Bà Lê Thi cho biết, đã 72 năm sau ngày bà và một người phụ nữ khác làm lễ kéo cờ Tổ Quốc trong Lễ Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 nhưng cảm xúc của ngày trọng đại vẫn nguyên vẹn.
Trong những ngày cuối tháng 8, chúng tôi ghé thăm bà Lê Thi (tên thật là Dương Thị Thoa, ở trên phố Ngô Quyền (Hoàn Kiếm, Hà Nội) – một trong hai người được cử lên kéo cờ ngày 2/9/1945 khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giành độc lập.
Cuộc sống bình dị trong căn nhà giàu truyền thống yêu nước
Tiếp đón chúng tôi rất nồng hậu trong căn nhà rộng khoảng 20m2 trên phố Ngô Quyền, bà Lê Thi chia sẻ những cảm xúc mà cách đây 72 năm bà cùng với bà Đàm Thị Loan vinh dự được cử lên lễ đài kéo cờ Tổ quốc trong Lễ Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945.
Bà Lê Thi, một trong hai người kéo cờ tại Lễ Tuyên ngôn độc lập cách đây 72 năm, giờ đã bước sang tuổi 92 (Ảnh Đức Khương).
Bà Lê Thi bồi hồi nhớ lại và xúc động: “Tôi năm nay đã 92 tuổi, cuộc sống chỉ quanh quẩn ở nhà nhưng mỗi lần nhớ tới ngày trọng đại 72 năm về trước, cảm xúc vẫn nguyên vẹn”.
Kể lại ngày đó, bà Thi cho hay, năm 1943 cụ học xong trường nữ sinh Đồng Khánh (nay là Trường THCS Trưng Vương, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Sau đó, bà tham gia cách mạng và làm công tác phụ nữ tại phố Hàng Bông (Hoàn Kiếm – Hà Nội).
Cách ngày 2/9/1945 khoảng 1 tuần, bà nhận được lệnh của cấp trên đi vận động tất cả phụ nữ trong phố Hàng Bông tập hát Quốc ca, đi đều bước, chọn trang phục quần áo để chuẩn bị đi dự Lễ Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước CHXHCN Việt Nam) tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội).
Khi đang làm công tác ổn định thì một đồng chí nam đi xuống, yêu cầu đoàn phụ nữ quận Hoàn Kiếm cử người lên kéo cờ. Chị em trong đoàn không ai bảo ai, đồng thanh gọi tên Lê Thi.
Ảnh bà Lê Thi chụp năm 1947 (ảnh: NVCC)
“Tôi vô cùng lo lắng vì đây là một nhiệm vụ thiêng liêng, trong một ngày trọng đại của nhân dân cả nước. Trong khi đó, tôi không hề được báo tin trước hay tập duyệt gì cả, tất cả quá bất ngờ và gấp gáp. Tôi cố bình tĩnh bước lên chân cột cờ.
Ở đó, tôi gặp một người con gái mặc trang phục dân tộc Tày. Chúng tôi nhanh chóng phân công nhiệm vụ cho nhau, chị mặc trang phục dân tộc Tày cầm cờ, còn tôi kéo cờ. Khi bài hát “Tiến quân ca” kết thúc thì cũng là lúc lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió và chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ”, bà Lê Thi kể lại.
Ngày 2/9/1945 với cô nữ sinh 19 tuổi không chỉ là khoảnh khắc mà kể từ đó mọi thứ hoàn toàn khác biệt.
“Đây là đầu tiên tôi được nhìn thấy Bác Hồ ở ngoài đời thực. Bác gẫn gũi, giản dị nhưng rất đỗi thanh cao. Khi Bác cất câu hỏi “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”, sự gần gũi, quan tâm ấy ăn sâu vào trí nhớ của tôi.
Sau ngày 2/9/1945, tôi quyết định ngừng giấc mơ trở thành giáo viên và bắt đầu tham gia lớp giác ngộ cách mạng của cụ Trần Huy Liệu và cũng từ đó mọi chuyện trong cuộc đời của tôi thay đổi”, bà Lê Thi chia sẻ.
Tham gia cách mạng sau khi nghe bản Tuyên ngôn độc lập
Sau ngày 2/9, bà Lê Thi tham gia lớp lý luận làm cách mạng. Trong thời gian này, bà vận động những gia đình giàu có quyên góp gạo, muối mang đi cứu đói cho người nghèo; dạy lớp bình dân học vụ rồi thoát ly gia đình gia nhập Trung đoàn Thủ đô... 60 ngày đêm (từ 19/12/1946 – 17/2/1947), chiến đấu bảo vệ từng tấc đất Hà Nội như những người lính thực thụ.
Ngày 2/9/1997, bà và bà Đàm Thị Loan đã gặp nhau và chụp chung với nhau bức hình tại Quảng trường Ba Đình (Ảnh: NVCC.
Sau đó, bà được điều động về hoạt động tại chiến khu Thủ đô, rồi làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Vĩnh Yên, Chủ tịch Hội Phụ nữ Tuyên Quang. Đến năm 1949, bà Lê Thi lấy ông Lê Hồng Hà, người học cùng lớp lý luận với bà ngày trước.
Chia sẻ về người phụ nữ kéo cờ cùng, bà Thi cho biết, vào ngày trọng đại đó, bà không hỏi tên người phụ nữ kia. Mãi đến 20 năm sau, nhờ cơ quan chức năng bà mới biết người phụ nữ kéo cờ cùng là bà Đàm Thị Loan, người dân tộc Tày, phu nhân Đại tướng Hoàng Văn Thái.
Ngày 2/9/1997, bà và bà Đàm Thị Loan đã gặp nhau và chụp chung với nhau bức hình tại Quảng trường Ba Đình. Đến năm 2010 thì bà Đàm Thị Loan qua đời.
Bà Lê Thi (SN 1926), quê ở Hưng Yên nhưng bà sinh ra và lớn lên tại Hà Nội trong một gia đình trí thức có 8 anh chị em, sống ở 98 Hàng Bông (Hoàn Kiếm – Hà Nội). Cha bà Thi là một nhà giáo nổi tiếng: Hiệu trưởng Trường Bưởi, liệt sĩ Dương Quảng Hàm.
Từ năm 1950 - 1953, bà được điều về hoạt động giữa lòng địch trong nội thành Hà Nội. Năm 1956 khi hoà bình lập lại, bà được cử đi học lớp lý luận cao cấp đầu tiên của trường Nguyễn Ái Quốc.
Tốt nghiệp loại ưu, bà được giữ lại làm giảng viên, được giao đảm trách nhiều cương vị công tác khác nhau, trong đó có 25 năm công tác ở Viện Triết học.
Bà được phong học hàm Giáo sư năm 1992. Sau khi về hưu, bà thành lập “Trung tâm nghiên cứu gia đình và giới” để tiếp tục thực hiện sự nghiệp nghiên cứu và viết sách của mình. Bà công tác đến năm 2003, khi đã gần 80 tuổi mới về nghỉ.
Trần Thao
Theo ĐSPL, Vietnammoi