Sự kiện hot
9 năm trước

Đại gia nào đang nhiều lợi thế trong cuộc đua thâu tóm Big C VN?

Aeon hiện được đánh giá là đại gia dẫn đầu trong nhóm chào mua Big C Việt Nam, sau khi nộp hồ sơ ban đầu định giá chuỗi bán lẻ này hơn 800 triệu USD.

Báo VnExpress dẫn tin từ Bloomberg trích lời một nguồn tin thân cận cho biết đại gia bán lẻ Nhật Bản đã gần đạt thỏa thuận mua lại mảng kinh doanh tại Việt Nam của Casino Group.

Aeon hiện dẫn đầu trong nhóm chào mua Big C Việt Nam, sau khi nộp hồ sơ ban đầu định giá chuỗi bán lẻ này hơn 800 triệu USD. Tuy nhiên, nguồn tin trên khẳng định thương vụ vẫn chưa hoàn tất. Nếu suôn sẻ, thỏa thuận có thể được công bố ngay trong tuần này.

Trong khi đó, Reuters hôm qua cho biết hơn 10 công ty đã nộp hồ sơ ban đầu chào mua Big C Việt Nam. Có hãng định giá chuỗi bán lẻ này lên tới 1,11 tỷ USD.

Aeon (Nhật Bản), Masan (Việt Nam), Lotte Group (Hàn Quốc), Central Group và Berli Jucker (Thái Lan) nằm trong nhóm đã nộp hồ sơ trước hạn chót 10/3 vừa qua.

Cuối năm 2015, Casino Group (Pháp) - đơn vị sở hữu thương hiệu Big C Việt Nam thông báo kế hoạch tái cơ cấu tài chính nhằm giảm nợ năm 2016, trong đó có đề cập đến việc bán chuỗi siêu thị Big C ở Việt Nam - thị trường hãng không coi là trọng điểm. Hồi tháng 1, Casino cho biết muốn huy động 4 tỷ euro thông qua bán mảng kinh doanh tại Colombia, Thái Lan và Việt Nam.

 


Aeon hiện được đánh giá là đại gia dẫn đầu trong nhóm chào mua Big C Việt Nam, sau khi nộp hồ sơ ban đầu định giá chuỗi bán lẻ này hơn 800 triệu USD. (Ảnh minh họa)

 

Tập đoàn Aeon Nhật Bản - một trong những tập đoàn thương mại bán lẻ lớn nhất trên thế giới với 179 liên doanh trong và ngoài nước Nhật Bản. Đây cũng là thương hiệu nhà bán lẻ lâu đời nhất tại Nhật, khởi đầu từ một cửa hiệu chuyên cung cấp các chất liệu, phụ kiện may kimono ở Yokkaichi do ông Sozaemon Okada điều hành năm 1758, Aeon Mall trở thành cái tên khiến nhiều người phải kiêng nể khi có tới 16.498 trung tâm cửa hàng tại xứ sở mặt trời mọc và các quốc gia trên thế giới. Trung tâm mua sắm của Aeon kinh doanh tới 90% hàng hóa nội địa, phần còn lại là hàng hóa của Nhật Bản và các nước khác. Doanh thu năm 2012 của tập đoàn là 60 tỷ USD, lợi nhuận 2 tỷ USD.

Hàng loạt trung tâm thương mại, mua sắm “khủng” của thương hiệu này đã xuất hiện trước tại Indonesia, Campuchia, Trung Quốc… Việt Nam là quốc gia thứ 3 của khu vực xuất hiện mô hình mua sắm Aeon Mall quy mô lớn. Trước khi chính thức đầu tư các trung tâm mua sắm tại Việt Nam, Aeon đã thăm dò thị trường bằng hệ thống cửa hàng tiện lợi Mini Stop.

AEON chính thức hoạt động tại Việt Nam từ năm 2009, dưới hình thức Văn phòng Đại diện (01/12/2009 - 0/07/2012). Ngày 07/10/2011, được sự chấp thuận từ UBND TP. HCM, công ty TNHH AEON Việt Nam chính thức được thành lập, đầu tư cho các hoạt động về xây dựng, tổ chức, quản lý và kinh doanh các mô hình Trung tâm thương mại, Trung tâm bách hóa tổng hợp và Siêu thị hiện đại. Ngoài ra AEON còn thực hiện các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến xuất nhập khẩu, thương mại và nghiên cứu.

Chiến lược kinh doanh của tập đoàn này là bám lấy tâm lý thích dùng hàng Nhật của người Việt Nam, Aeon sử dụng phương án dùng 1/3 hàng Nhật, 1/3 hàng Việt Nam và 1/3 hàng nhập từ các nước khác. Trước khi chính thức đầu tư các trung tâm mua sắm tại Việt Nam, AEON đã thăm dò thị trường bằng hệ thống cửa hàng tiện lợi Mini Stop. Tháng 10/2014, trung tâm thương mại thứ hai mở ở Bình Dương, năm 2015 đến lượt trung tâm thương mại tại Long Biên, Hà Nội, hoạt động.

Cái tên Aeon chính thức rầm rộ trên truyền thông khi tập đoàn này mạnh tay đầu tư trung tâm mua sắm Aeon – Tân Phú Celadon tại TP HCM, với mức đầu tư 109 triệu USD và trung tâm mua sắm Aeon – Bình Dương Canary tại Bình Dương.

Trong đó, Aeon Tân Phú cao 3 tầng, với diện tích mặt bằng bán lẻ khoảng 50.000 m2, bao gồm khu bách hóa tổng hợp GMS của Aeon và khoảng 120 gian hàng cho thuê. 10 ngày kể từ khi khai trương, Aeon Mall Tân Phú Celadon đã đón nhận hơn 30.000 lượt khách tới tham quan, mua sắm trong những ngày thường và hơn 70.000 lượt vào dịp cuối tuần.

Trung tâm mua sắm Aeon Bình Dương Canary được đầu tư xây dựng với kinh phí 95 triệu USD, quy mô xây dựng trên diện tích đất 6,2 ha với tổng diện tích sàn 70.000 m2.

Cũng trong năm 2014, các phương tiện truyền thông cũng “nóng” đề tài về Aeon khi tập đoàn khi bắt tay với hai thương hiệu bán lẻ lớn ở Việt Nam là Citimart và Fivimart.

Theo kế hoạch hợp tác, Aeon Mall dự kiến giúp Citimart thay đổi toàn bộ hệ thống, phương pháp điều hành, cho ra đời thương hiệu mới có tên "AeonCitimart". Không chỉ hợp tác với Citimart ở khu vực miền Nam, Aeon hợp tác với hệ thống khoảng 15 siêu thị Fivimart ở phía Bắc, đưa thương hiệu này "phủ sóng" khắp các thành phố lớn.

Đây là một trong những bước đầu của "đại gia Nhật Bản" nhằm hiện thực hóa kế hoạch đầu tư đầy tham vọng. Aeon Nhật Bản dự kiến đến năm 2020 sẽ xây dựng khoảng 20 trung tâm mua sắm quy mô lớn, đưa doanh thu tại Việt Nam lên tới 18.000 tỷ đồng.

Trước đó, trả lời trên báo chí Tổng giám đốc công ty AEON Mall Việt Nam vẫn lạc quan cho rằng, khủng hoảng kinh tế đang là cơ hội đầu tư của nhà kinh doanh bán lẻ. 2 lý do được ông Yukio Konishi viện dẫn để cho rằng, tập đoàn không muộn khi đầu tư vào Việt Nam vào thời điểm khó khăn kinh tế này, ngoài việc mang đến dịch vụ của người Nhật. Theo đó, Việt Nam có 90 triệu người và diện tích tương đương nước Nhật, khác biệt lớn nhất là dân số Việt trẻ. Do đó, đầu tư hôm nay, 10 năm sau AEON Mall sẽ đạt được thành công.

Ngoài ra, dù đã có mặt ở Việt Nam 3 năm, nhưng AEON Mall lại chấp nhận "trì hoãn có ý đồ", khi để cho các ông lớn bán lẻ thế giới vào Việt Nam trước, ở thời điểm vẫn đang là thị trường bán lẻ số một toàn cầu. Các nhà bán lẻ đến trước đã có thời gian dạy cho người tiêu dùng Việt những kiến thức về hàng hóa, chất lượng sản phẩm. "Ngày nay chúng tôi có lợi thế hơn, bởi người dùng Việt Nam đã có thể hiểu và so sánh chất lượng giữa các nhà cung cấp dịch vụ bán lẻ", ông Yukio Konishi nhận xét.

Rõ ràng, việc AEON có thành công ở thị trường Việt Nam hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong khi đó, hàng loạt các "đại gia" bán lẻ ngoại khác như tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới Wal-Mart (Mỹ) cũng đang lên kế hoạch tấn công thị trường bán lẻ Việt Nam.

An Nhiên (tổng hợp)
theo ĐSPL

Từ khóa: