Sự kiện hot
6 năm trước

Đấu thầu tại Trường Đại học Điện lực: Bên mời thầu “dội bom” bản gốc

Gói thầu số 05 Thí nghiệm cọc thuộc Dự án Nhà thí nghiệm kết hợp nhà học Trường Đại học Điện lực đang trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT). Trong một văn bản gửi Báo Đấu thầu mới đây, một nhà thầu phản ánh Trường đang gây khó khăn đối với Nhà thầu bằng cách yêu cầu cung cấp quá nhiều tài liệu làm rõ. Thực hư câu chuyện này như thế nào, ý kiến của các bên liên quan ra sao?

Gói thầu số 05 Thí nghiệm cọc thuộc Dự án Nhà thí nghiệm kết hợp nhà học Trường Đại học Điện lực đang trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu. Ảnh: Lê Tiên

Gói thầu số 05 Thí nghiệm cọc thuộc Dự án Nhà thí nghiệm kết hợp nhà học Trường Đại học Điện lực đang trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu. Ảnh: Lê Tiên

Yêu cầu nhà thầu cung cấp quá nhiều tài liệu gốc

Theo phản ánh của Nhà thầu, để làm rõ HSDT, Trường Đại học Điện lực - Chủ đầu tư/Bên mời thầu cũng như đơn vị tư vấn đấu thầu (Công ty CP Quản lý dự án và chi phí đầu tư – AFO) đã gây khó khăn đối với Nhà thầu bằng cách yêu cầu cung cấp quá nhiều tài liệu gốc làm rõ, trong khi đó nhà thầu này khẳng định mình có năng lực.

Cụ thể, đơn vị tư vấn yêu cầu nhà thầu này phải cung cấp bản gốc hợp đồng và biên bản thanh lý để đối chiếu với lý do nghi ngờ Hợp đồng số 08/2017/HĐTV ngày 14/3/2017 về việc thí nghiệm thử tải, siêu âm cọc thí nghiệm tại Dự án Khu nhà ở cán bộ, nhân viên Ban Cơ yếu Chính phủ có sự khác nhau về tiến độ thực hiện ghi trong hợp đồng và tiến độ thực tế theo biên bản thanh lý; giá trị thanh lý hợp đồng và giá trị thực tế được chủ đầu tư thanh toán.

“Yêu cầu này của đơn vị tư vấn nhằm đối chiếu các tài liệu gốc là hoàn toàn không có cơ sở”, Nhà thầu khẳng định và chứng minh rằng, thực tế nhà thầu này thực hiện công việc còn nhanh hơn so với hợp đồng. Về giá trị được thanh toán, việc chủ đầu tư chưa thanh toán toàn bộ giá trị hoàn thành là do các điều khoản của hợp đồng. Đây cũng không phải là lý do để Bên mời thầu, đơn vị tư vấn nghi ngờ.

Bên cạnh đó, Nhà thầu cũng cho rằng, đơn vị tư vấn yêu cầu Nhà thầu cung cấp quá nhiều bản gốc. Cụ thể là bản gốc biên bản nghiệm thu hoàn thành hạng mục Gói thầu Thí nghiệm cọc khoan nhồi thí nghiệm khu B thuộc Dự án Khu nhà ở, văn phòng, dịch vụ 136 Hồ Tùng Mậu; bản gốc (bằng đại học, chứng chỉ, chứng minh thư của toàn bộ chuyên gia) đã kê khai trong hợp đồng mà Nhà thầu gửi trong HSDT… “Việc yêu cầu cung cấp quá nhiều tài liệu gốc đang gây khó khăn cho chúng tôi”, Nhà thầu tái khẳng định và cho rằng các yêu cầu này không theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 47/CT-TTg. 

Bên mời thầu có làm khó nhà thầu?

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Lê Thanh Hải, cán bộ Trường Đại học Điện lực phụ trách công tác lựa chọn nhà thầu lý giải: “Những yêu cầu nêu ra chỉ nhằm mục đích lựa chọn được nhà thầu có năng lực thực sự, đảm bảo tiến độ và chất lượng của Gói thầu theo đúng kế hoạch đặt ra”. Ông Hải cho biết, trước  đó, Trường cũng tổ chức lựa chọn nhà thầu một số gói thầu, tuy nhiên trong quá trình đánh giá HSDT, các bên liên quan đã phát hiện một số nhà thầu cung cấp thông tin không trung thực về năng lực của mình. Mặt khác, vị cán bộ này khẳng định: “Việc yêu cầu nhà thầu cung cấp tài liệu gốc để làm rõ HSDT là phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu. Quá trình lựa chọn nhà thầu hoàn toàn khách quan, minh bạch”.

Chứng minh thêm, tại Văn bản số 209/2018/CV- FAO gửi Nhà thầu vào đầu tháng 12/2018 về việc giải trình công văn kiến nghị, Công ty CP Quản lý dự án và chi phí đầu tư cũng giải trình làm rõ. 

Về nội dung kiến nghị của Nhà thầu về việc nộp tài liệu gốc để chứng minh năng lực, đơn vị tư vấn cho rằng, việc nộp bản gốc để đối chiếu là hoàn toàn phù hợp với quy định. Lý do là, trong quá trình đánh giá HSDT, Tổ chuyên gia nghi ngờ tính xác thực của Hợp đồng số 08/2017/HĐTV, Biên bản thanh lý hợp đồng, do tiến độ thể hiện trong Hợp đồng và Biên bản thanh lý khác xa nhau, giá trị được thanh toán cũng không khớp với giá trị đề nghị thanh toán.

Đối với yêu cầu cung cấp các tài liệu gốc khác, đơn vị tư vấn khẳng định: “Yêu cầu này hoàn toàn không vi phạm Chỉ thị số 47/CT-TTg. Việc yêu cầu chứng minh thư hoặc giấy tờ tương đương cũng phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động. Mặt khác, yêu cầu này nhằm đảm bảo tính khả thi của việc huy động nhân sự, do nhiều trường hợp sử dụng bằng cấp, chứng chỉ khi chưa được sự đồng ý của bên cung cấp bằng…”.

Cho ý kiến về vấn đề này, một chuyên gia đấu thầu nhìn nhận, trong trường hợp này cần xem xét việc chủ đầu tư/tư vấn đưa ra yêu cầu nhà thầu cung cấp nhiều tài liệu gốc đó có đảm bảo công bằng giữa các nhà thầu tham dự hay không. “Nếu bên mời thầu/tư vấn chỉ yêu cầu riêng nhà thầu kiến nghị cung cấp rất nhiều tài liệu gốc như kiến nghị thì rõ ràng làm khó nhà thầu. Yêu cầu đưa ra phải có sự công bằng giữa các nhà thầu tham dự”, chuyên gia nói. Cũng theo chuyên gia này, trong quy định pháp luật về đấu thầu có quy định nhà thầu phải chuẩn bị các bản gốc để đối chiếu khi cần thiết để làm rõ tài liệu gửi trong HSDT, tuy nhiên không được lợi dụng quy định này để gây khó khăn cho nhà thầu. Việc đánh giá HSDT phải trên cơ sở lựa chọn nhà thầu tốt chứ không phải là để loại nhà thầu một cách thiếu công bằng.

Việt Anh
Theo Đấu thầu

Từ khóa: