Sự kiện hot
13 năm trước

Đầu tư cho giao thông nhiều nhưng hiệu quả kém

Trong số 5 dự án đề nghị được sử dụng trái phiếu Chính phủ cho giai đoạn đến năm 2015 thì có tới 3 dự án về giao thông, ĐBQH cho rằng như thế là nhiều.

Trong số 5 dự án đề nghị được sử dụng trái phiếu Chính phủ cho giai đoạn đến năm 2015 thì có tới 3 dự án về giao thông, ĐBQH cho rằng như thế là nhiều.

Sáng 11/6, Quốc hội thảo luận về đề nghị của Chính phủ bổ sung một số danh mục vào Danh mục dự án được sử dụng trái phiếu Chính phủ cho giai đoạn đến năm 2015. 5 dự án này gồm: cầu Năm Căn (Cà Mau), cầu Kim Xuyên (Tuyên Quang), dự án nhà ở sinh viên ĐH Trà Vinh, dự án bệnh viện ung thư TP Đà Nẵng và cụm năm dự án thành phần thuộc dự án đường ven biển Ninh Thuận.

Sao làm giao thông Việt Nam đắt - chất lượng kém?

Trong 5 dự án Chính phủ đề nghị thì có 3 dự án cho giao thông, 1 dự án cho y tế, 1 dự án cho giáo dục với tổng mức tiền là 5.363 tỷ. ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) cho rằng, cân đối dự án đầu tư cho giao thông là “tương đối nhiều”.


ĐBQH Trịnh Ngọc Thạch (Ảnh: Kiều Minh) 

ĐB Thạch cho biết, khi tiếp xúc cử tri, “bà con đánh giá là chúng ta đầu tư cho giao thông rất nhiều tiền, nhưng quản lý dự án giao thông rất kém, chất lượng, hiệu quả và đặc biệt là thất thoát tài chính, tiêu cực trong sử dụng kinh phí rất nhiều”.

ĐB này đề nghị 3 dự án giao thông này nên xem xét, cân nhắc lấy 1 hoặc 2 dự án. Cùng với đó, đề nghị đánh giá lại toàn bộ đầu tư cho giao thông trong giai đoạn vừa qua bởi “rất nhiều dư luận bức xúc về đầu tư tiền cho giao thông nhưng hiệu quả rất kém”.

Cũng liên quan đến giao thông, ĐB Thạch nêu, ở 2 đô thị lớn TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì trường đại học (ĐH) và bệnh viện ở trong TP quá bức xúc và rất ít tiền đầu tư cho việc di dời các cơ sở này ra ngoài TP.

ĐB Thạch ví dụ, dự án ĐH Quốc gia Hà Nội từ năm 2002 tới nay giải phóng được 1.000 ha đất (80%), bây giờ theo Nghị quyết 11 vừa qua cắt giảm đi chỉ còn 145 tỷ, theo tính toán, với hạng mục công trình đầu tư của ĐH Quốc gia như vậy thì khoảng… 200 năm nữa ĐH Quốc gia Hà Nội có thể lên gần hết Hòa Lạc.

Theo đó, ĐB Thạch cho rằng, bức xúc nhất hiện nay là cần phải đầu tư tiền, kể cả trái phiếu Chính phủ và các nguồn khác cho việc di dời các trường ĐH, các bệnh viện ra khỏi nội đô để đỡ ùn tắc giao thông và bức xúc trong đô thị.

ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Tôi bị cử tri phản ứng rất nặng nề, họ nói rằng tình trạng đầu tư giao thông quá nhiều tiền, người ta đặt vấn đề xây dựng đường Việt Nam đắt nhất thế giới, đắt hơn Mỹ, đắt hơn các nước trong khu vực, tại sao? Chất lượng thì kém, làm chưa đi đã hỏng, đường nông thôn làm đoạn đầu xong, kiếm tiền làm đoạn thứ hai thì đoạn đầu lại hỏng, rồi lại nghĩ nhiều cách để sửa chữa, duy tu bằng tiền dân. Do đó, vấn đề đầu tư giao thông là cần thiết, nhưng vấn đề cần thiết hơn là làm sao không thất thoát, chất lượng, giá thành không tiêu cực để nguồn đầu tư thực sự đi vào hiệu quả”.

Có tiếp tục "chia" trái phiếu Chính phủ cho các dự án mới?

Nêu ý kiến về việc Chính phủ đề nghị Quốc hội bổ sung thêm 5 dự án sử dụng trái phiếu Chính phủ, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) thẳng thắn cho rằng, thẩm quyền quyết định ngân sách của Quốc hội vẫn còn mang tính hình thức, theo đó, tại kỳ họp thứ 2 (11/2011) Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 12, trong đó 40 dự án đã được UB TVQH cho phép bổ sung năm 2011, không bổ sung mới các danh mục, công trình, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn 2011-2015.

Tuy nhiên, “đến nay được 6 tháng chúng ta đề nghị bổ sung 5 dự án mới, đây là một vấn đề chúng ta phải hết sức cân nhắc” – ĐB Cường nói.

ĐB này cũng đặt câu hỏi, không hiểu rằng sau lần này, chúng ta có tiếp tục bổ sung các dự án mới hay không?

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Hà Nội) thì cho rằng, phải chia sẻ với Chính phủ là đất nước ta còn nghèo, gia đình nghèo lại đông con cho nên việc phân bổ nguồn vốn rất khó khăn, chia sẻ với điều hành.

Làm rõ thêm những băn khoăn của các ĐB, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, “5 dự án này thực chất rất nhỏ so với cái chung chúng ta đang xem xét, bố trí”.

Bộ trưởng Vinh chia sẻ với những bức xúc của các ĐB về việc còn nhiều dự án khác cũng quan trọng hơn 5 dự án được đề nghị bổ sung, theo Bộ trưởng, “cái đó (dự án - PV) không nằm trong trái phiếu Chính phủ cho nên không bàn ở đây”.

Theo đó, những công trình bức thiết mà ĐB Quốc hội nêu ở các địa phương là những công trình sẽ bố trí bằng vốn ngân sách, mặc dù ngân sách có ít. Bộ trưởng Vinh cho biết, tới đây sẽ làm trung hạn luôn, từ nay đến năm 2015 giao tất cả một cục cho các địa phương, đây là những vấn đề đổi mới từ xưa đến nay chưa bao giờ làm.

“Vì làm hàng năm mà người ta (địa phương – PV) không biết Chính phủ có bao nhiêu tiền cho nên người ta làm thì người ta xin thôi. Nếu bây giờ cho người ta biết 5 năm người ta có bao nhiêu tiền thì chắc người ta sẽ làm rất chặt chẽ…” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh, 5 công trình đề nghị bổ sung không cắt giảm của một địa phương, một Bộ nào, bởi vì trong tổng số 225 nghìn tỷ thì Chính phủ đề nghị, đưa ra dự phòng lại khoảng 13 nghìn tỷ đồng để khi có một số công trình lớn trượt giá thì xem xét cho một số công trình lớn. Cho nên trong số này nếu được thì sẽ bố trí, nếu không sẽ hoàn trả lại quỹ dự phòng đó.

theo VTC News


Từ khóa: