Sát Tết Kỷ Hợi 2019, nhu cầu về thực phẩm của người dân ngày càng tăng cao, đặc biệt là các đặc sản Tết miền núi được chế biến thủ công như thịt trâu khô Tây Bắc; lạp sườn Lạng Sơn; miến dong, bánh chưng đen Cao Bằng,....
Chị Nguyễn Vân (Cao Bằng) - chủ cửa hàng chuyên kinh doanh các đặc sản vùng miền trên mạng xã hội nhận định, ngoài sản phẩm organic, nhu cầu tiêu dùng các thực phẩm có xuất xứ từ vùng cao năm nay tăng gấp hai đến ba lần so với những năm trước.
"Các loại thịt khô, măng, bánh chưng,.... năm nay nhiều bà nội trợ đặt hàng từ rất sớm, để biếu, tặng trước Tết. Giá các mặt hàng này vẫn giữ nguyên như năm trước, sát Tết nếu hiếm thì có thể sẽ 'chênh' hơn so với hiện tại một chút", chị Vân nói.
Đề phòng tình trạng "cháy" hàng như năm ngoái, chị Vân đã liên hệ trước với các đầu mối để đảm bảo cung cấp đủ số lượng sản phẩm cho dịp Tết Nguyên đán.
|
Thịt trâu khô được đóng túi, hút chân không với giá 900.000 đồng/kg vẫn nườm nượp'người mua. (Ảnh: MT). |
Đặt ba kg thịt trâu khô, hai kg lợn gác bếp từ người quen, chị Trần Linh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: "Gia đình tôi khá chuộng các món ăn miền núi, đặc biệt là các loại thịt khô, vừa ngon lại tiện dụng. Một kg thịt trâu khô chuẩn Tây Bắc giá 900.000 đồng/kg, thịt lợn khô rẻ hơn, khoảng 350.000 - 400.000 đồng, khá hợp lí để chi cho dịp Tết Nguyên đán năm nay".
Ngoài thịt khô; lạp sườn Lạng Sơn cũng là đặc sản Tết miền núi hút khách trước Tết Nguyên đán.
"Lạp sườn được làm từ thịt lợn đen, gừng núi, theo công thức bí truyền của người dân vùng cao. Khách mua về có thể chiên qua hoặc nướng cùng sả, rất thơm ngon", anh Triệu Văn Long - chủ một xưởng sản xuất lạp sườn có thâm niên 20 năm tại thị trấn Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn giới thiệu.
|
Lạp sườn Lạng Sơn chỉ được sản xuất vào dịp giáp Tết Nguyên đán. (Ảnh: MT). |
Theo anh Bình, mỗi cân lạp sườn có giá 350.000 đồng. Hiện, gia đình anh đang gấp rút chuẩn bị thêm 10 mẻ lạp sườn mới để phục vụ bà con dưới xuôi yêu thích món ăn truyền thống của tỉnh Lạng Sơn.
Lo ngại các sản phẩm miến dùng chất tẩy trắng, nhiều bà nội trợ đã "mách" nhau săn miến dong vùng cao từ trước Tết.
Chị Nguyễn Huyền (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi hay đặt mua miến dong Cao Bằng để sử dụng. Bản thân tôi đánh giá loại miến này được chế biến sạch sẽ, sợi miến không quá đục. Khi chế biến miến không bị nhão, dù là để nguội. Thêm vào đó, miến dong được quảng cáo do bà con tự trồng nguyên liệu rồi làm nên tôi khá yên tâm".
|
Miến dong Phia Đén - đặc sản tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: MT). |
Đánh giá cao về chất lượng cũng như uy tín từ sản phẩm miến dong Cao Bằng, anh Trần Huy - chủ một xưởng may tại quận Hà Đông (Hà Nội) cũng tin tưởng chọn miến dong làm quà biếu Tết cho hàng chục nhân công tại đây.
“Tôi vốn chuộng các sản phẩm miền núi, từ các loại thịt, măng rừng tới miến dong. Nếu mua ở chỗ quen biết thì hoàn toàn yên tâm. Còn mua trên mạng xã hội thì người tiêu dùng cũng nên cẩn trọng, tìm hiểu kĩ để tránh ‘tiền mất tật mang’”.
Bánh chưng đen - đặc sản Tết miền núi Cao Bằng với hai loại nhân mặn và chay cũng là mặt hàng thu hút người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ hợi.
|
Bánh chưng đen - đặc sản Cao Bằng được nhiều người thành thị ưa chuộng. (Ảnh: TS) |
Mỗi chiếc bánh chưng đen được bán với giá 70.000 đồng. Loại bánh này được nhiều bà nội trợ đặt mua để “đổi gió” cho món bánh chưng xanh truyền thống, với giá tiền không chênh lệch nhiều so với bánh cổ truyền.
Đây là món bánh đặc sản của người dân tộc Tày, màu đen đặc biệt của vỏ bánh được làm từ tro cây mạy piệt. Để có được loại tro này người làm bánh phải vào rừng tìm cây, chọn những cây có nhiều chùm hoa, có nhiều muối. Sau đó đem thân cây về chẻ nhỏ gác bếp cho khô rồi đốt lấy tro rồi ủ với vỏ bánh trong khoảng 12 tiếng.
Minh Tuệ
Theo ĐSPL, Vietnammoi