Sự kiện hot
4 năm trước

Đại hội XIII của Đảng: Tự hào và vững tin!

Tự hào khi đất nước đạt được nhiều thành tựu nổi bật và vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao; vui mừng, phấn khởi trước thành công của Đại hội XIII; kỳ vọng vào những dấu mốc mới trên chặng đường phát triển đất nước sau Đại hội; mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương...

Đó là tâm tư, tình cảm chung của rất nhiều kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài, những người mang trong tim dòng máu Lạc Hồng, là "bộ phận rất quan trọng, không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam". 

Đại hội nghe đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đọc Diễn văn bế mạc Đại hội. Ảnh: TTXVN

Từ những bà con người gốc Việt định cư hàng chục năm nay ở thủ đô Viêng Chăn (Lào), sinh sống nhiều đời tại vựa lúa Battambang (Campuchia) hay tỉnh Đông Bắc Thái Lan Udon Thani, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và hoạt động cách mạng trong những năm 1928-1929; tới những giáo sư, tiến sĩ, trí thức đang là các chuyên gia tại các trường đại học và cơ sở nghiên cứu hàng đầu ở Nhật Bản, Mỹ, Anh, Đức... Từ những sinh viên, nghiên cứu sinh và kỹ sư người Việt Nam đang học tập và làm việc tại Trung Quốc, Bỉ, Thụy Sĩ, Israel... tới đội ngũ doanh nhân ở Australia, Hàn Quốc, Nga... Những người Việt ở nước ngoài mà các phóng viên TTXVN tiếp xúc đều ấn tượng về những thành tựu của đất nước đạt được sau 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, nhất là trong 5 năm thực hiện Nghị quyết XII của Đảng. Chính những thành tựu nổi bật và khá toàn diện đó đã đưa đất nước phát triển lên tầm cao mới, hội nhập sâu rộng và nâng cao vị thế dân tộc trên trường quốc tế. Đặc biệt, những dấu ấn của Việt Nam trong năm 2020 khó khăn chồng chất do tác động của đại dịch COVID-19 là điều khiến kiều bào phấn khởi nhất. 

Ông Dương Đình Bảng, Trưởng Đại diện Tập đoàn Cao su Việt Nam tại Lào - một người có thâm niên công tác tại Lào trên 30 năm - chia sẻ rằng: “Trước những thành tựu lớn lao như vậy, trước thành công và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng tôi, những người dân Việt Nam đang công tác ở nước ngoài luôn cảm thấy rất tự hào với những thành tựu đó, luôn tự hào mình là người dân Việt Nam và luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng cũng như của chính phủ”. Bà con tin rằng việc Việt Nam trở thành "điểm sáng" về kinh tế cũng như kiềm chế được các đợt dịch bùng phát trong năm 2020 là minh chứng thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và sự đồng lòng phấn đấu và quyết tâm của mọi người dân Việt Nam. Đó là niềm tự hào, cũng là cơ sở vững chắc để kiều bào Việt Nam ở nước ngoài thêm tin tưởng vào sự dẫn dắt, lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, như bộc bạch của bà Nguyễn Thị Nương, một Việt kiều tại Viêng Chăn khi chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng của đất nước mỗi khi về thăm quê hương "không có Đảng thì không có ngày nay”. 

Từ Ai Cập, Đại sứ Việt Nam Trần Thành Công cho biết, qua các buổi sinh hoạt, trao đổi, cộng đồng người Việt Nam tại quốc gia Bắc Phi này bày tỏ Đảng đã đem lại hình ảnh người Việt Nam hoàn toàn mới trên trường quốc tế.  Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia nghiên cứu của Chương trình nghiên cứu Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) có trụ sở tại Singapore, khẳng định vị thế quốc tế của Việt Nam trong 5 năm qua đã không ngừng vươn lên, với nhiều dấu ấn đáng kể, cho thấy sự chủ động, tích cực của Việt Nam cũng như sự thừa nhận, tín nhiệm của các quốc gia khác trong cộng đồng quốc tế đối với vai trò, tiếng nói của Việt Nam. Điều này xuất phát từ tầm vóc, thế lực ngày càng lớn mạnh của Việt Nam, với nền tảng quan trọng nhất là sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế liên tục, vững chắc của Việt Nam trong thời gian qua.

Không chỉ những thành tựu về kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài còn đánh giá cao quyết tâm của Đảng trong công tác phòng chống tham nhũng. Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nêu rõ đây là điểm nhấn của nhiệm kỳ XII, chiến dịch chống tham nhũng rất hiệu quả và chưa từng có tiền lệ, về cả quy mô cũng như mức độ, cho thấy sự nghiêm túc của Đảng trong việc xóa bỏ tình trạng này. Trong khi đó, bà Ma Thị Kim Cương, Việt kiều tại Viêng Chăn, cho rằng: “Đảng và Nhà nước đã tạo được niềm tin cho nhân dân, thông qua sự lãnh đạo cũng như công tác chống tham nhũng và phòng, chống lãng phí”. Những thành tựu rất quan trọng của đất nước khiến ông Trần Bá Phúc, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia, cảm thấy tự tin và hãnh diện khi "chưa bao giờ cuốn hộ chiếu Việt Nam lại có giá trị và ý nghĩa lớn lao đối với người Việt Nam ở nước ngoài như vào thời điểm này".

Từ niềm tự hào đó, kiều bào cũng kỳ vọng và tin tưởng Đại hội XIII của Đảng sẽ là dấu mốc quan trọng trên con đường phát triển đất nước. Giáo sư Nguyễn Đức Khương, Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu tại Trường Kinh doanh IPAG (Pháp), Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), nhận định Đại hội XIII là một bước ngoặt rất quan trọng mở đường cho những đột phá trong phát triển, định vị được Việt Nam trong bức tranh toàn cầu với một vai trò chủ động và dẫn dắt. Chia sẻ ý kiến này, anh Trần Thiện Quang, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc cho rằng Đại hội XIII sẽ tiếp tục khẳng định vị thế lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, củng cố niềm tin của nhân dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế vào sự lãnh đạo của Đảng và sự đổi mới của đất nước. 

Đánh giá kết quả Đại hội XIII của Đảng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore cho rằng, mặc dù được tiến hành trong một thời gian rất ngắn và dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bất ngờ bùng phát ở Việt Nam, Đại hội XIII vẫn diễn ra một cách trôi chảy, qua đó mang lại niềm tin nhất định và có thể xem là một thành công bước đầu. Tiến sĩ Khương nhấn mạnh sau Đại hội, tại Việt Nam đã dấy lên một không khí cải cách mới, có thể tạm gọi là “Đổi mới 2”. Trong toàn xã hội, trong toàn Đảng đã ý thức rất rõ về khí thế trỗi dậy của dân tộc để đi đến phồn vinh, thịnh vượng, để trong vòng 25 năm tới đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045.

Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cho rằng Việt Nam hiện đã tích lũy đủ nền tảng, tiềm lực để bước vào giai đoạn “cất cánh”, hướng tới mục tiêu trở thành nền kinh tế phát triển vào năm 2045. Giáo sư Lương Đình Dũng, hiện đang giảng dạy tại Đại học New York (Mỹ) nhấn mạnh những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong những năm qua đã tạo một nền móng vững chắc, tạo ra cơ hội rất rõ ràng cho Việt Nam, dù phía trước còn không ít khó khăn, thách thức trong bối cảnh tình hình quốc tế vẫn diễn biến phức tạp và khó lường, đặc biệt đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Giáo sư Dũng chia sẻ để tiếp tục phát triển trên cái nền đó, giống như xây một ngôi nhà, cần phải có "những người thợ giỏi", ở đây chính là đội ngũ cán bộ đảng viên, đóng vai trò đầu tàu gương mẫu. Bên cạnh đó, một trong những yếu tố quan trọng là tận dụng nguồn lực con người, đặc biệt là nguồn chất xám của đội ngũ trí thức người Việt đang sống và làm việc ở trong nước cũng như nước ngoài. 

Từ Tokyo, Giáo sư Trần Văn Thọ, nguyên giảng viên Đại học Waseda cũng nhất trí cho rằng bối cảnh mới đòi hỏi ban lãnh đạo Việt Nam phải theo kịp tình hình trong và ngoài nước, có những quyết sách đúng đắn, nhất là quy tụ được nhân tài, trọng dụng người tài. Đây cùng là ý kiến của Giáo sư Nguyễn Đức Khương. Ông kỳ vọng ngoài việc đưa ra một chiến lược phát triển kinh tế phù hợp, tận dụng những cơ hội của thời vận, xây dựng và tận dụng được sức mạnh mềm của quốc gia, những quyết sách sắp tới của Đảng và hành động của chính phủ sẽ đặc biệt chú trọng đến việc tìm kiếm và trọng dụng người tài. 

Như chia sẻ của Giáo sư Nguyễn Đức Khương, người Việt dù ở bất cứ đâu đều mong muốn một Việt Nam phát triển mạnh mẽ và tiên phong trong thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trên trường quốc tế. Những ý kiến đóng góp của cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài vào dự thảo văn kiện Đại hội XIII, việc kiều bào chăm chú dõi theo Đại hội XIII với niềm tin tưởng và tự hào, những đề xuất đầy tâm huyết của đội ngũ trí thức người Việt cho các mục tiêu phát triển… đã cho thấy sự gắn bó, trách nhiệm của những người con xa quê đối với sự chuyển mình của đất nước, cùng mong muốn được cống hiến cho Tổ quốc. Bởi vậy, hòa chung tình cảm của nhân dân cả nước hướng về Đại hội XIII, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng kỳ vọng ban lãnh đạo mới tiếp tục kiến tạo, lấy lợi ích đất nước làm kim chỉ nam, có năng lực hành động và đoàn kết sức mạnh toàn dân tộc, để kiều bào có thể đóng góp nhiều hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, góp sức vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, để mọi người dân Việt Nam dù ở trong hay ngoài nước đều tự hào khi mang trong mình “dòng máu Việt”.

Phương Hà 

Theo Báo Tin tức/TTXVN

Từ khóa: