Sự kiện hot
2 năm trước

Đặc sắc về Lễ hội Khai hạ Mường Bi và những huyền tích Quốc Mẫu Hoàng Bà ở Hòa Bình

Lễ hội Khai hạ Mường Bi còn gọi là lễ Xuống đồng, lễ Mở cửa rừng là lễ hội dân gian được tổ chức vào ngày mồng 8 tháng giêng Âm lịch (tức ngày mồng 7 tháng tư lịch Mường Bi) tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc (Hòa Bình). Đây là lễ hội dân gian gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, mang dấu ấn văn minh của người Việt cổ đã trở thành hoạt động văn hóa, tín ngưỡng không thể thiếu của người Mường Bi trong mỗi dịp xuân mới.

Mảnh đất chứa đầy huyền thoại

Sự tích về di tích Miếu thờ Quốc Mẫu Hoàng Bà Đinh Thị Đen (đây là di tích lịch sử cấp tỉnh Hòa Bình). Tương truyền, kể rẳng Vua Bà đi núi Tản sông Đà đến cầu Bến Mảng (suối Mảng, thuộc xã Phong Phú), gặp nước lũ to,Vua Bà giả trang thành kẻ nghèo đói, rách rưới. Nhân lúc trên cánh có hai gia đình đang bừa ruộng, Vua Bà đến thử lòng một gia đình bằng một con trâu, Bà nhờ người này đưa qua con suối, người này trả lời bận quá không đưa được.

Vua Bà lại sang ruộng nhà bên đang bừa bằng tám con trâu, Bà nhờ đưa dứt lời nhà này cử người đưa Bà sang luôn. Khi qua suối xong, Bà truyền một câu “Từ nay nhà ta giàu thêm có thặm đấy”, nghĩa là “Từ nay nhà giàu có, rồi lại càng giàu có thêm”. Thế là, từ đó nhà này luôn giàu có hơn các gia đình khác, ăn gia làm nên, cầu gì được nấy.

Sau đó, Bà đến cửa nhà Lang Cun để vào, quân của nhà Lang Cun thấy Bà rách rưới, liền lùa chó đuổi đi. Bà bị chó cắn và được một thầy lang bốc thuốc chữa cho, sau khi Bà được thầy lang chữa khỏi, bà dặn thầy lang từ nay trở đi khu ruộng nhà ông cấy gọi là “Nà Mằn” (khu ruộng này nay thuộc xóm Chạo, xã Địch Giáo, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình).

Tiếp đó, Vua Bà đi đến một nhà ở xã Địch Giáo, nhà này không có con. Bà hỏi có muốn có con không? Bà cho một đứa, nhà này rất mừng và Bà bèn ban cho một đứa con trai, sau đặt tên là Ngãi. Một năm sau Bà về thăm, mang theo một túi vàng. Bà thử lòng treo túi vàng ngoài cổng và đi vào nhà, bà vợ ông Ngãi có lòng tham dấu mất túi vàng. Từ đó Bà không cho con nữa và lấy mất thằng Ngãi, thằng Ngãi bị chết, từ đó trong vùng có câu “Tham vàng bỏ Ngãi…”.

Trước sự linh ứng của Vua Bà lang cun Mường Bi đã vận động nhân dân lập miếu thờ Bà và tôn Bà làm Thành Hoàng của làng (Miếu được dựng tại nơi nghỉ chân khi Bà đến xóm Lũy). Hàng năm cứ đến ngày mùng 7 và mùng 8 tháng giêng (tức ngày 6,7 tháng Tư tính theo lịch Mường Bi) nhân dân trong vùng Mường Bi tổ chức lễ hội cầu mùa và lễ mở cửa rừng (nay được gọi là Lễ hội khai Hạ). Để tưởng nhớ và tỏ lòng tôn kính con dân Mường Bi hàng năm dâng lễ vật đến thắp hương cho Bà và cầu mong Bà phù hộ độ trì cho nhân dân trong làng an cư lập nghiệp mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Ông Bùi Đức Văn, người trông coi Miếu thờ Quốc Mẫu Hoàng Bà nói về lịch sử Miếu.

Ông Bùi Đức Văn, người trông coi Miếu thờ Quốc Mẫu Hoàng Bà nói về lịch sử Miếu.

Ông Bùi Đức Văn (68 tuổi), người dân xóm Lũy Ải, người trông coi Miếu thờ Quốc Mẫu Hoàng Bà chia sẻ: “Nơi đây thờ Quốc Mẫu Hoàng Bà Đinh Thị Đen tức là người khai phá ra đất Mường. Cho đến hàng năm ngày mùng 7 và mùng 8 tháng giêng (tức ngày 6,7 tháng Tư tính theo lịch Mường Bi) nhân dân trong vùng Mường Bi tổ chức lễ hội cầu mùa và lễ mở cửa rừng (nay được gọi là Lễ hội khai Hạ). Xong rước Mẫu Bà cầu may cho người dân xứ Mường, rồi bà con nhân dân mới xuống đồng làm mùa màng. Nói về lịch sử ngôi Miếu thờ Bà đã có từ rất lâu rồi, nhưng do người Mường không có gia phả ghi chép lại nên chỉ có truyền miệng, còn ngôi Miếu được chính thức lập lại từ năm 2000”.

Di tích Miếu thờ Quốc Mẫu Hoàng Bà Đinh Thị Đen (đây là di tích lịch sử cấp tỉnh Hòa Bình).

Di tích Miếu thờ Quốc Mẫu Hoàng Bà Đinh Thị Đen (đây là di tích lịch sử cấp tỉnh Hòa Bình).

Trao đổi với ông Cao Bá Chính - Chủ tịch UBND xã Phong Phú cho biết: “Trong những năm qua xã cũng chỉ đạo sát sao, xây dựng điểm du lịch cộng đồng xóm Lũy Ải về Lễ hội Khai hạ Mường Bi. Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, lễ hội truyền thống được quan tâm; phong trào thể dục thể thao được phát triển sâu, rộng đến các cơ sở, đặc biệt là phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, các chính sách dân tộc được triển khai thực hiện đến các đối tượng thụ hưởng đầy đủ và kịp thời. Nhân dân đồng bào dân tộc thiểu số nắm được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước…”.

Lễ hội Khai hạ Mường Bi mang đậm nét văn hóa xứ Mường

Lễ hội Khai hạ Mường Bi là dịp để nhân dân bày tỏ lòng kính trọng các vị thần đã lập ra Mường và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi phát triển, cuộc sống tốt đẹp, bình yên...

Màn tấu chiêng của 300 nghệ nhân chiêng Mường tại lễ hội Khai hạ Mường Bi

Màn tấu chiêng của 300 nghệ nhân chiêng Mường tại lễ hội Khai hạ Mường Bi

Lễ hội gồm hai phần chính, phần lễ và phần hội. Phần lễ, diễn ra tại Miếu thờ xóm Lũy, xã Phong Phú. Nơi đây, thờ các vị thần hoàng là Quốc Mẫu Hoàng Bà, Tản Viên Sơn Thánh và Ải Lý, Ải Lo.

Màn rước kiệu Quốc Mẫu Hoàng Bà đến vui hội Khai hạ Mường Bi

Màn rước kiệu Quốc Mẫu Hoàng Bà đến vui hội Khai hạ Mường Bi

Theo truyền thuyết, Quốc Mẫu Hoàng Bà thân mẫu của Đức Thánh Tản là người đã chỉ dạy cho người dân Mường Bi làm ruộng hai vụ, cách ăn, cách ở…Tản Viên Sơn Thánh con rể của Vua Hùng Vương thứ 18 là người có công giúp Vua chống giặc ngoại xâm, mang lại bình yên cho nhân dân. Còn Ải Lý, Ải Lo là hai vị thần đã dạy cho dân Mường Bi cách đào mương dẫn nước và là người thiết kế con mương Lò lấy nước từ suối Kem tưới cho cả cánh đồng Nà Noóng rộng lớn. Để tưởng nhớ công lao của Quốc Mẫu Hoàng Bà, Tản Viên Sơn Thánh và Ải Lý, Ải Lo, người dân Mường Bi lập Miếu thờ tại xóm Lũy, tổ chức thờ cúng vào dịp Lễ hội Khai hạ hàng năm.

Đường cày đầu năm, hoạt động không thể thiếu trong lễ hội Khai hạ Mường Bi

Đường cày đầu năm, hoạt động không thể thiếu trong lễ hội Khai hạ Mường Bi

Xưa kia, đồ tế lễ ngoài xôi, rượu, nhất thiết phải có một con hoẵng đi săn được, nếu không có phải thay bằng một con bò, kiêng mổ trâu; ngày nay con hoẵng được thay bằng con vật khác. Thầy mo thay mặt dân toàn Mường làm lễ khấn ca ngợi công lao của các vị thần hoàng, cầu cho một năm mới mùa màng tươi tốt, bội thu. Tiếp đó, là lễ rước kiệu Thánh từ đền thờ ra nơi tổ chức hội, sau đó rước trở về Miếu. Lễ rước được tổ chức rất long trọng với cờ quạt, đồ nghi tượng cùng các vị cao niên, các thầy tế và đông đảo người dân trong vùng, diễn ra trong nhịp trống, chiêng sắc bùa và ban nhạc Lưu thủy.

Phần hội, diễn ra tại sân bãi trước Miếu (nay là sân vận động) với những trò chơi dân gian như bắn nỏ, kéo co, đánh cù, đánh mảng, ném còn… nay có thêm số các môn thể thao hiện đại, văn nghệ dân gian (Hòa tấu cồng chiêng, thi sắc bùa, hát đối, hát thường đang bộ meẹng…) và giới thiệu các món ăn độc đáo của người Mường.

Ông Đinh Sơn Tùng - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tân Lạc cho biết: “Lễ hội Khai hạ Mường Bi là một nét văn hóa, mang giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của người dân Tân Lạc nói chung và vùng Mường Bi nói riêng. Đây cũng là dịp để đồng bào Mường Bi giao lưu, gặp gỡ, thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng. Bên cạnh đó, lễ hội còn thu hút du khách muôn phương về vui hội và tìm hiểu nét sinh hoạt văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Mường ở Hòa Bình”./.

Theo Nguyễn Chung Thủy

KTDU

Từ khóa: