cấm đường khiến nhiều hãng taxi gặp khó khăn khi nhiều khách hàng không hài lòng về dịch vụ. Trong khi đó, các loại hình đặt xe qua mạng lại không bị cấm.
Chúng tôi đã kiến nghị Nghị định 86 sửa đổi lần này cần phải đưa ra được các quy định phận định rõ ràng giữa loại hình xe hợp đồng với xe taxi, tránh tình trạng hai loại hình chồng lấn, trá hình lẫn nhau", ông Bình nói.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh, đơn vị này cũng nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT về việc xác định lại loại hình kinh doanh Grab, Uber ở Việt Nam là vận tải bằng taxi, không phải xe hợp đồng.
"Chúng tôi cũng kiến nghị áp dụng các điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi bình đẳng giữa taxi truyền thống và Grab, Uber", ông Thanh cho biết thêm.
Bình Minh
Theo ĐSPL, Vietnammoi