Sự kiện hot
5 năm trước

“Đấu thầu giúp Việt Nam mở rộng quy mô dự án điện mặt trời”

Công suất điện mặt trời sẽ tăng từ 4,5 GW lên tới gần 20 GW, tạo thêm hàng chục ngàn việc làm trong 10 năm tới, nếu Việt Nam tiếp tục chuyển từ hình thức bán giá điện năng theo lưới điện sang hình thức đấu thầu cạnh tranh... Đây là những điểm chính trong báo cáo “Chiến lược và khung đấu thầu cạnh tranh dự án điện mặt trời ở Việt Nam" vừa được tổ chức này công bố.

Phóng viên Báo Đời sống và Tiêu dùng có cuộc trao đổi với ông Rahul Kitchlu – Trưởng nhóm năng lượng, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam chia sẻ thêm một số ý kiến liên quan đến chủ đề trên.

Ông Rahul Kitchlu – Trưởng nhóm năng lượng, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam. Ảnh: T.Mai
Ông Rahul Kitchlu – Trưởng nhóm năng lượng, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam. Ảnh: T.Mai

Phóng viên: Báo cáo mới nhất của WB cho thấy sẽ có thêm hàng chục GW và hàng chục ngàn việc làm mới, nếu áp dụng hình thức đấu thầu đối với các dự án điện mặt trời. Ông có thể lí giải cụ thể hơn về những con số này?

Ông Rahul Kitchlu: Trong Nghị quyết số 55/NQ-TW về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” vừa được Bộ Chính trị ban hành mới đây, dự báo công suất điện từ nguồn năng lượng tái tạo có thể chiếm từ 15 – 20% tổng công suất nguồn điện Việt Nam. Theo dự báo của WB, hầu hết số đó sẽ đến từ nguồn năng lượng mặt trời. Với định hướng chính sách đấu thầu hiện tại, công suất năng lượng tái tạo dự kiến sẽ tăng khoảng 4 lần, tức là đạt mức 18 – 20 GW, tùy thuộc vào sự hiệu quả trong việc áp dụng chính sách.

Ngoài ra, không chỉ ngành năng lượng nói riêng mà nền kinh tế nói chung cũng hưởng lợi. Chúng tôi cho rằng, sẽ có thêm hơn 20.000 việc làm/năm trong ngành sản xuất, bởi Việt Nam sẽ tham gia nhiều hơn vào việc sản xuất các thiết bị, máy móc liên quan tới năng lượng mặt trời. Thậm chí, mỗi năm sẽ có thể sẽ có thêm 25.000 việc làm nữa, tập trung vào các ngành dịch vụ, hỗ trợ vận hành, bảo trì... gắn với các khoản đầu tư mới vào năng lượng mặt trời.

Phóng viên: Được biết, WB đang tư vấn cho Việt Nam về 2 dự án thí điểm áp dụng đấu thầu cạnh tranh. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về 2 dự án này?

Ông Rahul Kitchlu: Dự kiến mỗi dự án có công suất 500 MW, dựa trên 2 mô hình chính sách đấu thầu khác nhau.

Mô hình đầu tiên là đấu thầu dựa trên các trạm biến áp cụ thể với công suất dư thừa để đón nhận thêm nguồn điện mặt trời. Các nhà đầu tư sẽ được tự do lựa chọn địa điểm vận hành để kết nối thuận lợi nguồn điện vào các trạm biến áp đó.

Điện mặt trời là một trong những nguồn năng lượng hiệu quả, giúp Việt Nam đảm bảo nguồn điện trong tương lai. Ảnh: D.T
Điện mặt trời là một trong những nguồn năng lượng hiệu quả, giúp Việt Nam đảm bảo nguồn điện trong tương lai. Ảnh: D.T

Mô hình thứ 2 là “công viên” điện mặt trời. Với mô hình này, địa điểm triển khai sẽ được chọn trước. Ngoài ra, một số cơ sở hạ tầng căn bản sẽ được chuẩn bị, giải phóng mặt bằng. Nhà đầu tư sẽ đấu thầu tham gia vào các mặt bằng đó để phát triển điện mặt trời.

Hiện chúng tôi chưa có những thông tin cụ thể hơn, nhưng dự kiến dự án thí điểm sẽ có thể tiến hành vào cuối năm nay.

Phóng viên: WB có những khuyến nghị gì, để Việt Nam có thể tiến hành áp dụng thành công cơ chế đấu thầu cạnh tranh đối với các dự án điện mặt trời, thưa ông?

Ông Rahul Kitchlu: Theo chúng tôi, đầu tiên phải có sự minh bạch trong khâu lên kế hoạch. Ví dụ như thời điểm này, khi tiến trình đấu thầu chưa được tiến hành và mức giá bán điện năng theo lưới điện cũng đã chấm dứt từ năm ngoái. Các nhà đầu tư cũng luôn cần được có những thông tin và kì vọng cụ thể hơn từ phía Chính phủ.

Thứ hai là khung pháp lý cởi mở và ít rủi ro hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đấu thầu điện tử.

Thứ ba là vai trò của các bên liên quan cần được làm rõ, ví dụ như Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hay các địa phương...

Thứ tư là các hợp đồng liên quan tới quá trình đấu thầu được tiến tới hoàn thiện theo chuẩn quốc tế.

Cuối cùng là phải giữ vững định hướng đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư vào ngành Điện, đảm bảo sự phát triển của năng lượng tái tạo, góp phần đảm bảo nhu cầu điện cho tăng trưởng của Việt Nam.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Báo cáo "Chiến lược và khung đấu thầu cạnh tranh dự án điện mặt trời tại Việt Nam" do Ngân hàng Thế giới thực hiện, Quỹ hạ tầng toàn cầu (GIF) và Chương trình hỗ trợ quản lý ngành năng lượng của WB (WB-ESMAP) tài trợ vừa được công bố ngày 14/2/2020.

Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam đang cân nhắc chuyển từ chính sách giá bán điện mặt trời ưu đãi cố định (FIT) sang đấu thầu cạnh tranh cho các dự án điện mặt trời để giảm chi phí sản xuất điện.

Ngoài các cách tiếp cận mới về đấu thầu cạnh tranh, báo cáo cũng khuyến nghị cần đặt ra mục tiêu triển khai điện mặt trời hàng năm và trong trung hạn đồng thời sửa đổi khung pháp lý liên quan đến các quy định về lựa chọn cạnh tranh các đơn vị sản xuất điện độc lập.

Tương Mai
Theo Báo Đời sống và Tiêu dùng

Từ khóa: