Liên quan đến việc CTCP Đầu tư Kinh doanh BĐS Hà An (Đất Xanh Group nắm 99,99% vốn điều lệ) vừa chi hơn 3.000 tỷ mua "đất vàng" Long Thành, nhìn lại tình hình kinh doanh và những “bê bối” của công ty mẹ.
Công ty con của Tập đoàn Đất Xanh chi hơn 3.000 tỷ mua đất Long Thành
Mới đây, CTCP Đầu tư Kinh doanh BĐS Hà An - công ty con của Tập đoàn Đất Xanh (DXG) đã chi hơn 3.060 tỷ đồng mua khu đất vàng tại xã Long Đức, huyện Long Thành, gần khu vực Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.
Được biết, đây là khu đất công diện tích hơn 92 ha do Công ty TNHH MTV Tổng công ty cao su Đồng Nai sử dụng được UBND tỉnh thu hồi, giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai quản lý. Mục đích sử dụng đất là đất ở dự án, đất công trình giáo dục, đất công trình dịch vụ đô thị.
Dự kiến, tổng mức đầu tư của dự án trên sẽ là hơn 4.117 tỷ đồng, công ty trúng đấu giá khu đất sẽ triển khai làm dự án khu dân cư, chung cư, trường học và các công trình dịch vụ khác...
Trước đó, ngày 3/6/2019, Hội đồng quản trị (HĐQT) DXG đã thông qua Nghị quyết góp vốn mua cổ phần đợt phát hành thêm để tăng vốn điều lệ cho Hà An. Sau khi tăng vốn, DXG nắm 99,99% vốn điều lệ Hà An.
Kinh doanh tăng trưởng nhưng dòng tiền tiếp tục âm
Ở khía cạnh khác, DXG ghi nhận tình hình kinh doanh nửa đầu năm 2019 tăng trưởng, song dòng tiền lại âm 564 tỷ đồng. Cụ thể, trong báo cáo tài chính quý II/2019, doanh thu thuần trong quý 2 đạt 842,4 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên giá vốn hàng chiếm 366,4 tỷ đồng, tăng tới 59% khiến lợi nhuận gộp chỉ đạt 475,9 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ.
Nhờ doanh thu tăng mạnh đã giúp lợi nhuận sau thuế quý II của DXG tăng 47%, đạt 370,2 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, DXG đạt 2.340 tỷ doanh thu thuần và 789,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 20% và 21%.
Tuy nhiên, khoản lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của DXG lại âm 564 tỷ trong 6 tháng đầu năm. Nợ phải trả của doanh nghiệp chiếm 8.658 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm và chiếm 54% tổng nguồn vốn. Trong đó vay nợ thuê tài chính chiếm 3.045 tỷ đồng, bao gồm 915 tỷ đồng vay ngân hàng và hơn 2.120 tỷ đồng là vay qua phát hành trái phiếu.
Đất Xanh Group và những lần bị sờ gáy
Mới đây, Tổng cục Thuế có quyết định xử lý vi phạm về thuế theo kết quả thanh tra đối với Tập đoàn Đất Xanh thời kỳ năm 2017 với số tiền là 3 tỷ đồng.
Trong đó, tổng số tiền truy thu thuế hơn 670 triệu đồng. Thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp theo doanh thu trừ chi phí hơn 1,6 tỷ đồng; Tổng số tiền xử lý về hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp, tiền chậm nộp thuế hơn 684 triệu đồng. Số tiền phạt vi phạm hành chính thuế gần 465 triệu đồng; Tiền chậm nộp thuế hơn 219 triệu đồng.
Nhắc đến Đất Xanh Group, giới bất động sản cũng không quyên những “bê bối” liên quan đến các dự án tai tiếng như: Gold Hill, Opal Boulevard… Theo thông tin từ báo Dân Việt, dự án Opal Boulevard được Đất Xanh Group rao bán rầm rộ, nhưng cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương khẳng định không có tên dự án này trên địa bàn.
Dự án được quảng cáo có quy mô 2 block, 35 tầng với khoảng 1.500 căn hộ cao cấp bậc nhất toạ lạc trên đại lộ Phạm Văn Đồng, một trong những đại lộ đẹp nhất TP.HCM. Khi liên hệ với nhân viên kinh doanh tên Tuấn Anh cho biết, dự án Opal Boulevard đã mở bán 2 đợt, đợt 1 bán block B ngày 19/5, đợt 2 bán Block A ngày 23/6 và hiện nay gần 1.500 căn hộ đã được bán hết chỉ còn 1 vài căn 3 phòng ngủ với giá trên 3 tỷ đồng.
Phía nhân viên cũng cho biết, nhà đầu tư là Đất Xanh Group. Tuy nhiên, trên giấy tờ pháp lý thì Công ty Cổ phần Đầu tư – Kinh doanh Bất động sản Hà An (Công ty Hà An, có 99,99% cổ phần của Đất Xanh Group) là chủ đầu tư.
Điều đáng nói, dự án Opal Boulevard nằm trên đại lộ Phạm Văn Đồng, nhưng theo quan sát thực tế của phóng viên Dân Việt, dự án này có vị trí nằm trên đường Kha Vạn Cân, thuộc KP Bình Đường 2, phường An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Trao đổi với Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương và được ông Lê Quang Vinh – Trưởng phòng Quản lý nhà, thị trường Bất động sản thuộc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, trên địa bàn tỉnh Bình Dương không có dự án nào mang tên Opal Boulevard.
“Tỉnh không cấp phép chủ trương cho dự án nào mang tên Opal Boulevard xây dựng trên địa bàn, bản thân tôi cũng chưa bao giờ nghe hay nhìn thấy cái tên dự án này trong hồ sơ trình lên Sở Xây dựng”, ông Vinh khẳng định.
Theo tìm hiểu của PV, dự án Opal Boulevard có tên chính thức và duy nhất được UBND tỉnh Bình Dương cấp phép là “Khu nhà ở dịch vụ cao tầng đường Kha Vạn Cân”. Dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư – Kinh doanh Bất động sản Hà An làm chủ đầu tư.
Như vậy, có thể thấy ngoài việc “xé rào” mở bán trái phép dự án Opal Boulevard khi chưa thi công phần móng, chưa được cơ quan chức năng cho phép, Đất Xanh Group còn cố tình qua mặt nhà chức trách khi ngang nhiên tự đổi tên dự án trái với Khoản 3 Điều 19 Luật Nhà ở.
Trước đó, Đất Xanh Group là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được biết đến với nhiều tai tiếng và bê bối khi liên tục dính vào những vụ việc khá ồn ào, tai tiếng với khách hàng.
Cụ thể, dự án Gem Riverside do Đất Xanh Group làm chủ đầu tư, nhiều khách hàng đã bỏ ra số tiền 200 - 250 triệu đồng cho cái gọi là “phiếu giữ chỗ” mua căn hộ từ nửa đầu năm 2018.
Đến nay, gần 2 năm trôi qua, dự án này vẫn chưa hề có động thái xây dựng vì liên quan nhiều đến vấn đề pháp lý. Tương tự, dự án Gold Hill cũng của Đất Xanh Group làm chủ đầu tư tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, khách hàng mua đất nền suốt nhiều năm nhưng không được cấp sổ.
Thảo Nguyên (T/h)
Theo VietQ