Sự kiện hot
12 năm trước

'Đại gia' Viettel - Vinaconex: Vỡ mộng công ty tài chính

Đọc thông tin về sự kiện PVFC sắp hợp nhất với WesternBank để trở thành ngân hàng thương mại, cổ đông của Công ty cổ phần Tài chính Vinaconex - Viettel (VVF) không khỏi ngậm ngùi.

Đọc thông tin về sự kiện PVFC sắp hợp nhất với WesternBank để trở thành ngân hàng thương mại, cổ đông của Công ty cổ phần Tài chính Vinaconex - Viettel (VVF) không khỏi ngậm ngùi.

Hoạt động mờ nhạt và kém hiệu quả, cổ tức chia thấp hơn cả lãi suất ngân hàng, rõ ràng giấc mộng và những kỳ vọng khi đầu tư vào công ty tài chính VVF của nhà đầu tư đang biến thành mây khói.

Cái bóng của ông chủ

VVF được thành lập cách đây 5 năm trong phong trào nhà nhà đầu tư vào ngân hàng, người người lập công ty tài chính. Cổ đông sáng lập của nó là những tên tuổi như: Tập đoàn Viettel, Vinaconex, Ngân hàng BIDV, Ngân hàng Quân đội… và khá nhiều cổ đông nhỏ lẻ là cán bộ nhân viên của Vinaconex. Dưới những tên tuổi lớn, những người bỏ tiền vào đây kỳ vọng rằng, VVF sẽ trở thành thương hiệu sáng giá, hoạt động hiệu quả và là nơi sinh lợi tốt. Vậy nhưng, sau hơn 5 năm hoạt động, VVF vẫn chỉ là cái bóng mờ nhạt của những tổ chức sáng lập ra nó.

Với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, theo báo cáo của VVF, cuối năm 2012 công ty có tổng tài sản 3.602.173 tỷ đồng, giảm 41,98% so với năm 2011; lợi nhuận trước thuế đạt 112,392 tỷ đồng, giảm 37,74%. Công ty hoàn thành chưa đến 60% kế hoạch lợi nhuận do phải trích lập dự phòng. Tỷ lệ nợ xấu là 4,2% trong khi kế hoạch đề ra chỉ là 2%. Tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 0,51%. Sau khi trích lập các quỹ, VVF chỉ có thể trả cổ tức năm 2012 ở mức 7%, thay vì 12% như kế hoạch.

“Thòng lọng” vô hình

Với cổ đông lớn là Tập đoàn Viettel có lợi nhuận tới 27.000 tỷ đồng trong năm 2012 và hàng loạt dự án đầu tư khổng lồ, nhiều người ngỡ rằng, VVF chỉ cần tập trung phục vụ tập đoàn này là đủ hiệu quả. Tuy nhiên, trong cơ cấu khách hàng của VVF lại vắng bóng hoàn toàn những cái tên trong lĩnh vực hái ra tiền, thay vào đó phần lớn là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có rủi ro cao. Lý do được giải thích đơn giản là theo quy định áp dụng với các công ty tài chính, VVF bị hạn chế cấp tín dụng cho cổ đông lớn, cổ đông sáng lập và các doanh nghiệp mà pháp nhân là thành viên góp vốn. Dư nợ cấp cho tất cả những đối tượng này không được vượt 5% vốn tự có của VVF. Những khoản đầu tư của ngành viễn thông có quy mô lớn, VVF khó có thể một mình đứng ra cho họ vay vốn. Do không thể cấp tín dụng cho doanh nghiệp nhóm trên nên VVF cũng khó huy động được vốn từ những doanh nghiệp này. Vậy là một nửa cái tên Viettel trong tên gọi của VVF gần như không có tác dụng gì!

Không có khách hàng lớn và hoạt động hiệu quả, VVF chủ yếu cho vay trong những ngành như bất động sản, xây dựng và vận tải biển. Năm 2012, tình trạng khách hàng không thanh toán, thanh toán chậm dư nợ vay và lãi đến hạn xảy ra thường xuyên. Đặc biệt lo ngại là hiện tại công ty có những khoản nợ quá hạn chiếm tới hơn 1/3 vốn điều lệ với các tổ chức tín dụng như: Ngân hàng SCB, Tài chính Sông Đà, Tài chính handico và gần đây là vụ tranh chấp đình đám về khoản tiền 150 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp Vina Megastar đã quá hạn.

Với tình hình quản lý tài chính như trên, cộng với những quy định bó buộc trong hoạt động như không được huy động tiền gửi của cá nhân, hạn chế mở rộng mạng lưới, hạn chế trong cung ứng sản phẩm ra thị trường… con đường nào có thể giúp công ty đổi vận?

Lối đi khó khả thi

Năm 2013 được nhận định còn nhiều khó khăn, song ban điều hành VVF đã đưa ra kế hoạch đầy tham vọng: tổng tài sản đạt 3.712 tỷ đồng, tăng 3,06% so với năm 2012; tăng trưởng tín dụng 0,64%, đặc biệt lợi nhuận trước thuế đạt 203,73 tỷ đồng, tăng 81,27%; tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn 1,93%. Đối với khoản nợ xấu khá lớn, VVF cho biết sẽ giám sát chặt chẽ dòng tiền cũng như tình hình tài chính của các doanh nghiệp; tác động lãnh đạo Tổng công ty Vinaconex để đề nghị hỗ trợ thu hồi nợ; đối với các doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo, tiếp tục yêu cầu bổ sung tài sản đảm bảo; tiến hành kiện ra tòa án kinh tế nếu đối tác không hợp tác; đối với các doanh nghiệp có tài sản đảm bảo, VVF tiến hành các phương án như bán tàu, bán dự án... Dễ thấy bất động sản và vận tải biển tiếp tục là hai ngành khó khăn nhất trong năm 2013, khả năng doanh nghiệp có dòng tiền để trả nợ không dễ. hơn nữa, với những quy định rắc rối về xử lý tài sản đảm bảo như hiện nay, cũng như nhu cầu mua lại tài sản giải chấp trên thị trường ở mức thấp, giải pháp trên không dễ thực hiện.

Một thông điệp nữa được ban lãnh đạo VVF đưa ra là tiến hành tái cơ cấu các khoản cấp tín dụng theo hướng không ưu tiên đối với nhóm khách hàng là công ty con của cổ đông và người có liên quan, mở rộng cung cấp dịch vụ tài chính cho tất cả các đối tượng khách hàng. Nhưng làm được điều này cũng không dễ, nhất là trong bối cảnh ngân hàng "đốt đuốc", đi tìm khách hàng tốt như hiện nay. hạn chế ở bộ sản phẩm đồng bộ cung cấp cho khách hàng doanh nghiệp, liệu công ty tài chính có kéo được khách hàng tốt từ tay các ngân hàng khác vốn cũng đang thừa tiền mặt và thiếu địa chỉ để rót vốn?

Còn một con đường được lãnh đạo VFF kỳ vọng, đó là công ty sẽ tăng tỷ trọng nguồn thu từ dịch vụ. Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo công ty cho hay, sẽ gia tăng các hoạt động M&a, hoạt động tư vấn, dịch vụ ngân hàng đầu tư cho khách hàng… Tuy vậy, nếu phân tích kỹ một chút sẽ thấy bài toán này không dễ thực hiện. Thị trường M&a sôi động, nhưng để làm được những thương vụ lớn thì nhân sự tốt, giàu kinh nghiệm và giàu mối quan hệ là yếu tố quan trọng số 1. Đây không phải điểm mạnh của VVF. Chưa kể, hiện dịch vụ tư vấn M&a đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường giữa các công ty chứng khoán lớn, cả trong và ngoài nước.

“Viettel sẽ hỗ trợ chúng tôi ở mảng này”, lãnh đạo VVF tin tưởng nói khi đề cập đến nguồn thu từ dịch vụ. Quả thực, năm 2013, Viettel cho biết họ tiếp tục đầu tư mạnh ra nước ngoài, trong đó có định hướng mua lại cổ phần của những hãng viễn thông đã có giấy phép khai thác trên các thị trường đó. Song VVF có đủ năng lực để đảm nhận một phần việc liên quan đến những thương vụ phức tạp và nhất là yêu cầu hiểu biết luật pháp nước ngoài rất cao hay không?

Một công ty tài chính giàu tiềm năng có thể xoay xở để vượt lên chính mình và bảo toàn được đồng vốn? Câu trả lời chỉ có người trong cuộc mới có. Tuy nhiên, nếu không sớm cơ cấu lại, mạnh tay loại bỏ những yếu kém và tìm ra các biện pháp khả thi trong hoạt động, VVF khó có thể thấy được tia sáng ở cuối đường hầm.

Theo Doanh Nhân

Từ khóa: