Sự kiện hot
13 năm trước

Đại biểu muốn nhanh, Chính phủ còn chờ

“Lấy năng lực lập pháp đánh giá bộ trưởng”. Đây là đề xuất của đại biểu Đinh Xuân Thảo sau khi rất nhiều đại biểu ca thán về tiến độ soạn thảo, ban hành luật quá chậm.

“Lấy năng lực lập pháp đánh giá bộ trưởng”. Đây là đề xuất của đại biểu Đinh Xuân Thảo sau khi rất nhiều đại biểu ca thán về tiến độ soạn thảo, ban hành luật quá chậm.

Đề xuất được đưa ra tại phiên Quốc hội thảo luận về chương trình xây dựng luật, dự án luật 2013 vào chiều 1-6.

Đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM) phát biểu trong phiên thảo luận chiều 1-6
Ảnh: Việt Dũng

Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, đại biểu Đinh Xuân Thảo - viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp - nói: “Kinh nghiệm cho thấy dự án luật nào mà ông bộ trưởng (thường là trưởng ban soạn thảo dự án luật) quan tâm, chỉ đạo ráo riết thì sẽ làm nhanh và có chất lượng, cấp dưới cứ răm rắp làm theo. Nhưng nhiều dự luật không được người đứng đầu ban soạn thảo quan tâm thì vừa chậm tiến độ lại kém chất lượng, phải lùi thời gian trình Quốc hội nhiều lần”.

Ông Thảo còn cho rằng trước khi bổ nhiệm một bộ trưởng, cần đánh giá về khả năng lập pháp của người được bổ nhiệm, sau đó nếu bộ trưởng nào không hoàn thành nhiệm vụ trên cương vị trưởng ban soạn thảo luật cũng cần xem đó là một tiêu chí để bỏ phiếu tín nhiệm. “Bởi một dự án luật được làm nhanh thì Chính phủ không phải chờ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không phải chờ, đại biểu cũng tránh phải chiều thảo luận, sáng mới nhận được dự thảo như đã từng xảy ra. Và quan trọng nhất là nhân dân không phải sốt ruột” - ông Thảo nói.

Sớm sửa Luật đất đai và thông qua Luật biểu tình

Đa số đại biểu kiến nghị các dự án Luật đất đai (sửa đổi), Luật biểu tình và Luật phòng chống tham nhũng phải được trình ngay trong năm 2012, thay vì phải chờ đến năm 2013.

Với Luật đất đai (sửa đổi), đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM) cho rằng không có lý do gì để trì hoãn nữa khi đã có thời gian rất dài để soạn thảo, tình hình thực tế đã rất bức bách khi 70% số vụ khiếu kiện là liên quan đến đất đai và người dân đang mong mỏi từng ngày. Đại biểu Vũ Công Tiến (Lâm Đồng) cho rằng Quốc hội lấy lý do chờ sửa đổi hiến pháp để sửa thì phải đợi đến cuối năm 2013 mới sửa xong hiến pháp, năm 2014 Luật đất đai (sửa đổi) mới trình và thông qua, năm 2015 mới ban hành. “Trong khi tình hình về đất đai đang phức tạp, nếu chờ thêm ba năm nữa sẽ phức tạp đến mức nào?” - ông Tiến băn khoăn.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng Chính phủ đang được giao làm rõ một số nội dung về đất đai như: giá đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư... trình ra hội nghị trung ương 6 cuối năm 2012. Sau đó Chính phủ mới ra nghị quyết. Như vậy nếu đưa dự án Luật đất đai (sửa đổi) ra trình Quốc hội vào kỳ họp sắp tới thì những vấn đề đó sẽ chưa đủ chín, chất lượng của luật chưa được đảm bảo.

Đối với Luật biểu tình, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nói cần phải thông qua sớm, cùng với Luật đất đai. Bởi lẽ tình hình xã hội cho thấy phải có hành lang pháp lý sớm về việc biểu tình khi người dân có nhu cầu biểu tình nhưng không có pháp luật để điều chỉnh. Nếu không có luật sớm sẽ ảnh hưởng đến uy tín Nhà nước và thể diện quốc gia. Hơn nữa, Luật biểu tình có mối liên hệ chặt chẽ với Luật đất đai vì đa số bà con đi khiếu nại vì chuyện đất đai và đang không theo quy định nào. “Có hai luật này, nhiều ngòi nổ có thể sẽ được tháo” - ông Nghĩa nói.

Một dự án luật cũng được nhiều đại biểu kiến nghị làm nhanh là Luật phòng chống tham nhũng. Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng đã đủ điều kiện đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2012 khi đã có điều kiện thuận lợi là ra đời nghị quyết trung ương 5.

Phải kiểm điểm ban soạn thảo

Đây là đề nghị của đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) khi có nhiều dự án luật và pháp lệnh bị ngưng trệ và được thực hiện không chất lượng trong thời gian qua. Ông Học nói thẳng: “Tôi yêu cầu Quốc hội phải chỉ ra các địa chỉ cụ thể làm các dự án luật bị đình trệ”. Theo ông Học, Quốc hội nên cân nhắc luật, pháp lệnh nào cần thiết thì hãy soạn thảo hoặc sửa để đỡ mất thời gian.

Quyết liệt hơn, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đề nghị làm rõ trách nhiệm người đứng đầu khi làm luật không đúng tiến độ.

NGUYỄN VIỄN SỰ
theo Tuổi trẻ

Dự trữ tại chỗ là tốt nhất

Thảo luận về dự án Luật dự trữ quốc gia sáng 1-6, nhiều đại biểu TP.HCM cho rằng nên huy động nguồn lực địa phương và dự trữ tại chỗ là cách tốt nhất.

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế, đại biểu Phan Văn Quý (Nghệ An) cho rằng cùng với việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý thuế, phải nghiên cứu sửa đổi chính sách thuế cho phù hợp.

V.SỰ - L.KIÊN

Từ khóa: