Sự kiện hot
12 năm trước

Cựu quan chức Quốc hội kiến nghị giữ lại Điều 66 Hiến pháp 1992

Ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và ông Vũ Đức Khiển - nguyên Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội kiến nghị giữ lại nội dung Điều 66 Hiến pháp 1992 nói về vai trò của thanh niên,

Ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và ông Vũ Đức Khiển - nguyên Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội kiến nghị giữ lại nội dung Điều 66 Hiến pháp 1992 nói về vai trò của thanh niên, vì đây là lực lượng quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.

Phát triển thế hệ thanh niên là tầm chiến lược của quốc gia

Tại hội thảo đóng góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 do Trung ương Đoàn Thanh niên tổ chức vào ngày 28/2, ông Vũ Mão – Nguyên Chủ nhiệm VP Quốc hội, Nguyên Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nhận định, cần phải giữ lại Điều 66 Hiến pháp 1992.

Ông Vũ Mão điểm lại vai trò của tổ chức thanh niên trong các bản Hiến pháp trước đây. Thí dụ Hiến pháp 1959, Điều 35: “Nhà nước chú trọng đặc biệt giáo dục thanh niên về đạo đức, trí dục, thể dục”.

Hiến pháp 1980, Điều 66 viết: “Nhà nước và xã hội tạo điều kiện cho thanh niên học tập, lao động và giải trí, phát triển trí tuệ, năng khiếu và thể lực; chăm lo bồi dưỡng lý tưởng cộng sản chủ nghĩa và giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên. Thanh niên phatis làm tròn nhiệm vụ lực lượng xung kích trong phong trào thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc, trong cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học – kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa”.

Tại Hiến pháp 1992, Điều 66 nói về thanh niên tiếp tục được thể hiện: “Thanh niên được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thực công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ tổ quốc”.


Ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: Ngọc Quang

Dẫn ra những thí dụ này, ông Vũ Mão phân tích: Bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 bỏ Điều 66 là không hợp lý, chứng tỏ nhận thức về vai trò thanh niên chưa đầy đủ, đồng thời kiến nghị giữ lại Điều 66 Hiến pháp 1992, tạm gọi là Điều 40a và nên đưa lên thành Điều 9, còn Điều 9 của mặt trận chuyển thành Điều 10, với nội dung được sửa đổi và bổ sung:

1. Thanh niên được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ tổ quốc.

2. Thanh niên phải làm tròn nhiệm vụ lực lượng xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

3. Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đang của thanh niên, vận động thanh niên thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan Nhà nước.


Ông Vũ Đức Khiển - Nguyên Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội.

Ông Vũ Đức Khiển – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng thẳng thắn bày tỏ băn khoăn của mình khi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chưa đề cập đến vấn đề Nhà nước, xã hội và gia đình chăm lo và tạo điều kiện cho thanh niên học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ tổ quốc, như đã quy định tại Điều 66 của Hiến pháp hiện hành.

Ông Khiển nói: “Chăm lo, bồi dưỡng và phát triển các thế hệ thanh niên mãi mãi vẫn là cần thiết, nó là tầm chiến lược của tất cả mọi quốc gia. Nếu chúng ta chỉ lo phát triển kinh tế, phục hồi kinh tế mà lại quên rằng cần phải tiếp tục chăm lo cho các thế hệ thanh niên để họ trở thành lực lượng kế cận đúng nghĩa thì rất nguy hiểm. Tôi kiến nghị cần phải có một điều nói về thanh niên và cần đưa vào chương 1 để phù hợp với chủ trương đường lối phát triển của Đảng”.

"Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc làm rất quan trọng và rất cần thiết"

TS Trần Văn Miều – Nguyên Chánh VP Trung ương Đoàn Thanh niên nhận định, thế hệ trẻ là lớp người từ 30 tuổi trở xuống, là lực lượng nòng cốt trong xây dựng kinh tế - xã hội, vì vậy cần phải được quan tâm và thể hiện rõ ràng hơn ở dự thảo.

“Nghiên cứu Dự thảo Hiến pháp sửa đổi 1992, tôi nhận thấy chưa đề cập đến việc chăm lo, giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam theo tinh thần của chủ nghĩa Mác-Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng ta đều biết, trong lịch sử của tất cả các nước trên thế giới và Việt Nam, bao giờ thế hệ trẻ cũng được quan tâm hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội, vì họ là những người kế tục truyền thống dân tộc.

Lê Nin đã nêu quan điểm: Chúng ta chiến đấu giỏi hơn cha ông chúng ta. Thế hệ trẻ sẽ còn chiến đấu giỏi hơn chúng ta. Chúng ta xây dựng nền móng của tòa nhà mới. Còn chính thanh niên sẽ xây dựng hoàn thành tòa nhà đó. Trong bản di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên một luận điểm nổi tiếng là: Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc làm rất quan trọng và rất cần thiết”, TS Miều bày tỏ.

TS Nguyễn Văn Thanh – Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam thì bày tỏ, khi nghien cứu Hiến pháp 1992 sửa đổi có thể dễ dàng nhận thấy cách đặt vấn đề thanh niên trong bản Hiến pháp sửa đổi này chủ yếu hòa tan vào các vấn đề chung của nhân dân Việt Nam, các dân tộc Việt Nam, các giai cấp, con người Việt Nam, công dân Việt Nam, các vấn đề bình đẳng giới và dân số Việt Nam, vấn đề trẻ em Việt Nam, mà chưa chú ý đến những vấn đề xã hội đặc thù của thanh niên cần quy định rõ ràng trong Hiến pháp.

“Theo tôi, đây là một thiếu sót khi dự thảo Hiến pháp sửa đổi 1992 không có khái niệm thanh niên Việt Nam, các tổ chức thanh niên Việt Nam. Hiến pháp là đạo luật cơ bản, luật gốc, làm nền tảng cho toàn bộ hệ thống pháp luật của một quốc gia. Các vấn đề đưa vào Hiến pháp 1992 sửa đổi phải được nghiên cứu cẩn thận trên tinh thần đảm bảo tính cơ bản, tính cơ bản của pháp luật.

Thanh niên là nhóm xã hội nhân khẩu đặc thù, là lớp người đang hoàn thiện về thể chất, học vấn, nghề nghiệp, việc làm, xây dựng gia đình trẻ và phát triển tài năng; thanh niên là lực lượng sản xuất cơ bản của đất nước và nhân loại; là bộ phận trọng yếu trong nguồn nhân lực cao của một quốc gia; là lực lượng xung kích trong sự nghiệp đổi mới chấn hưng đất nước; là tương lai của dân tộc, tương lai của nhân loại. Vấn đề phát triển thanh niên từ xưa tới nay luôn là vấn đề chiến lược của mọi thời đại”, TS Thanh nói.

Ngọc Quang
theo Giáo dục Việt Nam

Từ khóa: