Để đáp ứng nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh và vay tiêu dùng của các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp dịp Tết Nguyên đán tới, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay. Thậm chí lãi suất chỉ còn tối thiểu 7%/năm, con số dễ chịu nhất trong thời gian qua. Tuy nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn không phải là chuyện dễ.
Để vay được vốn, người dân phải đảm bảo được các điều kiện của ngân hàng. Ảnh: CHÍ CƯỜNG
Khắp nơi trưng biển hạ lãi suất
Những ngày đầu năm mới 2015, lãi suất huy động, cho vay bằng VNĐ cũng như lãi suất tiền gửi bằng USD được điều chỉnh giảm. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định về việc giảm trần lãi suất huy động, cho vay. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế từ 8%/năm xuống còn 7%/năm.
Ngay sau quyết định giảm trần lãi suất này, Ngân hàng Nhà nước cũng kêu gọi các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế. Đáp ứng lại, các ngân hàng quốc doanh lớn là Vietcombank, BIDV và Agribank đã ra thông báo sẽ ngay lập tức triển khai trên toàn hệ thống việc giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn đối với một số lĩnh vực ưu tiên.
Nắm bắt được nhu cầu và thời điểm vay vốn sản xuất kinh doanh và vay tiêu dùng của người dân, các hộ gia đình và doanh nghiệp tăng cao, Vietcombank đã điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ áp dụng đối với 5 đối tượng tại thông tư 08/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014 từ mức 8,0%/ năm xuống còn 7,0%/năm và áp dụng trần lãi suất cho vay VNĐ trung dài hạn 10,0%/năm đối với các đối tượng này.
Vay được không dễ
Lãi suất cho vay vốn được dự báo sẽ tiếp tục giảm, song các doanh nghiệp sẽ vẫn khó tiếp cận vốn nếu các rào cản về hồ sơ, điều kiện, tài sản thế chấp tiếp tục được dựng lên. Bài toán quá cũ, quá quên thuộc vẫn khó tháo gỡ.
“Luôn là “con nợ” của ngân hàng, nên lãi suất vay vốn ngân hàng giảm tý nào, doanh nghiệp thêm lãi tý ấy. Nhưng, vì là doanh nghiệp nhỏ nên phải vay nhiều lần, mục đích vay khác nhau nên việc hợp lý hóa giấy tờ điều kiện rất khó”, anh Lê Đức – Giám đốc Công ty THHH nội thất Như Ý nói. Anh Đức cho biết, các khách hàng của anh thường chỉ đặt cọc một phần và thanh toán sau khi giao hàng, thậm chí giao hàng xong khách vẫn nợ tiền. Một đơn hàng của công ty anh nếu bán lẻ chỉ dưới 50 triệu đồng nên công ty thường phải duy trì vài tỷ đồng vay vốn ở ngân hàng. Gần đây, anh Đức đang ấp ủ kế hoạch làm thêm một số mặt hàng khác nên dự tính sẽ vay vốn ngân hàng khoảng chục tỷ đồng nữa. “Lúc lãi suất xuống thế này, vay rất có lợi, nhưng việc vay được không mới là vấn đề”, anh Đức nói.
Sau khi khai trương siêu thị mini Thanh Phương ở Thanh Trì (Ngọc Hồi, Hà Nội) được 3 tháng, chị Lụa - chủ siêu thị nhận thấy muốn nhập được nguồn hàng giá rẻ thì phải nhập hàng với số lượng lớn và như vậy, chị cần có thêm một cơ sở phân phối hàng nữa. Để có vốn mở siêu thị mini thứ hai, chị Lụa “gõ cửa” ngân hàng nhưng chị đều nhận được những cái lắc đầu bởi hồ sơ vay vốn của chị không đáp ứng được điều kiện của ngân hàng. Chị Lụa cho biết, do những tài sản có giá trị đã được chị thế chấp khi vay vốn đầu tư cho siêu thị thứ nhất. Nay chị muốn thế chấp siêu thị thứ nhất làm tài sản đảm bảo thì phía ngân hàng không đồng ý.
Vay tín chấp tiêu dùng là khoản vay mà các cá nhân thường rất quan tâm. Các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất nhưng để vay tiêu dùng cũng không phải chuyện dễ. Theo tìm hiểu của chúng tôi tại một số ngân hàng, trần cho vay tín chấp khá cao, lên đến 500 triệu đồng. Đối tượng xem xét cũng khá rộng: Có đi làm hưởng lương, có tham gia bảo hiểm, có sử dụng thẻ tín dụng. Mặc dù là ngân hàng cho vay khá mạnh về mảng khách hàng cá nhân, tuy nhiên ngân hàng ACB cũng siết qui định đối tượng được vay và không cho vay đối với nhiều trường hợp là khách hàng mới.
Ngân hàng HSBC Việt Nam mới đây cũng tăng mức hạn tối đa cho vay tiêu dùng tín chấp lên đến 250 triệu đồng, kéo dài thời gian vay lên 48 tháng. Mặc dù ngân hàng này đẩy mạnh thấu chi qua thẻ. Tuy nhiên, khách hàng muốn thấu chi qua thẻ thì phải chứng minh tài sản đảm bảo.
Người tiêu dùng rất phấn khởi vì lãi suất cho vay giảm, nhưng quả thật để tận dụng được nguồn vốn ưu đãi cuối năm không phải là chuyện dễ.
Tại Vietcombank, mặc dù dành cả nghìn tỷ đồng cho nhu cầu vay tín dụng tuy nhiên ngân hàng này chỉ cấp tín chấp cho các vị trí từ trưởng phòng, phó phòng các doanh nghiệp trở lên vì các vị trí này thường có thu nhập cao và khá ổn định. “Điều này họ không thông báo chính thức nhưng khi đến hỏi điều kiện vay, các nhân viên ở ngân hàng đều thừa nhận điều này như một điều kiện bắt buộc”, chị Phan Hải Yến ở Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội cho biết.
|
Hà Phương
theo GĐ&XH