Từ đầu năm đến ngày 6/11/2019, Cục Quản lý đường bộ II đã tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng 146 gói thầu xây lắp thuộc các dự án sửa chữa nền, mặt đường, rãnh thoát nước. Tuy nhiên, chỉ có 17 gói thầu (chiếm 11,6% tổng số gói thầu) có sự tham dự của 2 nhà thầu trở lên, 129 gói thầu còn lại (88,4%) chỉ có 1 nhà thầu tham dự, đặt ra vấn đề về tính cạnh tranh của các gói thầu này.
Tỷ lệ tiết kiệm dưới mức trung bình của cả nước
Theo khảo sát của Báo Đấu thầu, trong số 129 gói thầu chỉ có 1 nhà thầu tham dự nói trên, nhiều gói có tỷ lệ tiết kiệm khá thấp, dao động trong khoảng 0,2% - 2,4%, thấp hơn tỷ lệ tiết kiệm trung bình cả nước (2,4%).
Đơn cử, tại Gói thầu Xây lắp thuộc Dự án Sửa chữa đoạn Km792+500 - Km793+100; Km793+500 - Km794+500; Km795+050 - Km795+350; Km795+650 - Km795+750 đường Hồ Chí Minh (Hà Tĩnh), giá dự thầu của Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Biển Đông là 8,317 tỷ đồng, giảm 0,12% so với giá gói thầu (8,327 tỷ đồng).
Hay tại Gói thầu Xây lắp thuộc Dự án Sửa chữa đoạn Km19+600 - Km23+480; Km35+950 - Km38+00; Km41+00 - Km42+00; Km46+00 - Km46+600; Km50+00 - Km50+400; Km53+300 - Km54+200; Km54+700 - Km55+100; sửa chữa rãnh dọc đoạn Km21+700 - Km21+920 (T+P) Quốc lộ 7 (Nghệ An), Liên danh Công ty CP Quản lý và Xây dựng công trình giao thông 487 - Công ty CP Xây lắp Giang Sơn không có đối thủ cạnh tranh, trúng thầu với giá 16,953 tỷ đồng, giảm 0,24% so với giá gói thầu (16,995 tỷ đồng).
Trong khi đó, cũng tại bên mời thầu này, tỷ lệ giảm giá so với giá gói thầu của 17 gói thầu có từ 2 nhà thầu tham dự trở lên cao hơn hẳn, trên 3%. Chẳng hạn, tại Gói thầu Xây lắp thuộc Dự án Sửa chữa đoạn từ Km607+00÷Km613+00; đoạn Km604+400÷Km604+700 (P) đường Hồ Chí Minh (Thanh Hóa), Công ty CP 208 và Công ty CP Đầu tư và Xuất nhập khẩu Bình Minh cùng dự thầu. Giá gói thầu là hơn 12,216 tỷ đồng. Giá dự thầu sau giảm giá của 2 nhà thầu lần lượt là 12,184 tỷ đồng và 11,612 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ giảm giá là 0,26% và 4,9%.
Mặc dù tỷ lệ tiết kiệm ở những gói thầu có từ 2 nhà thầu trở lên chưa có sự vượt trội, nhưng có thể xem là một trong những điểm sáng về đấu thầu qua mạng (ĐTQM) tại Cục Quản lý đường bộ II năm nay. Trước đó, vào năm 2018, đơn vị này tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng cho 48 gói thầu thì 100% chỉ có 1 nhà thầu tham dự.
Nguyên nhân ít nhà thầu tham dự
Ngày 5/11/2019, tại Cục Quản lý đường bộ II, có tới 33 gói thầu được mở thầu qua mạng gần như cùng lúc. Theo tìm hiểu, một phần là do có sự trùng hợp ngẫu nhiên, phần khác là do Chủ đầu tư muốn gấp rút đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà thầu, nên có việc mở thầu đồng loạt như vậy.
Lý giải tình trạng vẫn còn nhiều gói thầu kém cạnh tranh, theo một cán bộ Phòng Kế hoạch thuộc Cục Quản lý đường bộ II, chủ yếu là do các nhà thầu chưa quen với cách làm mới, hiểu biết hạn chế về ĐTQM nên ngại tham gia. Mặt khác, thực tế, các gói thầu sửa chữa, duy tu đường bộ là khá lắt nhắt, lợi nhuận thấp. Có những gói thầu trị giá 5 tỷ đồng, nhưng thi công tuyến đường dài cả trăm cây số. Cho nên, các nhà thầu lớn ít quan tâm, trong khi các nhà thầu nhỏ lại hạn chế về năng lực cũng như hiểu biết về ĐTQM.
Từ đầu năm đến ngày 6/11/2019, tại bên mời thầu này có 18 gói thầu bị hủy thầu, cao hơn gấp đôi so với năm 2018 (8 gói thầu). Trong đó, đa số là các gói thầu chỉ có 1 nhà thầu tham dự. Thậm chí, có gói thầu phải tổ chức đấu thầu lại tới lần thứ 3 mới chọn được nhà thầu. Nguyên nhân là do không đọc kỹ yêu cầu của hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu, nên khá nhiều nhà thầu không đủ năng lực nhưng vẫn nộp hồ sơ dự thầu/hồ sơ đề xuất, hoặc do kê khai sai năng lực, kinh nghiệm...
Trần Nam
Theo Báo Đấu thầu