CJ Cầu Tre vừa công bố hợp tác cùng công ty bất động sản Sacomreal phát triển khu đất tại chính trụ sở của mình. Đã hơn 5 tháng kể từ khi CJ Group thâu tóm 71,6% vốn cổ phần tại Thực phẩm Cầu Tre, phải chăng công ty này đang có tham vọng vượt xa khỏi ngành kinh doanh thực phẩm đơn thuần.
CJ Cầu Tre vừa có động thái tham gia vào thị trường bất động sản qua sự hợp tác cùng Sacomreal
Mới đây, Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal – Mã: SCR) công bố nghị quyết hợp tác với CTCP Thực phẩm CJ Cầu Tre thành lập công ty mang tên Công ty TNHH Thương Tín – CJ Cầu Tre. Công ty mới với vốn điều lệ 700 tỷ đồng với tỷ lệ vốn góp của Sacomreal và CJ Cầu Tre lần lượt là 74% và 26%, tương ứng 518 tỷ đồng và 182 tỷ đồng.
Theo nghị quyết công bố, Thương Tín – CJ Cầu Tre sẽ chịu trách nhiệm thực hiện đầu tư dự án đối với khu đất tại số 125/208 Lương Thế Vinh, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, TP HCM. Đáng chú ý đây lại chính là khu đất đặt trụ sở của CTCP Thực phẩm CJ Cầu Tre.
Vậy, câu hỏi đặt ra là: Tại sao một công ty chuyên về thực phẩm lại hợp tác với một công ty chuyên về bất động sản như Sacomreal để phát triển khu đất của chính mình? Trong khi thương vụ M&A đình đám giữa CJ Group (Hàn Quốc) và Cầu Tre diến ra từ vài tháng trước đến nay vẫn còn nóng.
Những bước đi của CJ tại Cầu Tre
Quá trình tăng tỷ lệ sở hữu của CJ Cheiljedang Corporation (công ty thuộc Tập đoàn CJ) bắt đầu từ cuối năm 2016 khi nhận chuyển nhượng toàn bộ 47,33% cổ phần từ 3 cổ đông lớn. Doanh nghiệp này tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu lên 51,6% vào cuối tháng 3 năm nay, sau đó chi thêm 187 tỷ đồng mua cổ phần của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) để nâng tỷ lệ nắm giữ lên 71,6% như hiện tại.
Tạm tính theo mức giá mua cuối cùng được công bố, tổng số tiền mà CJ quyết bỏ ra để thâu tóm Cầu Tre rơi vào khoảng 670 tỷ đồng.
Kể từ đây, Tập đoàn Hàn Quốc bắt đầu “nhúng tay” sâu hơn vào hoạt động tại Cầu Tre. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của Cầu Tre, công ty này chính thức đổi tên thành CTCP Thực phẩm CJ Cầu Tre, điều chỉnh bổ sung thêm một số ngành nghề kinh doanh như chế biến rau quả, sản xuất các loại bánh từ bột và thức ăn chế biến sẵn…
Đáng chú ý, dự án nhà máy chế biến thực phẩm mới tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) trên diện tích đất 71.300 m2, cũng được điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ 500 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng. Cơ cấu sử dụng vốn bao gồm 179 tỷ đồng tiền thuê đất và 1.020 tỷ đồng tiền máy móc thiết bị và xây dựng cơ bản.
Đại hội cổ đông thực phẩm Cầu Tre năm 2017 (Ảnh: VnEpress)
Nghị quyết đại hội đồng cổ đông cho biết, nguồn vốn này được huy động từ việc chuyển quyền sử dụng khu đất hiện hữu của doanh nghiệp tại 125/208 Lương Thế Vinh, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, TP HCM(thông qua việc hợp tác đầu tư phát triển Dự án Khu phức hợp cao tầng Cầu Tre Plaza). Đây có lẽ là khởi nguồn của dự án hợp tác cùng Sacomreal thời điểm hiện tại.
Ngoài ra, nguồn tiền có thể từ việc vay vốn ngân hàng VietinBank 450 tỷ nếu Cầu Tre có yêu cầu. Vay vốn từ chương trình kích cầu đầu tư của UBND TP HCM và vay cổ đông CJ Cheiljedang Corporation... Thời gian thực hiện từ quý III/2017 đến quý IV năm 2018.
Đến tháng 7, HĐCĐ công ty thêm vào 2 ngành kinh doanh rất lạ so với những hoạt động mà Cầu Tre thực hiện trước đó. Cụ thể CJ Cầu Tre xin bổ sung hoạt động tư vấn quản lý và nghiên cứu thị trường vào các lĩnh vực kinh doanh của Công ty. Thực tế ngoài các hoạt động kinh doanh liên quan đến thực phẩm, CJ Cầu Tre cũng đã từng đăng ký hoạt động trên lĩnh vực bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Cũng trong tháng 7, CJ đánh dấu một bước đi quan trọng nữa trong hoạt động vận hành CJ Cầu Tre, HĐQT Công ty quyết định bổ nhiệm ông Roh Woong Ho (người Hàn Quốc) – thành viên HĐQT giữ chức vụ Tổng giám đốc. Được biết ngoài ông Roh Woong Ho, HĐQT CJ Cầu Tre hiện còn một người Hàn Quốc khác, ông Chang Bok Sang.
Vậy thực phẩm Cầu Tre có gì đặc biệt?
Công ty Cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre (Tiền thân là Xí nghiệp Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre) được xây dựng từ năm 1982. Sản phẩm của Công ty từ các nguyên liệu thủy hải sản và nông sản được tiêu thụ trên toàn quốc thông qua các hệ thống siêu thị và đại lý phân phối.
Ngoài ra sản phẩm của Cầu Tre được xuất đi qua nhiều nước trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Đức, Ý, Thụy Sĩ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Mỹ, Canada…
Một điểm đáng chú ý của Thực phẩm Cầu Tre, công ty này hiện đang được xây dựng trên khu đất diện tích gần 80.000m2, trong đó hơn 30.000m2 là các xưởng sản xuất tại 125/208 Lương Thế Vinh, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, TP HCM.
Ảnh vệ tinh khu đất đặt trụ sở CJ Cầu Tre
Trong năm 2016, Cầu Tre đạt doanh thu thuần 780 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ xuất khẩu đóng góp 482 tỷ đồng, và doanh thu nội địa đạt gần 300 tỷ. Tuy nhiên so với doanh thu, lợi nhuận của Cầu Tre đem về lại không quá đáng kể, chỉ hơn 2 tỷ đồng.
Trong năm 2017, kế hoạch doanh thu của CJ Cầu Tre dự kiến 834 tỷ đồng, tuy vậy công ty cũng đang dự trù khoản lỗ khoảng 25 tỷ đồng. Công ty cho biết, với sự đầu tư mạnh mẽ từ cổ đông lớn CJ Cheiljedang, năm 2017 sẽ là năm CJ Cầu Tre đẩy mạnh đổi mới về công nghệ, thương hiệu nhằm tăng sức cạnh tranh. Công ty cũng sẽ đẩy mạnh phát triển nghiên cứu thị trường, tìm kiếm khách hàng tiềm năng, mở rộng hệ thống phân phối trên cả nước, nhất là việc gia tăng nguồn thu đến từ thị trường trong nước.
Kế hoạch mới nhất công bố tại đại hội cổ đông, công ty sẽ nâng tổng mức đầu tư dự án nhà máy chế biến thực phẩm mới tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) trên diện tích đất 71.300 m2 từ 500 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng chính minh chứng cho tham vọng của CJ Cầu Tre trong thời gian tới.
Nhưng ngoài phát triển mảng thực phẩm, mục đích của CJ tại Cầu Tre có gì khác?
Như đã nói, CJ đang sở hữu mảnh đất 80.000 m2 ngay tại ngã 4 Lương Thế Vinh – Lương Minh Nguyệt, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, TP HCM.
Khu đất này đã được chuyển quyền sở hữu một phần nhằm huy động nguồn vốn cho dự án nhà máy mới tại KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) thông qua việc hợp tác đầu tư phát triển Dự án Khu phức hợp cao tầng Cầu Tre Plaza. Phương án đã được HĐQT CJ Cầu Tre toan tính từ lâu và dường như đang là một hành động “nhất cử lưỡng tiện”.
Một mặt CJ Cầu Tre có thể huy động được vốn cho dự án nhà máy mới, mặt khác Công ty này chính thức công khai bước chân vào lĩnh vực bất động sản qua sự hợp tác với Sacomreal thành lập công ty vốn 700 tỷ đồng (CJ Cầu Tre góp 182 tỷ). Điều đáng nói là, hoạt động kinh doanh bất động sản thậm chí đã xuất hiện trong đăng ký kinh doanh của Thực phẩm Cầu Tre từ bao giờ mà ít ai để ý đến.
Câu hỏi được đặt ra là, liệu Tập đoàn hùng mạnh CJ Hàn Quốc thâu tóm Cầu Tre chỉ đơn thuần nhằm phát triển mảng thực phẩm tại thị trường Việt Nam hay đây sẽ là đòn bẩy để phục vụ một mục đích khác?
CJ Group đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam
Được biết, CJ Group là một tập đoàn của Hàn Quốc có trụ sở tại Seoul. Công ty hoạt động đa ngành nghề mà chủ yếu trong các lĩnh vực thực phẩm và dịch vụ đồ ăn, dược phẩm và công nghệ sinh học, giải trí và truyền thông, mua sắm tại nhà và hậu cần… CJ Group ban đầu là một bộ phần của Tập đoàn Samsung cho đến khi tách ra vào năm năm 1990.
Mới đây, CJ Logistic (trực thuộc Tập đoàn CJ) đánh tiếng muốn nhảy vào cuộc đua thâu tóm Gemadept của Việt Nam, trước đó Tae Kwang đã gửi thư ngỏ muốn mua lại công ty này tuy nhiên đã thất bại.
“Chúng tôi cố gắng thâu tóm các công ty logistics ở Đông Nam Á với mục tiêu trở thành 1 trong 5 công ty đầu ngành trên toàn cầu. Vì thế, chúng tôi vẫn 'hứng thú' với công ty Gemadept của Việt Nam” ông Park Geun-tae – CEO của CJ Logistics cho biết.
Chiều ngược lại, Gemadept vừa cho biết đã chuyển nhượng hết 15% vốn tại CJ Việt Nam cho CJ O Shopping, 50,9% vốn của Công ty TNHH Gemadept Shipping Holding và 50,9% vốn của Công ty TNHH Gemadept Logistics Holding cho CJ Logistics vào ngày 1/10 vừa qua
Bạch Mộc
Theo KTTD, Vietnambiz