Cô gái đến từ hôm qua của Phan Gia Nhật Linh sau hai tuần trình chiếu vẫn là bộ phim hot nhất, đã vượt qua mốc 50 tỉ đồng. Đây là cuộc chuyện trò của anh với các fan ở Sài Gòn đầu tháng 8.2017.
- Vì tò mò cái tên của anh, tôi đã tìm và xem thêm những phim ngắn của anh như Thằng chó chết… tôi cũng có một vài người bạn thế hệ 8X thích xem và viết, hay thậm chí làm phim có vẻ “đen tối” như thế. Tại sao anh lại bắt đầu bằng những phim “đen tối”, sau lại rất thành công với những phim tuổi học trò hay phim thương mại?
Thằng chó chết là bộ phim tôi rất thích, bắt đầu từ lúc tôi đọc truyện của tác giả Nguyễn Ngọc Thuần. Có lẽ tôi cũng như một số đạo diễn khác, bắt đầu làm nghề thường thích làm phim nghệ thuật với những ám ảnh về sự dằn vặt, đau đớn. Lúc đó, tôi cũng là người hay bức xúc, cảm thấy mình phải làm gì đó để chống những tiêu cực xã hội... Thời gian đó, tôi nghĩ mình đã khá ngây thơ.
Phan Gia Nhật Linh, đạo diễn thế hệ 8X cũng đã từng xuất hiện với bộ phim đầu tay Em là bà nội của anh năm 2015 và lập kỷ lục ngay với doanh thu 102 tỷ đồng - điều chưa từng có đối với điện ảnh Việt Nam tính đến thời điểm hết năm 2016.
Dù vậy, tôi vẫn rất muốn làm phim đầu tay với mục tiêu nghệ thuật, phản ánh những mặt trái của xã hội. Một lần, tôi vô tình đọc được một cuốn sách viết về Sài Gòn với những câu chuyện về góc nhỏ nơi thị tứ này, nó trong trẻo, nhẹ nhàng. Mỗi lần đọc những bài viết như vậy, tôi thấy vui vui trong lòng.
Rồi bỗng dưng tôi nghĩ, nếu giờ tôi làm những phim tuổi teen trong sáng, vui tươi thì có thể thoát khỏi sự bế tắc hiện tại. Và tôi thay đổi quan điểm, muốn làm một bộ phim mà mọi người xem xong sẽ cảm thấy có được năng lượng tích cực, vui vẻ, không phải là tô hồng cuộc đời mà là chỉ để được vui sống trước cuộc đời đã có quá nhiều những căng thẳng, mệt mỏi.
Đương nhiên, tôi vẫn rất thích những bộ phim để lại trong mình nhiều suy nghĩ, dằn vặt (vì đó là tôi mà). Thế nên hỏi tôi đạo diễn đương đại của Việt Nam mà tôi thích nhất là ai, tôi sẽ nói đó là Phan Đăng Di. Nhưng tôi biết có thể là vào thời điểm này, tôi thấy mình không đủ sức để làm phim mà tạo nên được sự dồn nén như vậy.
Có lần tôi định dựng một phim sự thật về chương trình thực tế của truyền hình, người tham dự phần lớn là người có tài và ngây thơ. Nhưng khi tham gia vào cuộc thi, được truyền thông, họ bắt đầu có “chiêu trò” để họ thành công, nổi tiếng. Từ những người hồn nhiên đó, họ trở thành những người “hiểu ra” cuộc đời này phải biết “chơi xấu” thì mới thành công.
Tôi cũng muốn làm một bộ phim nói về họ, những người đã bị các chương trình truyền hình thực tế “nghiền nát” như thế nào. Nhưng khi chuẩn bị thực hiện, tôi bắt đầu nhận ra, nếu làm phim này thì cái kết thúc của nó phải rất đen tối, vì không bao giờ có kết cục tươi sáng cho những người như vậy cả.
Tôi tự hỏi: tôi làm phim này để làm gì, mọi người ai cũng biết chuyện này mà. Không cần phải làm thêm nữa. Cũng may, dự án Cô gái đến từ hôm qua đến vào đúng thời điểm mình đang loay hoay không biết có nên làm tiếp bộ phim kia nữa hay không. Và lựa chọn bộ phim này cũng còn có thêm một lý do, là tôi muốn giữ lại toàn bộ ký ức về tuổi học trò thật đẹp của tôi trong phim. Sau này, già rồi, cũng không thể giả nai để sống lại thời đó được nữa.
"Cô gái đến từ hôm qua" là tác phẩm điện ảnh mới của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh
- Sắp tới điện ảnh Việt sẽ có hàng loạt phim ra mắt, phần lớn đều là phim có xuất xứ từ tác phẩm gốc của điện ảnh Hàn Quốc. Bản thân anh cũng từng làm lại phim của Hàn Quốc, anh đánh giá sao về hiện tượng này, liệu nó có phải hướng đi tốt cho thị trường Việt Nam vốn được đánh giá là yếu về mặt biên kịch?
Chúng ta đang nói về thị trường, chứ không phải nói về chuyên môn. Trên thực tế, có rất nhiều phim yếu về chuyên môn, kịch bản yếu vẫn ăn khách - tức xét về thị trường việc làm phim hay, phim có chất lượng cũng chưa chắc là “tốt cho thị trường” trong một chừng mực nào đó.
Trên thực tế, có rất nhiều phim yếu về chuyên môn, kịch bản yếu vẫn ăn khách - tức xét về thị trường việc làm phim hay, phim có chất lượng cũng chưa chắc là “tốt cho thị trường” trong một chừng mực nào đó.
Nếu chúng ta nhìn vào điện ảnh Hàn Quốc thời kỳ bắt đầu “trở mình” trong giai đoạn cuối những năm 1990, đầu 2000, chúng ta cũng sẽ thấy có một làn sóng phim làm lại, hoặc vay mượn ý tưởng từ phim Hollywood. Đó là một trong những cách các nhà làm phim Hàn Quốc đã học hỏi chuyên môn từ Hollywood. Điểm đặc biệt là các nhà làm phim của Hàn Quốc họ rất giỏi chế tác, tạo nên bản sắc riêng cho điện ảnh của nước họ, và từ đó dần dần tạo dựng một đế chế điện ảnh Hàn Quốc mạnh mẽ.
Việc các nhà làm phim Việt Nam khi làm lại các phim của Hàn Quốc và học hỏi từ đó, hay chỉ đơn thuần sao chép, sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong việc phát triển mặt bằng chuyên môn của điện ảnh nước nhà. Còn về thị trường điện ảnh, đừng quá lo lắng, vì khán giả sẽ quyết định thị trường, và xu hướng nào không phù hợp tự động sẽ chết. Thị trường có khả năng tự điều chỉnh xu hướng nào sẽ lên ngôi sau mỗi thành công lớn của một bộ phim nào đó.
- Anh có lời khuyên nào cho các bạn trẻ chuẩn bị viết kịch bản phim không?
Đối với các nhà biên kịch trẻ, các bạn cần phải viết thường xuyên, viết đều hàng ngày. Vì nếu các bạn không siêng năng, kiên nhẫn làm việc thì các bạn sẽ không bao giờ có cơ hội. Khi tôi đi học ở Mỹ, về đến Việt Nam, tôi cũng phải mất năm năm mới làm được phim đầu tay và trong năm năm đó tôi không ngồi yên.
Tôi làm tất cả mọi việc, bất kỳ việc gì trong làng phim tôi đều tham gia để có cơ hội gặp gỡ mọi người, được sống trong môi trường của tôi. Đặc biệt là trong điện ảnh, các mối liên hệ cực kỳ quan trọng. Bạn phải quen biết một ai đó trong làng điện ảnh thì bạn mới có cơ hội. Không ai giao cho bạn một đống tiền để bạn làm mà không biết bạn là ai. Một trong những công việc của người làm phim là sự kết nối, khả năng làm quen và biết tự giới thiệu bản thân mình.
Theo Tiếp thị gia đình