Sự kiện hot
8 năm trước

Đại gia Việt gây choáng với mức lương khủng

Mức lương thưởng của dàn đại gia Việt dần được hé lộ khi các doanh nghiệp đang bắt đầu vào mùa công bố báo cáo thường niên và họp Đại hội cổ đông.

Lương bạc tỷ

Tin tức trên báo VTC News, các doanh nghiệp đang bắt đầu vào mùa công bố báo cáo thường niên và họp Đại hội cổ đông. Vì vậy, bức tranh lương thưởng của dàn đại gia Việt dần được hé lộ. Dù biết trước thù lao mà các đại gia Việt nhận được là con số khổng lồ nhưng không ít người vẫn thấy choáng khi nhận được những số liệu cụ thể.

Trong tài liệu Đại hội cổ đông thường niên năm 2016, Công ty Cổ phần FPT cho biết trong năm 2015, tổng mức lương thực chi cho 3 thành viên Hội đồng quản trị là 9,2 tỷ đồng, thấp hơn con số đại hội cổ đông phê duyệt là 10,76 tỷ đồng.

3 lãnh đạo trong Hội đồng quản trị bao gồm ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Bùi Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc và ông Đỗ Cao Bảo, Ủy viên Hội đồng quản trị.

Như vậy, bình quân mỗi tháng, ông Bình, ông Ngọc và ông Bảo nhận mức lương trên 250 triệu đồng. Bên cạnh đó, 2 thành viên Hội đồng quản trị không điều hành bao gồm ông Lê Song Lai, ông Jean - Charles Belliol nhận mức thù lao 4,98 tỷ đồng trong năm 2015.

 


Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FPT

 

Tổng công ty sữa Việt Nam (Vinamilk) luôn nằm trong Top các đơn vị kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam. Vì vậy, dàn lãnh đạo Vinamilk nhận được chế độ đãi ngộ tốt là điều hiển nhiên. Trong năm 2015, quỹ lương, quyền lợi gộp của các thành viên Hội đồng quản trị và Ban điều hành Vinamilk đạt 67,3 tỷ đồng. Trong đó, thù lao cho Hội đồng quản trị là gần 4,9 tỷ đồng.

Không chỉ lãnh đạo nhận đươc chế độ đãi ngộ tốt, lương  thưởng nhân viên của Vinamilk ngày càng tăng khi chi phí nhân viên lên tới 632 tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ.

Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt sớm đưa ra quỹ lương năm 2016 cho dành lãnh đạo. Cụthể, công ty trích Quỹ đầu tư phát triển, quỹ phúc lợi và quỹ khen thưởng lần lượt 6% lợi nhuân sau thuế và 5% lợi nhuận sau thuế.

Trong đó, thù lao cho Hội đồng quản trị và ban kiểm soát là 1 tỷ đồng và thưởng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau thuế cho Hội đồng quản trị và ban kiểm soát là 0,3% lợi nhuận sau thuế tương đương 720 triệu đồng.

“Mùa ăn chia” lại “đút két” thêm trăm tỷ

Báo Vietnamnet đưa tin, thông tin Tập đoàn Hoa Sen (HSG) quyết định trả cổ tức 75% là phát súng mở màn cho một mùa chia tiền tỷ lệ lớn trong cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo một báo cáo cuối 2015, ông Lê Phước Vũ trực tiếp sở hữu gần 20,7 triệu cổ phiếu HSG và thông qua 2 công ty con Công ty TNHH MTV Tam Hỷ và Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen nắm giữ hơn 23 triệu cổ phiếu HSG.

Vợ ông Vũ, bà Hoàng Thị Xuân Hương thông qua Công ty TNHH Tâm Thiện Tâm nắm giữ hơn 10 triệu cổ phiếu HSG.

Như vậy, tổng cộng vợ chồng ông Vũ đang trực tiếp và gián tiếp nắm giữ 54 triệu cổ phiếu HSG.

Với mức chi trả cổ tức 2.500 đồng/cp bằng tiền mặt và cứ 2 cổ phiếu HSG được chia thêm 1 cổ phiếu của chính DN này, vợ chồng chủ tịch Lê Phước Vũ của Tập đoàn Hoa Sen sẽ thu về khoảng 135 tỷ đồng tiền mặt và có thêm 27 triệu cổ phiếu HSG (50%).

Với mức giá hơn 34 ngàn đồng/cp, vợ chồng ông Lê Phước Vũ hiện đang sở hữu khối tài sản trị giá khoảng 1.840 tỷ đồng.

Đó là chưa tính tới những khoản cổ tức bằng tiền hàng trăm tỷ đồng đã và nhận được hàng năm và những khoản đầu tư bên ngoài Tập đoàn Hoa Sen.

 


Vợ chồng ông Lê Phước Vũ hiện đang sở hữu khối tài sản trị giá khoảng 1.840 tỷ đồng

 

Gia đình bà Nguyễn Thị Mai Thanh, chủ tịch kiêm TGĐ CTCP Cơ điện lạnh (REE), theo kế hoạch, sẽ nhận được khoảng 38 tỷ đồng tiền cổ tức cho năm 2015 và khoảng 5,7 triệu cổ phiếu REE (hiện có giá gần 25 ngàn đồng/cp).

Năm 2015, bà Mai Kiều Liên, TGĐ Vinamilk thu về hàng chục tỷ đồng tiền cổ tức. Các cổ đông lớn khác nhận hàng ngàn tỷ đồng cổ tức tiền mặt từ “bò sữa” Vinamilk và nhiều cổ phiếu khác.

Trong đó, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà Nước (SCIC) thu về khoảng 1,8 ngàn tỷ đồng tiền mặt và 90 triệu cổ phiếu thưởng.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi chia nhau cổ phiếu ESOP trị giá hơn 500 tỷ đồng (cho cán bộ nhân viên), các cổ đông CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) sắp nhận được cổ tức cho năm 2015.

Riêng ông Nguyễn Đức Tài, chủ tịch MWG sẽ nhận được khoảng 34 tỷ đồng do đang trực tiếp và gián tiếp sở hữu 22,6 triệu cổ phần DN này.

Gia đình nhà anh em ông Đoàn Hồng Việt của Digiworld (DGW) cũng sẽ nhận được cả chục tỷ đồng nhờ khoản cổ tức tạm ứng 2015 với tỷ lệ 15% bằng tiền mặt.

Nhiều DN đã lên kế hoạch trả cổ tức với tỷ lệ cao, hứa hẹn các cổ đông sẽ thu bộn tiền cho năm 2015 như: VSC (30%), Cảng Đoạn Xá DXP (50%), Cadivi CAV (30%), Công viên nước Đầm Sen DSN (36%)…

Trong mùa cổ tức năm trước, hàng loạt các đại gia đã nhận một lượng tiền cổ tức khổng lồ. Vợ chồng tỷ phú Phạm Nhật Vượng nhận hàng trăm triệu cổ phiếu VIC trả cổ tức trị giá hơn 5 ngàn tỷ đồng.

Ông Trần Lệ Nguyên, phó Chủ tịch Kinh Đô nhận về khoảng hàng trăm tỷ đồng tiền mặt trong đợt CTCP Tập đoàn Kido (KDC) chia cổ tức 200% (20 ngàn đồng/cp) hồi giữa năm 2015 sau khi Kinh Đô hoàn thành chuyển nhượng 80% cổ phần của Kinh Đô Bình Dương cho đối tác nước ngoài.

Đầu tháng 2/2016 vừa qua, các cổ đông CTCP Dịch vụ hàng hóa Nội Bài - NoibaiCargo (NCT) cũng đã được duyệt nhận cổ tức bằng tiền 50% (5 ngàn đồng/cp) sau khi đã nhận một khoản tương tự hồi tháng 8/2015.

Nhiều khoản cổ tức ngàn tỷ cũng đã được DN chi trả như trong trường hợp Masan Consumer chi 5,8 ngàn tỷ đồng trả 110% cổ tức bằng tiền mặt sau 4 năm lãi lớn.

Masan Group của ông Nguyễn Đăng Quang và cổ đông quỹ KKR của Mỹ là các cổ đông hưởng phần lớn số tiền cổ tức khổng lồ này.

Ngọc Anh (tổng hợp)
theo ĐSPL

Từ khóa: