Trước những dự báo không mấy sáng sủa về tình hình kinh tế vĩ mô, các DN niêm yết rất dè dặt khi công bố kế hoạch lợi nhuận 2012 với cổ đông.
Trước những dự báo không mấy sáng sủa về tình hình kinh tế vĩ mô, các DN niêm yết rất dè dặt khi công bố kế hoạch lợi nhuận 2012 với cổ đông.
Tâm lý thận trọng lan sang cả những DN dược phẩm, vốn được xếp vào nhóm "phòng thủ".
Ông Võ Thành Thông, Phó tổng giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF) cho biết, mặc dù trong năm 2011, Công ty tăng trưởng lợi nhuận khá cao so với năm 2010, song bước sang năm 2012, Công ty sẽ không “mạo hiểm” đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng so với năm 2011 mà chỉ phấn đấu đạt ở mức tương đương (67,34 tỷ đồng LNST).
CTCP Khí hóa lỏng Miền Bắc (PVG) cũng đặt chỉ tiêu lợi nhuận năm nay từ 42 - 45 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức LNST của Công ty trong năm 2011 (147,58 tỷ đồng), tỷ lệ trả cổ tức năm 2012 cũng chỉ dừng lại ở 10% như năm 2011. Giải thích cho việc “giật lùi” này, PVG cho biết, trong năm 2011, Công ty có khoản lãi đột biến từ việc bán cổ phiếu PGD, thu về 174 tỷ đồng LNTT nhưng sang năm 2012, Công ty chỉ tập trung vào hoạt động kinh doanh chính là sản xuất và phân phối khí gas.
Sự thận trọng khi đặt chỉ tiêu lợi nhuận năm 2012 cũng phổ biến ở các DN thuộc ngành cao su do dự báo ngành cao su sẽ không thuận lợi như các năm trước. Mặc dù trong năm 2011, CTCP Cao su Hoà Bình (HRC) đạt được kết quả kinh doanh rất khả quan với tổng doanh thu 688 tỷ đồng và LNST ước đạt 128 tỷ đồng nhưng theo ông Bành Mạnh Đức, Phụ trách công bố thông tin của HRC, Công ty đang xây dựng kế hoạch kinh doanh cho năm 2012 với các chỉ tiêu đều thấp hơn so với năm 2011. Trong năm 2012, HRC sẽ tiếp tục thanh lý lượng cao su tồn trong năm 2011. CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) đặt mục tiêu LNST trong năm 2012 khoảng 386 tỷ đồng, thấp hơn một nửa so với năm 2011 (825 tỷ đồng).
Lý giải cho sự “phòng xa” của mình, lãnh đạo một số DNNY cho rằng, DN chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận ở mức khiêm tốn nhằm giảm áp lực cho đội ngũ lãnh đạo. Hơn nữa, nếu hoạt động kinh doanh thuận lợi, khả năng vượt kế hoạch là rất cao, còn hơn là đặt chỉ tiêu kinh doanh cao ngất ngưỡng nhưng thực tế thực hiện lại thấp hơn nhiều. Bởi vậy, không ít DN có kết quả kinh doanh rất tốt trong năm 2011 nhưng vẫn rất dè chừng khi xây dựng kế hoạch cho năm 2012. Sự cẩn trọng này thường phổ biến ở các DN xuất khẩu thủy sản hay các DN sản xuất thép… Năm 2011, CTCP Thép Việt Ý (VIS) đạt lợi nhuận gần 150 tỷ đồng, vượt 67% so với kế hoạch và lãnh đạo VIS cho biết, trong năm 2012, Công ty đặt kế hoạch lợi nhuận thấp hơn con số 150 tỷ đồng.
Tâm lý thận trọng còn lan sang các DN ngành dược phẩm, vốn được xếp vào nhóm “phòng thủ”. CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP) cho biết, tuy không chịu nhiều áp lực về chi phí lãi vay nhưng trong năm 2012, IMP đặt mục tiêu tăng trưởng về doanh thu từ 10 - 15% nhưng lợi nhuận phấn đấu như năm 2011 (hơn 110 tỷ đồng). Ngoài ra, trong năm 2012, Công ty sẽ tận dụng nguồn vốn thặng dư trong đợt phát hành từ năm 2011 để bổ sung vào các hoạt động đầu tư. CTCP Dược Hà Tây (DHT) cũng cho rằng, nếu năm 2012, DHT đạt lợi nhuận tương đương với 2011 thì kể như là một thành công lớn của Công ty (năm 2011, DHT đạt lợi nhuận 22,5 tỷ đồng). Ngay như DN có quy mô lớn và hiệu quả kinh doanh tốt CTCP Dược Hậu Giang (DHG) cũng đặt mục tiêu lợi nhuận năm nay ở mức 505 tỷ đồng, không chênh lệch là bao so với năm 2011 (502 tỷ đồng).
Đặt kế hoạch thấp từ đầu năm, nhưng lại đạt được kết quả lợi nhuận cao là hiện tượng khá phổ biến vào những năm 2008, 2009. Từ năm 2011, các DN “họ” Viglacera cũng rất khiêm tốn khi đặt ra các chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận. CTCP Viglacera Từ Sơn (VTS) với mức vốn điều lệ 20 tỷ đồng đã đạt lợi nhuận 14,16 tỷ đồng trong năm 2011, cũng đặt kế hoạch lợi nhuận trong năm 2012 là 12 tỷ đồng. Lãnh đạo VTS cho rằng, với tình hình cạnh tranh khốc liệt như hiện tại, cộng với giá nguyên vật liệu ngày càng tăng mạnh thì trong năm 2012, DN gạch ngói khó mà đạt được kết quả lợi nhuận cao như những năm trước.
Hải Vân
Theo Dau tu chung khoan