Tỷ lệ tiết kiệm thông qua đấu thầu gần như chỉ ở mức… tượng trưng, cùng với nhiều bất cập trong công tác quản lý hợp đồng sau đấu thầu của Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Đắk Lắk trong suốt thời gian dài vừa bị Thanh tra Chính phủ chỉ rõ trong kết luận thanh tra toàn diện về hoạt động của đơn vị này.
Tỷ lệ tiết kiệm thông qua đấu thầu quá thấp
Trong giai đoạn 2014 - 2017, Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Đắk Lắk được giao làm chủ đầu tư 166 dự án, công trình, gồm 439 gói thầu. Trong đó có 198 gói thầu xây lắp, 84 gói thầu tư vấn thiết kế, 60 gói thầu tư vấn thẩm tra và 97 gói thầu tư vấn giám sát.
Qua thanh tra 70 gói thầu được tổ chức đấu thầu rộng rãi (67 gói xây lắp, 3 gói tư vấn), Thanh tra Chính phủ phát hiện, giá trúng thầu thường sát giá gói thầu, tỷ lệ giảm giá qua đấu thầu rất thấp (tổng giá gói thầu là 1.146,307 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu là 1.142,716 tỷ đồng, giảm giá 3,591 tỷ đồng). “Tỷ lệ giảm giá bình quân đạt 0,31%, thể hiện việc đấu thầu của Công ty không hiệu quả, tỷ lệ giảm giá thấp”, Thanh tra Chính phủ đánh giá. Bên cạnh đó, hồ sơ mời thầu (HSMT) một số gói thầu đã đưa ra các điều kiện, tiêu chuẩn chưa phù hợp với quy mô gói thầu, làm giảm sự cạnh tranh trong đấu thầu.
Thanh tra Chính phủ cho biết, tại Gói thầu Mua sắm trang thiết bị - Lô số 1, Bãi rác Hòa Phú thuộc Hợp phần BMT01 (nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB), có 3 nhà thầu tham gia thì 2 nhà thầu bị loại ở khâu tư cách hợp lệ của nhà thầu và tính hợp lệ của hàng hóa. Công ty TNHH Trường Vinh Hi-Nô được xác định đủ điều kiện tiếp tục đánh giá năng lực và kinh nghiệm. Sau khi đánh giá, nhà thầu này bị loại do không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của 3/9 loại trang thiết bị. Tuy nhiên sau đó, nhà thầu này được công bố trúng thầu. Thanh tra Chính phủ cho rằng, khi chấm thầu, việc đánh giá năng lực tài chính của Công ty TNHH Trường Vinh Hi-Nô là chưa chặt chẽ, hồ sơ về tình hình tài chính thiếu các chỉ tiêu về doanh thu, chi phí…
Tại 3 gói thầu thuộc Dự án Thoát nước giai đoạn 2, qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ nhận thấy, Tổ chuyên gia phân tích, đánh giá HSDT có 1 thành viên không có chứng chỉ đào tạo về đấu thầu. Tình trạng 1 cá nhân vừa là người chấm thầu vừa là người thẩm định kết quả đấu thầu xảy ra tại 3 gói thầu xây lắp thuộc các dự án: Dự án Đường đi thôn 8 xã Cư Ê Bur; Dự án Mở rộng, nâng cấp đường Y Ngông đoạn từ Trường Trung cấp nghề đến đường Mai Xuân Thưởng; Dự án Mở rộng, nâng cấp Tỉnh lộ 1 đoạn từ ngã tư Mai Xuân Thưởng đến cầu Buôn Ky.
Bất cập trong quản lý hợp đồng sau đấu thầu
Tại một số gói thầu xây lắp, Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Đắk Lắk không thực hiện bước thương thảo hợp đồng trước khi ký hợp đồng, ký phụ lục điều chỉnh giá trị hợp đồng trong khi thời gian thực hiện hợp đồng đã hết, không đảm bảo tính pháp lý, chưa phù hợp với quy định của pháp luật trong ký kết hợp đồng xây dựng.
Theo Thanh tra Chính phủ, trước năm 2014, có 15 dự án, công trình do Công ty làm chủ đầu tư nhưng đang thi công thì không có vốn, do chủ trương dừng, hoãn tiến độ. Sau năm 2014, khi cân đối được vốn, UBND tỉnh Đắk Lắk có chủ trương cho tiếp tục thi công đối với 14 dự án trong số này, cho phép lập, phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công, dự toán gói thầu. Một số gói thầu xây lắp được lập thành gói thầu mới, đấu thầu theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, có 8 gói thầu được Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho phép điều chỉnh đơn giá của hợp đồng để Chủ đầu tư ký phụ lục hợp đồng bổ sung, không thông qua đấu thầu, với tổng giá trị bổ sung là 105,137 tỷ đồng.
Qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ nhận thấy, 8 hợp đồng xây dựng nói trên là hợp đồng trọn gói, đã hết thời gian thực hiện. Việc Chủ tịch UBND Tỉnh có chủ trương cho phép điều chỉnh giá hợp đồng 8 gói thầu này là không đúng với Điều 62 Luật Đấu thầu; Điều 143 Luật Xây dựng. “Việc Chủ đầu tư ký phụ lục điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng trong khi hợp đồng đã hết thời hiệu, thời gian thực hiện và chưa được gia hạn là không đảm bảo tính pháp lý về ký kết hợp đồng”, Thanh tra Chính phủ kết luận.
Văn Huyền
Theo Báo Đấu thầu