Sự kiện hot
12 năm trước

Đau lòng du khách mặc quẩn lửng, áo hở ngực ngồi lên đùi 'vua'

Nếu chỉ biết khai thác theo kiểu rẻ rúng hóa hình tượng vua chúa, làm mai một dần cố đô cổ kính và phí phạm “chất Huế” đặc trưng… thì du lịch Huế sẽ khó phát triển bền vững.

Nếu chỉ biết khai thác theo kiểu rẻ rúng hóa hình tượng vua chúa, làm mai một dần cố đô cổ kính và phí phạm “chất Huế” đặc trưng… thì du lịch Huế sẽ khó phát triển bền vững.

Cố đô Huế đã trở thành TP du lịch nổi tiếng cả nước. Đó là điều không cần phải bàn cãi. Tuy nhiên, việc sử dụng các đặc quyền của vua chúa để làm dịch vụ du lịch trong cơn lốc kinh tế thị trường khiến cho du lịch Huế đã thiếu chuyên nghiệp lại ngày càng bị rẻ rúng hóa.

Bình dân hóa vua chúa

Về mặt văn hóa truyền thống phương Đông, với ý thức xa xưa vua là đại diện cho quốc gia dân tộc nên hầu như không có quốc gia nào sử dụng đời sống của vua chúa để kinh doanh du lịch. Trái lại, đời sống của quan lại, võ tướng và dân chúng được sử dụng phổ biến và rộng rãi hơn (trong kinh doanh du lịch). Vua chúa chỉ được tái hiện trong phim lịch sử hoặc các nghi thức đặc biệt nhưng phải với hình ảnh uy quyền - đặc quyền của đấng thiên tử trong chính bối cảnh đang đề cập.

Trái với tâm thế chung đó, các đặc quyền của vua chúa triều Nguyễn như ngai vàng, long bào, ngự thiện, thuyền rồng… đã được ngành du lịch Huế sử dụng như những hình thức câu khách rẻ tiền. Chẳng hạn du khách chỉ cần bỏ ra 45.000 đồng mua vé là có thể “lên ngôi” ngay lập tức tại nhà Hữu Vu bên trong Đại Nội. Trong kỳ Festival Huế 2012 vừa qua, một số du khách còn mang cả áo vua ra ngoài khuôn viên nhà Hữu Vu để chụp ảnh với thái độ giễu cợt, cười đùa. Đặc biệt có cả một bức ảnh nữ du khách người Âu mặc quần lửng ngồi trên đùi “vua” rất phản cảm. Tất nhiên, kết quả cuối cùng là hình tượng vua chúa Việt Nam trở nên rẻ tiền trong mắt du khách nước ngoài, kiểu như thứ vua “An-nam-mít” dưới đôi mắt hai vợ chồng người Pháp trong tác phẩm Vi hành của Nguyễn Ái Quốc. 

Hay như du khách chỉ cần bỏ ra một số tiền là sẽ được phục vụ thực đơn “cơm vua” đủ món như các vị vua triều Nguyễn thời xưa. Điều đáng nói là việc các ông Tây, bà đầm mặc “áo vua” một cách cụt cỡn để dùng món “cơm vua” và xem ca Huế trên thuyền rồng khiến cho hình tượng, vị thế vua chúa thời xưa trở nên “lùn” đi rất nhiều trong mắt người phương Tây. Trong khi đó, cố đô Huế tuy không còn là kinh đô của các triều đại phong kiến nữa nhưng nét uy nghi và thiêng liêng của nó vẫn còn trong tâm thức của người Việt Nam. Phải chăng du lịch Huế đã tự đánh mất đi giá trị của chính mình?

Ngang nhiên chặt chém du khách

Đến Huế, du khách thường dạo thuyền trên sông Hương và nghe ca Huế. Nhưng vé nghe ca Huế hiện được bán tại nhiều khách sạn Huế là vé chui, tức không phải do cơ quan có thẩm quyền ấn hành. Các khách sạn móc nối với các doanh nghiệp (DN) vận tải du lịch đưa du khách lưu trú tại cơ sở mình đi nghe ca Huế và tự áp đặt giá vé, thường là cao gấp đôi mức quy định. Mỗi khách, chủ thuyền chỉ thu 40.000 đồng, trong khi khách sạn bán 80.000 đồng/vé.

Theo ông Nguyễn Tấn Thưởng - Giám đốc Trung tâm Quản lý và Tổ chức biểu diễn ca Huế, từ năm 2006 đến nay, trung tâm là đơn vị duy nhất được phép bán vé phục vụ nghe ca Huế trên sông Hương. Việc các DN vận tải du lịch bắt tay với một số khách sạn bán vé thực chất là chỉ bán qua thỏa thuận bằng miệng chứ không in vé.

Ông Cao Chí Hải, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Thừa Thiên-Huế, thừa nhận tình trạng giá vé ca Huế đang được các DN vận tải du lịch câu kết với các cơ sở lưu trú “hô biến” để trục lợi. “Sắp tới, nếu phát hiện DN vận tải in vé chui, tăng giá vé thì sẽ kiểm điểm và buộc dừng hoạt động một thời gian. Cơ sở lưu trú vi phạm cũng sẽ bị xử lý” - ông Hải nói. Trước đây, Trung tâm Quản lý và Tổ chức biểu diễn ca Huế cũng từng có ý kiến đề nghị chấn chỉnh nhưng không hiểu sao tình trạng trên vẫn chưa được giải quyết.

Bên cạnh biểu tượng di sản văn hóa thế giới, chùa chiền, cung điện… chính “chất Huế” đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên thương hiệu du lịch cho Huế, cho dù đến nay chưa có định nghĩa chuẩn mực nào về “chất Huế” ấy. Ngay cả TS Thái Kim Lan cũng đã tự “hỏi xoáy đáp xoay” mình rằng: “Chất Huế là chi? Hỏi chi mà khó rứa? Làm răng mà trả lời?”. Tuy nhiên, có thể tạm hiểu “chất Huế” là những gì đặc trưng và rất riêng của Huế.

Nhà văn xứ Huế Nguyễn Khắc Phê từng nói: “Đến Huế mà chưa thảnh thơi dạo bước vào chơi dăm ba ngôi nhà vườn đẹp nhất, hay chưa ghé thăm một vài vương phủ ở chốn cựu kinh thì coi như... chưa đến”. Phải chăng ý nhà văn đã nhắc khéo các nhà quản lý du lịch Huế nên “bình dân hóa” các tour để du khách có dịp thưởng thức những nét đẹp đích thực của Huế. Bởi du khách không chỉ đến Huế chỉ để xem kiến trúc cổ, lễ hội hay các làng nghề, bãi biển… mà họ còn muốn xem cái “chất Huế” ấy nó hiển hiện trong đời sống hằng ngày của người dân chốn thần kinh ấy thế nào.

Nhưng trên thực tế, đa phần các tour du lịch ở Huế thường rất ít chọn lựa những nét bình dân trong lịch trình tham quan của mình. Chính vì vậy, đã có rất nhiều du khách nước ngoài từ chối đi tour. Họ tự đi bộ hay đạp xe rong trên đường để tự trải nghiệm, khám phá nét đẹp Huế cho riêng mình.

Trên thực tế, do không áp dụng sớm chủ trương “bình dân hóa” các tour du lịch nên ngành du lịch mới có nhiều bất cập, tồn tại và hạn chế đến như vậy. Nếu du lịch Huế mạnh dạn hợp tác và chuyển giao cho người dân hai khu phố cổ Bao Vinh và Gia Hội cùng kinh doanh du lịch (như trường hợp Quảng Nam đã làm với Hội An) thì hẳn người dân ở đây đã không tháo dỡ nhà cổ rồi xây nhà mới như nhiều năm qua.

Du lịch đã trở thành ngành kinh tế trọng điểm của Thừa Thiên-Huế. Hiện dịch vụ du lịch của Huế đang chiếm 45% GDP địa phương, cao nhất so với du lịch các tỉnh, thành trong cả nước. Theo ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Thừa Thiên-Huế, dự kiến đến năm 2015, dịch vụ du lịch Huế sẽ tăng dần về tỉ trọng và chiếm khoảng 50% GDP của địa phương. Tuy nhiên, nếu chỉ biết khai thác du lịch theo kiểu bán rẻ “nét cố đô” và bỏ phí cái “chất Huế” đặc trưng của xứ mộng mơ thì du lịch Huế sẽ khó phát triển một cách bền vững.

Hy vọng trong tương lai không xa bộ mặt du lịch Huế sẽ đổi mới, như chính nỗi niềm của nhạc sĩ Võ Tá Hân từng gửi gắm trong bài hát Rất Huế nổi tiếng của ông: “Dẫu em rất Huế tự bao giờ/ Đừng để lòng em như cung điện/ Để cho anh suốt đời đứng đợi/ Trước cổng thành gọi mãi chẳng ai thưa…”.

Được xây dựng bên bờ bắc sông Hương vào những năm đầu thời vua Gia Long triều Nguyễn, kinh thành Huế có chu vi gần 10 km, cao 6,6 m, dày 21 m, có cả một hệ thống phòng thủ vững chắc với hàng trăm pháo đài và hộ thành hào bao quanh.

Tuy nhiên, hiện một số đoạn thành thuộc vòng thành ngoài đang bị xuống cấp nghiêm trọng, tình trạng lấn chiếm xây mới diễn ra khá nhức nhối. Đặc biệt, ở phía đông kinh thành, tại khu vực phòng lộ và hộ thành hào có hơn 150 hộ dân sinh sống chen chúc. Người dân đào cả giếng khoan và xây các bể chứa nước ngay trên phần thượng thành để tưới tiêu. Ở nhiều đoạn tường thành khác, nhà cửa san sát đến nỗi khó nhận ra đó là những bức tường từng bảo vệ kinh thành năm xưa. Trên mặt tường thành khu vực cửa Nhà Đồ và cửa Hữu còn có những thửa ruộng trồng hoa màu trải dài hàng trăm mét.

Chính quyền cùng Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế từng nỗ lực giải quyết tình trạng này. UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế từng quyết định đầu tư 1.282 tỉ đồng để tu bổ kinh thành Huế, trong đó có việc giải tỏa, bồi thường, tái định cư cho 876 hộ dân. Đến nay dù đã triển khai gần hai năm nhưng hàng trăm hộ dân vẫn thản nhiên cư trú trên di sản thế giới.

Theo Datviet

Từ khóa: