Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Đầu tư Thương mại SMC (SMC) lên kế hoạch lợi nhuận đạt 150 tỷ đồng trong năm 2023

Theo báo cáo từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất và nhu cầu thép trong suốt năm 2022 vừa qua được đánh giá chưa thực sự tốt, nhiều doanh nghiệp đối mặt với khó khăn do chi phí tăng cao, giá thép biến động mạnh và lượng hàng tồn kho lớn.

Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (HoSE: SMC) vừa thông qua Nghị quyết HĐQT về kế hoạch kinh doanh năm 2023 với sản lượng mục tiêu 1 triệu tấn thép các loại cùng lợi nhuận sau thuế đạt 150 tỷ đồng.

Ghi nhận tới thời điểm tháng 9/2022, công ty ghi nhận doanh thu đạt 18.949 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế 94 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi lớn 869 tỷ đồng.

SMC cho biết, sản lượng thép bán ra trong 9 tháng 2022 tăng 20% so với cùng kỳ đã làm doanh thu tăng 25%. Tuy nhiên do giá cả thị trường sụt giảm nhanh và liên tục so với giá hàng hoá công ty nhập khẩu từ quý 4 năm 2021 và đầu năm 2022, đã làm cho giá bán một số mặt hàng thép thấp hơn giá vốn nên lợi nhuận gộp 9 tháng đầu năm 2022 giảm 75% so với cùng kỳ.

Theo báo cáo từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất và nhu cầu thép trong suốt năm 2022 vừa qua được đánh giá chưa thực sự tốt, nhiều doanh nghiệp đối mặt với khó khăn do chi phí tăng cao, giá thép biến động mạnh và lượng hàng tồn kho lớn.

VSA cho biết, trong 11 tháng năm 2022, kinh tế toàn cầu khó khăn khi lạm phát tăng cao, các ngành sản xuất tăng trưởng chậm lại; trong đó có các ngành công nghiệp sử dụng thép.

Giá nguyên liệu sản xuất thép biến động mạnh. Cụ thể giá các loại quặng sắt, thép phế, than cốc hồi đầu quý 2 và quý 3/2022 đến nay liên tục giảm, với mức giảm từ 50-60% so với hồi quý 1/2022, các doanh nghiệp sản xuất thép bị ảnh hưởng rất lớn, hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, hiệu quả thấp.

Trên thế giới, một số tập đoàn thép lớn có kế hoạch đóng cửa lò cao và tại Việt Nam, các nhà máy thép lớn cũng đã phải dừng hoạt động lò cao như Hòa Phát, Formosa, Tisco… hoặc giãn kế hoạch sản xuất như Thép Miền Nam, Maruichi Sunsco…

Sản xuất thép xây dựng trong tháng 11 tiếp tục sụt giảm so với các tháng trước và cùng kỳ 2021 do một số công ty thép cắt giảm sản xuất. Cụ thể, sản lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 11 đạt 682.000 tấn, giảm 5,28% so với tháng trước và giảm 37,2% so với tháng 11/2021.

Tiêu thụ thép giảm mạnh 22,73% và chỉ đạt hơn 874.000 tấn, ngang bằng với cùng thời điểm năm 2021; trong đó, xuất khẩu thép xây dựng đạt hơn 97.000 tấn, giảm hơn 52% so với tháng 11/2021.

Sự sụt giảm của thị trường tiêu thụ khi thị trường bất động sản chững lại, biến động tỷ giá ngoại tệ… khiến nhiều nhà máy trong tình trạng khó khăn do hàng tồn kho giá cao.

Các nhà máy có kết quả kinh doanh giảm sút do cạnh tranh về giá bán và thị phần, hiện nay đã tạm ngưng việc giảm giá bán. Các công ty thương mại, nhà phân phối hạn chế mua vào, giao dịch kém đi, chủ yếu nhắm đến việc thu hồi công nợ do thời điểm gần về cuối năm.

Ở trong nước, sức ép nhu cầu tiêu thụ yếu và chậm của thị trường nội địa đã khiến giá thép xây dựng tiếp tục điều chỉnh giảm. bên cạnh đó, diễn biến đi xuống của giá nguyên liệu đầu vào cũng là một trong những yếu tố để các nhà sản xuất điều chỉnh giá bán thép xây dựng.

Sự phục hồi của nhu cầu bị cản trở bởi áp lực từ diễn biến tăng lãi suất. Các ngân hàng siết chặt tín dụng, thị trường bất động sản khó khăn kéo dài, tâm lý thận trọng của khách hàng trước các dự báo về suy thoái kinh tế toàn cầu.

Đây được coi là nguyên nhân chính dẫn đến giá thép xây dựng đã liên tiếp điều chỉnh giảm thời gian qua, VSA nhận định.

Trước những khó khăn trên, theo báo cáo của Tập đoàn Hòa Phát, tập đoàn này trong tháng 11 chỉ sản xuất 384.000 tấn thép thô, giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái; tiêu thụ các sản phẩm thép đạt 443.000 tấn, giảm 30%; trong đó, thép xây dựng tăng 20% so với tháng 10 nhưng vẫn giảm 7% so với cùng kỳ 2021, còn thép cuộn cán nóng (HRC) giảm mạnh hơn, khoảng 12%.

Tính chung trong tháng 11/2022, sản xuất thép thành phẩm các loại đạt hơn 1,8 triệu tấn, giảm 10,78% so với tháng 10 và giảm gần 37% so với cùng kỳ năm 2021; tiêu thụ thép đạt hơn 1,9 triệu tấn, giảm 16,2% so với cùng kỳ.

Lũy kế 11 tháng qua, sản xuất thép thành phẩm đạt hơn 27 triệu tấn, giảm 11,3% so với cùng kỳ; tiêu thụ đạt hơn 25 triệu tấn, giảm 6,8%; trong đó xuất khẩu đạt hơn 5,7 triệu tấn, giảm 19,3% so với cùng kỳ.

Tính đến thời điểm hiện tại hầu hết các doanh nghiệp ngành thép đã công bố báo cáo tài chính quý 3. Doanh thu của 8 doanh nghiệp thép lớn nhất lần lượt đạt 59 tỷ đồng, giảm 19%; lợi nhuận sau thuế âm 3.3 tỷ đồng.

Trong đó, 5 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất là Hòa Phát (HPG), Hoa Sen (HSG), Nam Kim (NKG), Gang thép Thái Nguyên (TIS) và Thép SMC (SMC) đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm. Đặc biệt là Hòa Phát đã có quý thứ hai ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm sau gần 12 năm tăng trưởng dương.

Dự báo rằng ngành thép sẽ phục hồi nhẹ vào quý IV, khi bắt đầu vào mùa xây dựng. Tuy nhiên, xét về dài hạn, ngành thép trong nước vẫn gặp khó khăn. Bên cạnh đó, sự chững lại của lĩnh vực bất động sản trong bối cảnh kẹt thanh khoản cũng là yếu tố đáng ngại với ngành thép. 

Lan Anh
Theo KTDU

Từ khóa: