Là 1 trong số 15 di tích trên địa bàn Lào Cai được xếp hạng cấp quốc gia nhưng đã nhiều năm nay, Di tích hang động Mường Vi dường như bị bỏ quên.
Là 1 trong số 15 di tích trên địa bàn Lào Cai được xếp hạng cấp quốc gia nhưng đã nhiều năm nay, Di tích hang động Mường Vi dường như bị bỏ quên.
Bà Lý Thị Vinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bát Xát, Lào Cai cho biết từ năm 2008 trở lại đây, quần thể di tích một thời lừng danh này hầu như không có khách đến thăm do hạ tầng xuống cấp, đường đi lại khó khăn.
Hang động Mường Vi. Nguồn: sapalaocai.com
Mê cung diễm lệ trong lòng núi
Từ thành phố Lào Cai ngược hướng Tây Bắc khoảng 20km, qua thị trấn Bát Xát, đến xã Bản Vược rẽ trái chưa đầy 5km là đã tới đất Mường Vi. Mường Vi là tiếng Giáy, dịch ra tiếng Việt là thu nhỏ (cảnh đẹp thu nhỏ trong lòng núi). Đây cũng là nơi lưu giữ những huyền thoại về thần tiên, cảnh giới.
Truyền thuyết kể lại, Mường Vi trước kia còn gọi là Mường Tiên. Vì thấy nơi đây phong cảnh núi non hùng vĩ, thơ mộng, nên các vị tiên trên trời thường bay xuống dạo chơi, ngắm cảnh và ở lại trong động. Hàng ngày, tiên dạy cho nhân dân biết khai khẩn ruộng nương, trồng lúa, trồng ngô. Nhờ đó mà bây giờ Mường Vi mới có thứ gạo Séng Cù thơm ngon nức tiếng. Mỗi khi làng bản có lễ hội, đám cưới, đám hỏi..., các vị tiên nhà trời còn cho nhân dân mượn bát đũa, đồ dùng để tổ chức vui vẻ, linh đình. Nhưng do lòng tham và sự không trung thực của một số người mà tiên nổi giận, biến tất cả những đồ đạc, bát đũa, mâm xôi... thành đá, tạo nên quần thể hang động.
Quần thể động Mường Vi có nhiều hang động lớn nhỏ với những truyền thuyết và vẻ đẹp khác nhau. Động Thủy Tiên (do hang nằm dưới chân núi cô Tiên nên nhân dân gọi là động Thủy Tiên) thì quyến rũ bởi muôn vàn thạch nhũ đủ màu sắc. Từ chóp những thạch nhũ đã được hình thành từ triệu năm trước, từng giọt nước trong suốt, mát lạnh chắt từ lòng đá mẹnhỏ xuống hòa vào dòng suối.
Điều kỳ thú là suốt chiều sâu của hang có một dòng suối trong veo với những cồn cát mịn hay những dải đá sỏi trải dài trắng tinh làm tôn thêm vẻ diễm lệ của động. Động Thủy Tiên lối vào chỉ đủ chỗ cho một người lách qua, nhưng càng vào sâu lòng động càng cao rộng. Nơi cao nhất đến chục mét, rộng như một tòa nhà lớn, xung quanh được tạc bằng phù điêu, tạo thành bức họa thạch kiệt tác của tự nhiên. Chiều dài của động xuyên qua vài quả núi.
Động Cám Rúm, hay còn gọi là hang Gió vì lúc nào lòng động cũng hun hút gió, phía trong có nhiều nhũ đá hình ruộng bậc thang, có buồng nơi các cô tiên ngủ xung quanh là rèm đá óng ánh. Động Cám Rang có cổng trời bằng đá, có những mâm ngũ quả đá đẹp như chốn tiên cảnh. Động Cám Tẳm, tương truyền trong dân gian xưa là kho nông cụ, đồ dùng của các nàng tiên nay đã hóa đá. Hang Pạc Cám - dịch từ tiếng địa phương có nghĩa là hang Cửa cấm - theo như các nhà khảo cổ học, là nơi chứa đựng nhiều dấu ấn của người xưa, hiện vẫn là bí ẩn.
Vẻ đẹp lộng lẫy của động Mường Vi từ khi phát hiện đã từng hấp dẫn bao du khách trong và ngoài nước. Việc danh thắng được đưa vào hoạt động phục vụ khai thác du lịch đã được nhiều công ty lữ hành hưởng ứng và thiết lập tour du lịch. Cùng với đó, các công trình trong quần thể hang động như đường dẫn vào hang, khu nhà đón tiếp khách du lịch, hệ thống hạ tầng dịch vụ phục vụ du khách, đường điện chiếu sáng được nhà nước đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, từ năm 2008 trở lại đây, khách bỗng thưa dần.
Danh thắng cấp quốc gia bị lãng quên
Không bao lâu sau khi được xếp hạng cấp quốc gia, quần thể hang động Mường Vi - danh thắng nức tiếng một thời từng được du khách thích thú ví với động Phong Nha (Quảng Bình) đã bị lãng quên nhanh chóng.
Lối vào một di tích quốc gia tuy được rải đá nhưng cỏ cây mọc chen nhau um tùm không có ai dọn dẹp. Cửa hang trước kia luôn được khóa bảo vệ an toàn thì nay đã bị hỏng và bỏ ngỏ, mặc cho mọi người ra vào hang tự do. Đương nhiên, vì thế mà động tiên bị xâm hại không thương tiếc.
Trong lòng hang, nhiều nhũ đá ở các vị trí cao, thấp đã bị khách du lịch vô ý thức đập vỡ hoặc lấy mang về làm tài sản riêng. Toàn bộ hệ thống điện trong hang trước đây đầu tư rất tốn kém, khi bật lên làm cho hang động sáng đẹp lung linh kỳ ảo muôn màu thì nay đã bị vỡ, hư hỏng gần hết.
Theo bà Lý Thị Vinh, Phó Chủ tịch huyện Bát Xát, tình trạng trên bắt nguồn từ việc Nhà nước chưa có nguồn kinh phí đầu tư và cũng chưa kêu gọi được tổ chức, cá nhân nào đăng ký đầu tư.
Theo tiến sỹ Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai, trong chương trình xúc tiến du lịch của tỉnh, Bát Xát được coi là một trong những địa phương giàu tiềm năng với những danh thắng, cảnh quan tự nhiên rất hợp với những ai thích các tour du lịch sinh thái kết hợp với du lịch cộng đồng.
Theo số liệu báo cáo của Ủy ban Nhân dân huyện Bát Xát, năm 2012, lần đầu tiên Bát Xát đã đón trên 2.000 khách du lịch, chủ yếu là người nước ngoài. Trong bốn tháng đầu năm 2013, số lượng khách tăng gấp đôi do đường Bản Vược Ý Tý được nâng cấp. Đây là tín hiệu vui đối với du lịch Lào Cai nói chung và huyện Bát Xát nói riêng.
Hai năm trở lại đây, tuyến đường khó khăn nhất là từ Bản Vược đi Mường Hum nối với Ý Tý đã được Nhà nước đầu tư nâng cấp rải thảm nhựa nối với đoạn từ Ý Tý về A Mú Sung-Trịnh Tường đã được bêtông hóa trước đó. Đây sẽ là cung đường lý tưởng mà trong suốt hành trình dài gần 100km du khách có các điểm dừng chân là Động Mường Vi lung linh huyền ảo đến chợ Mường Hum giàu bản sắc.
Sau đó, du khách đi thăm rừng nguyên sinh Ý Tý với bạt ngàn cây thảo quả dưới tán rừng nguyên sinh cổ thụ; thăm làng trình tường - một trong những kiến trúc độc đáo của người Hà Nhì; thăm vùng kinh tế mới nơi biên giới sơn thủy hữu tình A Mú Sung - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, từ đó xuôi qua chợ Trịnh Tường đến thị trấn Bát Xát và về thành phố Lào Cai. Cung đường này xưa nay vẫn đón khách khách từ Ô Quý Hồ, Sa Pa qua Bản Khoang xuống.
Du khách dù đi hay về chiều nào cũng đều qua khu quần thể Động Mường Vi vì động này chỉ cách ngã ba đi A Mú Sung và đi Mường Hum vài km. Do vậy, theo ngành chức năng tỉnh Lào Cai, nếu tổ chức cá nhân nào đầu tư vào khu Động Mường Vi sẽ thu lợi không nhỏ trong tương lai gần.
Hương Thu
theo TTXVN