Sự kiện hot
7 năm trước

Đạm Ninh Bình là 'con nợ' của những ngân hàng nào?

Đạm Ninh Bình là “con nợ” của China Eximbank, VDB, Vietcombank Ninh Bình, BIDV Tây Hồ, Vietinbank...

Xử lý Đạm Ninh Bình 'kẹt cứng' vì hợp đồng EPC với nhà thầu Trung Quốc

Đạm Ninh Bình đòi nợ: Biết trước sao còn đưa chân vào bẫy?

Vay nợ hơn 10.000 tỷ, khả năng trả nợ hạn chế

Như đã đưa tin, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) làm chủ đầu tư đang đề xuất việc giãn khoản vay tại China Eximbank Trung Quốc với dư nợ khoản vay 162,5 triệu USD.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết, trường hợp China Eximbank không đồng ý, đề nghị Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan cho vay lại là Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) nghiên cứu, cân đối để có nguồn trả nợ cho China Eximbank. Tiếp đó, thực hiện các nghiệp vụ cần thiết và yêu cầu chủ đầu tư phải ưu tiên thanh toán cho BIDV khi có nguồn tài chính.

Hiện, đánh giá của Vinachem cho thấy, trong 5 năm tới dòng tiền của Công ty Đạm Ninh Bình vẫn âm và phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Vinachem để trả nợ. Khả năng trả nợ của Đạm Ninh Bình, theo đánh giá là hạn chế, lỗ luỹ kế lớn. Kết quả kinh doanh năm 2016 lỗ 1.132 tỷ đồng.

Ngoài vay nợ nước ngoài, dự án Đạm Ninh Bình cũng là “con nợ” của nhiều ngân hàng trong nước như Ngân hàng phát triển VDB, Vietcombank Ninh Bình, BIDV Tây Hồ, ngân hàng Vietinbank.

Báo cáo về tình hình tài chính của Công ty Đạm Ninh Bình cho biết, tới thời điểm ngày 28/7/2016 tổng số tiền nợ là 10.257 tỷ đồng, nợ quá hạn 227,3 tỷ đồng.

Trong đó, vay dài hạn là hơn 8.410 tỷ đồng, vay ngắn hạn gần 1.627 tỷ đồng. Khoản nợ quá hạn hơn 227 tỷ đồng đều là khoản vay ngắn hạn.

Thời điểm ngày 1/9/2016 số tiền nợ tăng nhẹ lên mức hơn 10.384 tỷ đồng, nợ quá hạn tăng gấp gần 3 lần, lên mức hơn 610,2 tỷ đồng.

Mặc dù Tập đoàn Hoá chất Việt Nam đã hỗ trợ công ty trả nợ thay khoản nợ gốc và lãi vay đầu tư đến hết năm 2016 nhưng Đạm Ninh Bình vẫn không thể cân đối được dòng tiền để trả cho các khoản vay ngắn hạn.

Nợ quá hạn các khoản vay ngắn hạn của Đạm Ninh Bình tại VCB Ninh Bình và BIDV Tây Hồ tính đến ngày 28/7/2016 là 227,3 tỷ đồng và 1/9/2016 là 610,2 tỷ đồng. Vì vậy, lần lượt các ngân hàng VCB Ninh Bình và BIDV Tây Hồ đã chuyển nhóm nợ của Đạm Ninh Bình sang nhóm II và nhóm III, đồng thời dừng giải ngân vốn cho công ty.

Dự án Đạm Ninh Bình thua lỗ hơn 3.000 tỷ đồng, vay nợ hơn 10.000 tỷ đồng.

Để có vốn lưu động, theo Đạm Ninh Bình, công ty đã chủ động làm việc với các ngân hàng đang tài trợ vốn vay ngắn hạn để xem xét tính khả thi của phương án sản xuất kinh doanh năm 2017 cũng như cân đối dòng tiền trong khi sản xuất trở lại.

Trên cơ sở đó, Đạm Ninh Bình đề nghị các ngân hàng và Vinachem cơ cấu lại các khoản vay trong năm 2016 để lập kế hoạch trả nợ năm 2017 tương ứng với kế hoạch dòng tiền.

Bên cạnh đó, Vinachem đã tích cực phối hợp với công ty để làm việc với các hội sở của các ngân hàng nhằm tiếp tục tài trợ vốn vay ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh ổn định và tạo tiền đề cho việc tiếp tục trả nợ cho các ngân hàng trên nguyên tắc công ty trả nợ vay trước thì ngân hàng tiếp tục giải ngân cho vay bằng 90% số tiền công ty trả nợ, như vậy số dư nợ tại các ngân hàng sẽ giảm dần cho đến hết năm 2017, sẽ không còn nghĩa vụ nợ quá hạn của năm 2016 chuyển sang và dư 1 phần để trả tiếp cho các khoản nợ khác.

“Phía các chi nhánh ngân hàng đã thẩm định phương án, chấp thuận nguyên tắc này và cũng đã có văn bản báo cáo hội sở xem xét phê duyệt nhằm sớm tiếp tục giải ngân trở lại cho công ty song đến nay các ngân hàng vẫn chưa cam kết chính thức để tổ chức thực hiện việc này”, báo cáo của Đạm Ninh Bình cho hay.

Vietcombank, BIDV chỉ giải ngân tiếp khi Vinachem cam kết

Trong báo cáo gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, đại diện Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình cho biết, với phương án sản xuất/tiêu thụ tối thiểu 290.000 tấn ure trong năm 2017, khi làm việc với các chi nhánh BIDV Tây Hồ và Vietcombank Ninh Bình và được các chi nhánh đồng ý báo cáo hội sở xem xét tiếp tục giải ngân khi nhà máy sản xuất trở lại.

“Công ty đã gửi văn bản làm việc trực tiếp với ngân hàng tuy nhiên ngân hàng yêu cầu phải có sự cam kết của Vinachem về khả năng trả nợ mới tiếp tục giải ngân cấp vốn”, ông Vũ Văn Nhẫn, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình thông tin.

Trước đó, Đạm Ninh Bình cũng đề xuất việc kéo dài thời gian vay của các hợp đồng tín dụng với VDB thành 20 năm, cân đối trả nợ gốc theo dòng tiền thực tế và theo tỷ lệ tài trợ vốn trung, dài hạn của các ngân hàng tài trợ vốn cho dự án.

Đồng thời, điều chỉnh lãi suất tiền vay trong 5 năm từ 2017-2021 lãi suất 3%/năm; từ 2022 trở đi các khoản vay có lãi suất trên 8,55%/năm điều chỉnh về mức lãi suất công bố của Bộ Tài chính. Đối với khoản nợ lãi chưa trả đến 31/12/2016 được trả dần trong 5 năm tiếp theo từ 2017 đến 2021.

Thực tế, trong 4 năm liền từ 2012-2016, Vinachem đã trả nợ thay Đạm Ninh Bình một phần tiền cho Eximbank Trung Quốc, Ngân hàng phát triển VDB, Ngân hàng Vietinbank… và nhiều lần hỗ trợ nguồn vốn ngắn hạn cho công ty với tổng số tiền lên đến hơn 2.211 tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2012, Vinachem đã hỗ trợ trả nợ dài hạn VDB Ninh Bình và Eximbank Trung Quốc số tiền 249,05 tỷ đồng; năm 2013 hỗ trợ cho vay ngắn hạn 200 tỷ đồng; 2014 hỗ trợ cho vay ngắn hạn và trả nợ dài hạn cho Eximbank Trung Quốc 228,6 tỷ đồng; năm 2015 cho vay dài hạn trả gốc và lãi Eximbank Trung Quốc 366,07 tỷ đồng; năm 2016 cho vay dài hạn trả gốc và lãi Eximbank Trung Quốc và cho vay ngắn hạn trả nợ gốc và lãi VDB Ninh Bình, Vietinbank Hà Nội số tiền hơn 1.167 tỷ đồng.

Nguyễn Thảo
Theo BizLIVE

Từ khóa: