Sự kiện hot
13 năm trước

Đại biểu Quốc hội nói về tam nông

Sản phẩm nông nghiệp của chúng ta chưa vươn tới hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn. Cung cách sản xuất trên địa bàn cả nước vẫn còn manh mún; nhiều sản phẩm ở vùng nào cũng có, nơi nào cũng có, dẫn đến sự tập trung đầu tư khoa học công nghệ cho sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu.

Sản phẩm nông nghiệp của chúng ta chưa vươn tới hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn. Cung cách sản xuất trên địa bàn cả nước vẫn còn manh mún; nhiều sản phẩm ở vùng nào cũng có, nơi nào cũng có, dẫn đến sự tập trung đầu tư khoa học công nghệ cho sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu.

Ông Trịnh Thế Khiết - Chủ tịch Hội Nông dân TP.Hà Nội: Sớm quy hoạch các vùng sản xuất tập trung

Từ năm 2006 đến nay, đời sống của nông dân cả nước tăng lên đáng kể. Các công trình điện, đường, trường, trạm; đặc biệt có những công trình thủy lợi lớn đáp ứng được yêu cầu của người dân trên địa bàn.

Tuy nhiên, chúng tôi thấy vẫn có những vấn đề đang tồn tại. Sản phẩm nông nghiệp của chúng ta chưa vươn tới hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn.  Cung cách sản xuất trên địa bàn cả nước vẫn còn manh mún; nhiều sản phẩm ở vùng nào cũng có, nơi nào cũng có, dẫn đến sự tập trung đầu tư khoa học công nghệ cho sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu.

Chúng tôi trăn trở về tình trạng xuất khẩu thô, nông sản của nông dân bị ép giá. Đơn cử, gạo Thái Lan luôn xuất khẩu cao hơn chúng ta 100 – 150USD/tấn.

Bởi vậy, Chính phủ nên có chính sách đủ mạnh để quy hoạch, chỉ ra những vùng sản xuất tập trung. Ngoại trừ vùng đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta vẫn sản xuất hai mặt hàng lớn là gạo và thủy sản; ở vùng Tây Nguyên thì cà phê, cao su, còn những vùng nào khác sản xuất những sản phẩm gì thì chúng ta chưa xác định được. Do chúng ta không quy hoạch tốt, nông dân trồng tự phát nên vừa rồi nhiều diện tích cà phê, hồ tiêu chết hàng loạt mà không biết kêu ai.

Để thực hiện được quy hoạch sản xuất đó, trước hết, chúng tôi đề nghị sửa đổi chính sách hạn điền được quy định trong Điều 70 Luật Đất đai theo hướng đất nông nghiệp cũng có thời hạn sử dụng như đất rừng là 50 năm. Nếu sửa đổi được như vậy, người dân sẽ yên tâm để đầu tư vào sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Phụng - Chủ tịch Hội Nông dân TP. Hồ Chí Minh: Tăng hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân

Bên cạnh những thành tựu đạt được, đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn những hạn chế, yếu kém. Thứ nhất, về vấn đề hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân, thời gian qua chúng ta chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; hình thức liên kết, liên doanh “4 nhà” trong nông nghiệp chưa gắn chặt với trách nhiệm để làm cơ sở phát triển bền vững đầu ra cho nông sản, rủi ro đối với người nông dân còn rất lớn.

Nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn được Nhà nước chú trọng nhưng nhu cầu thực tế còn rất lớn, thực tế mới đáp ứng được 55 - 60% nhu cầu.

Do đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tăng cường công tác đầu tư thêm nguồn lực cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhiều hơn nữa; nhất là nguồn lực cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, ít nhất cũng đạt 50% trên tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Thứ 2, việc thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện các dự án phát triển kinh tế là điều tất yếu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Song vẫn còn nhiều dự án chưa phát huy được hiệu quả, còn để hoang hóa không sử dụng, gây lãng phí lớn.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành trung ương đánh giá lại hiệu quả của các khu công nghiệp hiện đang hoạt động; có giải pháp phát triển những khu nông nghiệp công nghệ cao, phát triển ngành nông nghiệp đô thị, qua đó sẽ hỗ trợ được nông dân nhiều về vấn đề sản xuất giống và tiêu thụ sản phẩm.

Sỹ Lực (ghi)
theo Dân Việt

Từ khóa: