Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Đầu tư Thương mại SMC báo lãi giảm 90% ghi nhận 47 tỷ đồng trong quý II/2022

Lũy kế 6 tháng, doanh thu tăng 20% lên 13.250 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 10,2% xuống 3% là yếu tố chính khiến lãi ròng giảm 82% xuống 127 tỷ đồng. EPS cũng giảm 82% xuống 2.086 tỷ đồng. Công ty thực hiện được 66% mục tiêu doanh thu và 41% mục tiêu lợi nhuận sau nửa năm.

Đầu tư Thương mại SMC (HoSE: SMC) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2022 ghi nhận doanh thu thuần 6.620 tỷ đồng, tăng 11%. Giá vốn tăng mạnh hơn nên lợi nhuận gộp giảm 70% về 205 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 11,64% xuống 3,1%.

Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính tăng 144% lên 28 tỷ đồng nhưng chi phí gấp 8,7 lần lên 110 tỷ đồng. Hoạt động liên doanh liên kết giảm lãi từ 23 tỷ về 8 tỷ đồng trong khi hoạt động khác có lãi 12 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 12 tỷ. Chi phí bán hàng tăng 64%, chi phí quản lý giảm 26%.

Kết quả, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ quý II đạt 47 tỷ đồng, giảm 90% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu tăng 20% lên 13.250 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 10,2% xuống 3% là yếu tố chính khiến lãi ròng giảm 82% xuống 127 tỷ đồng. EPS cũng giảm 82% xuống 2.086 tỷ đồng. Công ty thực hiện được 66% mục tiêu doanh thu và 41% mục tiêu lợi nhuận sau nửa năm.

Tại thời điểm cuối quý II, công ty có 3.542 tỷ đồng hàng tồn kho, tăng 39% so với đầu năm. Dự phòng giảm giá hàng tồn kho 170 tỷ đồng, tăng so với mức 119 tỷ đầu năm. Khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng từ 2.858 tỷ đồng lên 3.632 tỷ đồng, chủ yếu trong phải thu của khách hàng.

Ở phần nguồn vốn, Thép SMC giảm vay ngắn hạn từ 3.144 tỷ đồng xuống 2.788 tỷ đồng và tăng nhẹ vay dài hạn từ 461 tỷ đồng lên 611 tỷ đồng. Ngược lại, phải trả người bán ngắn hạn hơn gấp đôi lên 4.467 tỷ đồng.

Trong báo cáo mới đây, VSA dự báo các doanh nghiệp thép trong nước sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức và những yếu tố bất ổn trong 6 tháng cuối năm 2022. 

Mùa mưa - cơn ác mộng của ngành xây dựng và ngành thép, đang đến. Và mùa mưa cũng là một trong những yếu tố tạo nên tính chu kỳ cho ngành thép. 

Thông thường, tiêu thụ thép trong giai đoạn từ tháng 7 - 9 khá trầm lắng do thời tiết mưa nhiều, ảnh hưởng đến tiến độ các công trình xây dựng. Năm nay, việc nhu cầu thép xây dựng vốn đang ở mức thấp lại cộng thêm tác động của thời tiết xấu được cho là sẽ tác động đến lớn đến tình hình tiêu thụ thép trong quý III.

Bên cạnh đó, tốc độ giải ngân đầu tư công cũng không được như kỳ vọng. Trước đó, hồi đầu năm VSA cho rằng việc Chính phủ thúc đẩy đầu tư công sẽ là một trong những động lực chính thúc đẩy ngành thép trong năm 2022. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính tỷ lệ ước giải ngân vốn kế hoạch 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm so với cùng kỳ năm 2021 (29,02%).

Bộ Công Thương dự báo trong năm 2022, Việt Nam phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế khoảng 6-6,5 triệu tấn cho các lò điện, than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite khoảng 10.000 tấn…

Trong khi đó, dự kiến giá quặng sắt, thép phế, quặng nguyên liệu thô và than mỡ luyện cốc… vẫn duy trì ở mức cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thép và thị trường thép trong nước.

Một biến số lớn khác đến từ thị trường Trung Quốc - nơi tiêu thụ tới 60% lượng thép trên thế giới. Việc nước này vẫn theo đuổi chính sách Zero COVID khiến hoạt động xây dựng trong nước bị đình trệ và nhu cầu nhập khẩu thép cũng giảm theo.  Như vậy trong 6 tháng cuối năm vẫn còn khá nhiều lực cản đối với ngành thép.

Lan Anh
Theo KTDU

Từ khóa: