Theo Bộ Tài chính, mặc dù năng lực tài chính của một số đơn vị còn hạn chế, nhưng các công ty kinh doanh xăng dầu với thị phần lớn trên thị trường đều có số vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp tương đối lớn và chưa thực sự hiệu quả.
Vừa qua, Bộ Tài chính đã công bố kết quả kiểm tra rà soát giá vốn các mặt hàng nhập khẩu trong kỳ, tình hình sản xuất kinh doanh của 4 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tại thời điểm 30/6 và 26/8/2011 của các Tổ kiểm tra (tại Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Dầu Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM và Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Tháp), cho thấy tình trạng đầu tư ngoài doanh nghiệp của các công ty vẫn còn nhiều vướng mắc.
Đầu từ ngoài doanh nghiệp chưa hợp lý
Qua kết quả kiểm tra cho thấy, mặc dù năng lực tài chính của một số đơn vị còn hạn chế và doanh nghiệp vẫn còn thiếu vốn kinh doanh xăng dầu, nhưng 4 doanh nghiệp trên đều có số vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp tương đối lớn (trong đó có các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản).
Điển hình, tại Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), vốn chủ sở hữu tại Tổng công ty sau khi xác định lại để cổ phần hóa là hơn 10 nghìn tỷ đồng.
Tính đến 30/6/2011, Tổng công ty đầu tư vào doanh nghiệp khác với tổng giá trị là hơn 3 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,7% vốn chủ sở hữu. Trong đó, đầu tư vào các công ty cổ phần (phần vốn Tổng công ty nắm giữ sau khi cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên) là hơn 1 nghìn tỷ đồng, bằng 14,4% vốn chủ sở hữu. Cổ tức lợi nhuận chia năm 2010 là hơn 158 tỷ đồng, bằng 10,8% vốn đầu tư.
Vốn góp thành lập các công ty cổ phần, liên doanh, đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu là hơn 957 tỷ đồng, bằng 9,4% vốn chủ sở hữu. Cổ tức và lợi nhuận chia năm 2010 bằng 31,3% vốn đầu tư.
Đầu tư lĩnh vực ngoài ngành (ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản), bằng 12,5% vốn chủ sở hữu. Cổ tức lợi nhuận được chia năm 2010 là 9,2% vốn đầu tư. Lĩnh vực khác (cổ phiếu), bằng 0,09% vốn chủ sở hữu. Cổ tức và lợi nhuận được chia năm 2010 là 0,16% vốn đầu tư.
Không chỉ Petrolimex, mà Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) đầu tư hầu như cũng không mang lại hiệu quả. Trong các khoản đầu tư dài hạn thì hiệu quả đầu tư từ Công ty liên doanh liên kết là không cao, thể hiện ở lợi tức được chia 0,73% trên tỷ lệ vốn góp.
Cụ thể tính đến 30/09/2011, đầu tư vào công ty con là 2.425 tỷ đồng, chiếm 33,6% vốn chủ sở hữu. Lợi nhuận từ đầu tư vào công ty con là 342 tỷ đồng, bằng 14,11 % vốn góp và bằng 4,74% vốn chủ sở hữu.
Đầu tư vào công ty liên doanh liên kết là 994 tỷ đồng, chiếm 13,77% vốn chủ sở hữu . Lợi nhuận từ đầu tư vào công ty con là hơn 7 tỷ đồng, bằng 0,73 % vốn góp và bằng 0,097% vốn chủ sở hữu.
Theo Bộ Tài chính, trong điều kiện khó khăn về vốn kinh doanh, việc thực hiện đầu tư ra ngoài ngành của các công ty này là chưa hợp lý. Vì vậy, trong thời gian tới các doanh nghiệp cần có kế hoạch và lộ trình thực hiện thoái vốn đầu tư tại các lĩnh vực, có mức độ rủi ro cao và không thuộc ngành nghề sản xuất kinh doanh chính, để tập trung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh chính theo chỉ đạo của Chính phủ.
Cần sớm lên kế hoạch thoái vốn
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Hoàng Hải - Cục phó Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính cho biết, gần đây Chính phủ đã có chỉ thị tái cấu trúc lại doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có Tập đoàn Tổng công ty. Một trong những giải pháp để thực hiện tái cơ cấu lại tình hình tài chính doanh nghiệp, vấn đề thoái vốn tại lĩnh vực rủi ro không thuộc ngành kinh doanh chính. Để tập trung vốn cho ngành nghề kinh doanh chính, giúp doanh nghiệp có đủ nguồn lực thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị.
"Rõ ràng ở đây chúng ta không đánh đồng mức đầu tư ra ngoài doanh nghiệp để xử lý mà cần có phân loại, trách nhiệm là của doanh nghiệp và làm trên tinh thần Chính phủ đã quy định", ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải, hoạt động đầu tư ra ngoài lĩnh vực chính của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hiện nay chưa thật sự hiệu quả, đặc biệt là ở một số lĩnh vực như chứng khoán. Nếu so sánh với vốn vay, vốn huy động để phục vụ nhiệm vụ sản xuất kinh doanh thì điều đó đã tác động trực tiếp đến công việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
"Chính phủ đã cho một cái khung thời gian là 2015 hoàn thành, vì vậy các doanh nghiệp phải tự xây dựng đề án tái cấu trúc và lên kế hoạch, lộ trình thực hiện việc tái cấu trúc này, làm sao hiệu quả và hợp lý nhất. Cái nào ta phải thoái vốn trước, cái nào phải thoái vốn sau thì từng doanh nghiệp phải có phương án cụ thể, để báo cáo cơ quan quản lý chuyên ngành phê duyệt", ông Hải cho biết.
Được biết hiện nay, Bộ tài chính cũng đang xây dựng đề án tái cấu trúc doanh nghiệp, trong đó đưa ra các tiêu trí và lộ trình về tổ chức lại doanh nghiệp, tổ chức lại vấn đề tài chính. Sau khi Chính phủ phê duyệt thì các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước phải căn cứ vào lộ trình này để xây dựng kế hoạch riêng cho mình phù hợp với đặc điểm kinh doanh từng ngành nghề của mình, gắn với nhiệm vụ chính trị mà Nhà nước đã giao.
Theo Vnmedia