Sự kiện hot
13 năm trước

'Đại gia' du lịch ở Ngọc Vừng

Khách đến đảo Ngọc Vừng (Vân Đồn, Quảng Ninh) muốn nghỉ lại qua đêm chỉ có cách duy nhất là tìm đến khu nhà sàn anh Tiền. Đến nay, Nguyễn Văn Tiền là người đầu tiên và duy nhất khai phá du lịch ở hòn đảo xinh đẹp này. Anh còn được bà con ở đây xem là người mang "văn minh" cho xã đảo Ngọc Vừng, và có người còn gọi anh là "đại gia" du lịch nơi đây.

Khách đến đảo Ngọc Vừng (Vân Đồn, Quảng Ninh) muốn nghỉ lại qua đêm chỉ có cách duy nhất là tìm đến khu nhà sàn anh Tiền. Đến nay, Nguyễn Văn Tiền là người đầu tiên và duy nhất khai phá du lịch ở hòn đảo xinh đẹp này. Anh còn được bà con ở đây xem là người mang "văn minh" cho xã đảo Ngọc Vừng, và có người còn gọi anh là "đại gia" du lịch nơi đây.

Du lịch sinh thái đúng chất

Khu du lịch của anh Tiền thật đơn giản nhưng vô cùng lãng mạn và hoang sơ. Đến thăm nơi này, khu nhà sàn của anh Tiền hiện ra giữa con đường bê tông thẳng tắp, hai bên là hàng thông xanh. Một ngôi nhà sàn khá rộng, có thể ở được chừng 50 người, được bao quanh bởi những cây dừa nước. Ba bốn chòi lợp bằng lá dừa, có bàn kê ngồi uống nước.

Trong khuôn viên khu nghỉ dưỡng này có thêm 3 nhà được xây bằng xi măng, lợp ngói dành cho khách muốn nghỉ riêng phòng. Nhưng 2 trong 3 ngôi nhà đó trở thành bỏ hoang, tường vỡ, mái ngói sập. Để đi được từ phòng riêng lên khu nhà sàn phải đi men theo đường mòn bằng đất giữa các bụi cây.

Nhà sàn nhìn ngay ra bãi cát Trường Chinh, trắng và phẳng lì. Xa xa những chiếc thuyền đánh cá đang hối hả làm việc. Với cảnh sắc và hạ tầng nơi đây thì hiếm có nơi nào du lịch sinh thái chất hơn ở đây.

Một người đàn ông dáng người vạm vỡ, nước da sạm đen, ngồi trên chiếc xe Wave, cởi trần, một tay cầm lưới lao từ bãi cát Trường Chinh lên khu nhà sàn. Anh ta vứt lưới cá phịch xuống cát rồi xách túi bóng cá mang vào trong bếp. Ra tới bên ngoài, anh ngồi ngay vào bàn, cầm điếu thuốc rít một hồi. Người đàn ông đó chính là anh Nguyễn Văn Tiền.

"Đại gia" Nguyễn Văn Tiền - người khai sáng văn minh tại đảo Ngọc Vừng

Buổi tối, bên chén nước chè nghi ngút khói, giữa tiếng ào ào của sóng biển, anh kể về cơ duyên đến với du lịch của mình hai mươi năm trước: "Những năm 1990 mọi người làm ruộng không đủ đóng thuế, đời sống người dân đói kém, vợ chồng tôi mới cưới nhau cũng trong tình trạng như vậy. Bố mẹ tôi vốn là cán bộ xã mua đất lên huyện Vân Đồn sinh sống. Bố mẹ vợ cũng theo các anh của vợ về đất liền. Ngày đó, người dân Ngọc Vừng rời đảo, lên đất liền ở rất nhiều. Không có tiền mua đất chuyển đi chỗ khác, hai vợ chồng cùng quyết tâm ở lại đảo cố gắng làm ăn". Thế rồi, trong khó khăn đã bắt đầu có những đột phá. Đó chính là thời điểm khởi động cho tinh thần mang "văn minh" cho xã đảo Ngọc Vừng của người đàn ông tên Tiền.

Khi đi làm thuê ở khắp nơi, Tiền nhận thấy ở đảo mình không có ti vi, đài... như các nơi khác vì không có điện. Không bàn bạc với vợ, anh góp tiền trong nhà, vay mượn người thân "to gan" mang về đảo một chiếc máy phát điện chạy bằng dầu diesel trị giá 10 triệu đồng. "Mang máy phát điện về nhà, vợ mình kêu ầm lên, rồi lo lắng không biết làm sao để thu được tiền trả nợ. Lúc đó, mình khuyên bảo và tin rằng, kế hoạch kinh doanh máy phát điện sẽ thành công", anh nhớ lại.

Quả nhiên lúc đầu, nhờ có ánh sáng, cả xã đảo háo hức hẳn. Ti vi, đầu video được chở về đảo. 7h tối, người dân ở những thôn xa lại kéo nhau tới nhà nào có điện để xem nhờ phim, nghe thời sự. Những người dân đầu tiên thuê máy phát điện cũng trả tiền cho anh đều đặn. Thấy có ai muốn mua điện, dù nợ, dù trả ngay anh đều đồng ý. Thế nhưng nhiều người nợ không trả tiền, vợ chồng anh nợ cửa hàng xăng dầu, thất thu vì máy phát điện. Đó chính là trận vỡ nợ đầu tiên của gia đình Tiền.

Những "khu nghỉ dưỡng" dành cho khách du lịch yêu quý tới khám phá đảo

Để trả nợ, kiếm tiền, anh mua xe công nông sang đảo Văn Cảnh bên cạnh để làm ăn. Có tiền tích lũy, về đảo, Tiền lại mua máy xát gạo, máy tuốt lúa để giúp bà con làm ruộng. "Ở xã đảo, gia đình nào cũng có ruộng. Nhà nhiều thì hai ba mẫu, nhà ít thì cũng gần chục sào. Hồi đó ở đây cấy bằng tay, cày bằng trâu, tuốt lúa thủ công. Thấy anh ấy bàn mua máy xát, máy tuốt tôi thấy cũng hợp lý. Vậy là đầu tư mua. Có máy mới về, nhiều bà con cũng thuê đi làm nhưng rồi giá cả đắt quá, mỗi nhà lại có nhiều người tự làm được nên máy tuốt lại vứt đó, không kiếm được bao nhiêu", chị Nguyễn Thị Chuyện, vợ anh Tiền nhớ lại thời kỳ gian khổ đã qua.

Theo chị Chuyện, chồng chị là người luôn có ý chí kinh doanh, từ công nông cho tới máy xát, máy tuốt, anh ấy lại nghĩ ra kinh doanh cái khác đấy là xe khách. Nhờ có anh Tiền, chiếc xe khách đầu tiên được xuất hiện trên đảo, góp phần vận chuyển khách đi lại trên đảo.

Khu du lịch đầu tiên

Đảo Ngọc Vừng được đầu tư xây dựng đường bê tông chạy dọc trong xã, kéo dài hơn chục cây số. Trong khi đó, việc đi lại trên đảo chủ yếu là đi xe ôm, xe đạp hoặc đi bộ. Anh Tiền quyết bỏ ra 20 triệu đồng, mua chiếc xe 12 chỗ mang về đảo. Có xe khách, anh bắt đầu chạy thuê từ ngoài bến vào trong xã. Theo tính toán của anh, một ngày khách sẽ cập bến vào đảo 3 lần và 3 lần đi.

Đầu tiên, anh dựa vào thời gian tàu cập bến để chở và đón khách. "Khách có lúc này lúc kia. Những ngày đầu thu nhập cũng được, vợ chồng tôi cũng tích góp được ít. Sau đó vài tháng, một người khác trên đảo thấy làm xe khách mang lại thu nhập cũng mua thêm một chiếc. Hai chiếc xe khách trên đảo làm ăn khó khăn. Có chuyến chỉ có 1-2 người, có hôm lại không có chuyến nào vì tiện thì người ta nhờ người quen hoặc thuê xe ôm chở ra bến. Được thêm nửa năm nữa, không cầm cự nổi, vợ chồng tôi đành bỏ xe khách, bán đi chẳng được bao nhiêu. Trận vỡ nợ thứ hai lại tiếp tục", anh kể lại.

Những năm 2000, anh trở nên bất lực trước cuộc sống. Cả gia đình trông chờ vào mấy sào ruộng, cơm không đủ ăn, ba con còn đi học. Cuộc đời run rủi, anh gặp một người đàn ông từ Hà Nội đến Ngọc Vừng du lịch và tìm cơ hội làm ăn. Người đàn ông trông anh chất phác, hiền lành nhờ đưa đi khắp đảo, hỏi thăm chuyện trên đảo.

Cuộc gặp gỡ đó đổi thay cuộc đời Tiền và mở ra hướng phát triển mới cho đảo. Người anh em ở Hà Nội mua mảnh đất nằm ven bãi cát Trường Chinh và bảo anh nơi đây có tiềm năng phát triển du lịch. Nhờ có sự đầu tư về cơ sở vật chất và sự tin tưởng vào khả năng của Tiền nên mảnh đất đó đang trở thành điểm đến duy nhất hiện của khách muốn ở lại qua đêm trên đảo.

Vợ anh nói thêm vào: "Thời đó, anh ấy đi từ sáng sớm, mang cơm nắm ra ngoài đó đào đất, trồng cây rồi xây nhà. Tối đến lại ra biển bắt được gì thì mang về làm thức ăn ở nhà. Hôm nào không có thì ăn lạc rang. Người anh ấy gầy hốc hác, da sạm đen trông thương lắm nhưng lúc đấy nhà tôi cũng nghèo quá, không có tiền trả nợ, không có việc gì khác để làm. Thiết kế khu này từ cây cối cho tới nhà nghỉ, là do anh ấy nghĩ ra và làm hết".

Mấy năm đầu, người anh em ở Hà Nội vẫn trả tiền thuê vợ chồng Tiền trông đất, tạo dựng cây cối. Năm 2005 khách du lịch bắt đầu tới đảo. Chưa có nhiều người nghỉ lại qua đêm ở đây nhưng anh Tiền cũng bắt đầu thu được những đồng tiền đầu tiên từ du lịch.

Đầu cầu đón khách và hàng hoá từ đất liền vào đảo

"Anh ấy không lấy tiền mà cho vợ chồng tôi hết. Anh ấy vẫn trả tiền lương hằng tháng để tôi trông nom và chăm sóc khu này. Mấy cái nhà kia vợ chồng tôi sắm chăn chiếu, làm giường để nếu khách có tới nghỉ thì cho thuê. Hai năm sau, tôi trả được hết nợ", anh Tiền vừa nói vừa chỉ tay vào mấy ngôi nhà ở góc trong vườn.

Nhờ trông nom, cai quản khu đất này, đời sống kinh tế gia đình anh khá lên. Vợ chồng anh nuôi được ba cô con gái ăn học. Cô lớn đang học trường Y, hai cô sau đều học cấp ba ở thị trấn Vân Đồn. Số lượng khách du lịch đến đảo nhiều hơn và số người ở lại qua đêm trên đảo nhất là vào dịp hè cũng giúp vợ chồng anh kiếm đủ số tiền chi tiêu cho gia đình. Ngoài ra, hằng ngày anh vẫn lái chiếc xe tải, vận chuyển vật liệu xây dựng cho các gia đình trong xã đảo.

"Tuy nhiên, làm du lịch ở đảo Ngọc Vừng cũng rất khó vì trên đảo chưa có điện, không có chợ, các dịch vụ ăn uống cũng không có nhiều. Chỉ có vài cửa hàng bán tạp hóa. Khách nghỉ lại qua đêm ở nhà sàn, muốn ăn uống hải sản toàn gia đình tôi phải tự đi bắt. Những hôm mưa gió thì chỉ có thể ăn lạc rang, trứng rán. Vì vậy, nhiều khách du lịch thuê hẳn thuyền riêng, ra đây chơi cả nhóm trong vòng một ngày rồi tối đến quay trở lại Vân Đồn hoặc Hạ Long để nghỉ dưỡng, ăn uống", anh Tiền chia sẻ.

Không hẳn được cấp phép kinh doanh du lịch nhưng những việc làm của vợ chồng Tiền đang manh nha giúp du lịch trên đảo Ngọc Vừng ngày một phát triển hơn. Cho đến nay, làm du lịch "chuyên nghiệp" ở đây cũng chỉ có mình anh nên cái danh "đại gia" gắn vào anh như một mặc định. Vậy thôi.

Bình An
Theo VEF


Từ khóa: