Myanmar đang trong giai đoạn chuyển mình quan trọng nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây khi nước này liên tục công bố các đợt cải cách mở cửa mạnh mẽ. Tiềm năng của đất nước này được đánh giá là khá lớn song bức tranh đầu tư vào Myanmar không chỉ toàn màu hồng.
Myanmar đang trong giai đoạn chuyển mình quan trọng nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây khi nước này liên tục công bố các đợt cải cách mở cửa mạnh mẽ. Tiềm năng của đất nước này được đánh giá là khá lớn song bức tranh đầu tư vào Myanmar không chỉ toàn màu hồng.
Những thay đổi chính trị quan trọng trong vòng hơn 1 năm trở lại đây đang đem lại cho Myamar những vận hội mới. Một loạt các quốc gia phương Tây, Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với nước này và lên tiếng ủng hộ những nỗ lực cải cách mà chính phủ của Tổng thống Thein Sein đang tiến hành.
Cùng với làn sóng cải cách đã bước sang giai đoạn thứ hai được ông Thein Sein tuyên bố từ ngày giữa tháng 6 vừa qua, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội để chiếm lĩnh thị trường được đánh giá là giàu tài nguyên trong khu vực Đông Nam Á. Dẫu vậy, để có thể gặt hái thành công tại Myanmar chắc chắn giới đầu tư sẽ phải đối mặt với khá nhiều khó khăn.
“Tỷ giá kép”: Rào cản lớn từ tiền tệ
Mặc dù chính quyền Myanmar chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường song cách làm việc cũng như quy trình quản lý khá phức tạp và còn tồn tại nhiều thói quen và phong cách của nền kinh tế tập trung, bao cấp. Lĩnh vực xuất nhập khẩu là một ví dụ, nước này quản lý hoạt động xuất nhập khẩu theo từng chuyến hàng. Để nhận được giấy phép xuất nhập khẩu, doanh nghiệp phải đợi khoảng 1 tháng sau khi đã ký kết hợp đồng.
Cách thức thanh toán cũng không hề đơn giản do hệ thống tài chính, ngân hàng nước này chưa được phát triển do bị cấm vận trong thời gian dài. Mặc dù Myanmar đang thay đổi chủ trương không cho phép mở ngân hàng nước ngoài song việc thanh toán hay chuyển khoản giữa các doanh nghiệp Myanmar và đối tác nước ngoài vẫn mất khá nhiều thời gian và làm tăng chi phí do phải qua một số khâu trung gian như ngân hàng của Singapore. Hệ thống ngân hàng của Myanmar vẫn ở tình trạng kém phát triển, gần như Myanmar chưa có một thị trường liên ngân hàng, giao dịch điện tử giữa các ngân hàng rất hiếm và người dân sử dụng chủ yếu vẫn là tiền mặt.
Song bất cập lớn nhất trong hệ thống tài chính là việc tồn tại chế độ 2 tỷ giá. Bên cạnh đồng nội tệ Kyats, chính phủ Myanmar còn cho phép người nước ngoài, các công ty 100% vốn nước ngoài được phép trao đổi, giao thương với các đối tác trong nước bằng đồng FEC, hay đồng đô la nội địa của Myanmar.
Tuy nhiên, giá cả của đồng FEC lên xuống rất thất thường gây bất lợi không nhỏ cho các doanh nghiệp nước ngoài. Chính do chính sách “tỷ giá kép” này mà chính phủ Myanmar khó có thể cân đối được thị trường ngoại tệ cho giao dịch ngoại thương. Trong khi đó, chênh lệch tỷ giá giữa thị trường chính thức và thị trường chợ đen rất lớn, nếu theo quy định của chính phủ 1USD đổi được khoảng 6 Kyats thì ở thị trường phi chính thức, tỷ giá này bị đẩy lên gấp hơn …100 lần, khoảng 800 Kyats mới ăn 1 USD. Điều này sẽ gây bất lợi rất lớn cho doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tại Myanmar. Chính phủ Myanmar thời gian gần đây đang có nhiều nỗ lực và thể hiện quyết tâm sẽ giải quyết sự bất hợp lý này.
Cơ sở hạ tầng yếu kém
Myanmar hiện có nhu cầu rất lớn đối với việc phát triển cơ sở hạ tầng. Đây có thể vừa là một điểm hạn chế rất lớn của thị trường song đồng thời cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư nếu biết nắm bắt kịp thời. Trong chuyến thăm lịch sử của một nguyên thủ quốc gia Myanmar tới Nhật Bản trong vòng 28 năm qua, ông Thein Sein đã nhận được cam kết Nhật Bản xóa khoản nợ 300 tỉ yen (3,7 tỉ USD) và tiếp tục nối lại các viện trợ đã bị ngưng lại cho quốc gia Đông Nam Á này. Đây là bước đi khôn ngoan của Nhật nhằm tiếp cận các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của Myanmar vốn đã khá lạc hậu, cũ kỹ.
Trong đó, hạ tầng cơ sở viễn thông là một vấn đề đáng quan ngại, kế hoạch tham vọng với cam kết bổ sung 30 triệu thuê bao di động trong vòng 5 năm của Bộ trưởng Truyền thông, Bưu chính có vẻ đang gặp khá nhiều trở ngại do thiếu hụt đầu tư công và cơ sở hạ tầng chưa phát triển đồng bộ.
Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực truyền thông tới nay vào Myanmar vẫn còn khá khiêm tốn và hiện mới chỉ có một vài công ty liên doanh với Trung Quốc, Thái Lan và doanh nghiệp nhà nước Myanmar hoạt động trong lĩnh vực này. Công ty Bưu chính và Viễn thông Myanmar hiện đang thống trị thị trường này lại thiếu công nghệ cần thiết để giải quyết xung đột giữa các công nghệ mạng di động GSM, CDMA và WCDMA và thiếu tiền đầu tư các trạm phát sóng di động, máy chủ Internet để theo kịp kế hoạch đề ra. Chính phủ Myanmar vẫn xem công nghệ thông tin, viễn thông là một lĩnh vực nhạy cảm và chưa thể bung ra để đón nhận đầu tư nước ngoài.
Đa số các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông đều có quan hệ mật thiết với chính quyền hoặc là những nhân vật thân cận của giới quân sự. Chẳng hạn, Redlink, công ty cung cấp dịch vụ Internet, do con trai của tướng Thura Shwe điều hành, hay Htoo Trading, một công ty quốc doanh nắm giữ độc quyền trên thị trường viễn thông thông qua các chi nhánh, công ty con như E-Lite hay Trung tâm thông tin công nghệ.
Bên cạnh đó, chính phủ dân sự hiện nay, mà thực chất lực lượng quân sự vẫn là nòng cốt, còn duy trì sự kiểm soát của nhà nước đối với nhiều lĩnh vực. Giống như nhiều nền kinh tế chuyển đổi trong giai đoạn dầu, chính phủ vẫn bao cấp giá đối với một số mặt hàng thiết yếu như điện, nước sinh hoạt, nhà ở cho công chức, vận tải công cộng…
Tình hình chính trị, xã hội thiếu ổn định tại Myanmar cũng là một vấn đề phải cân nhắc. Từ nhiều thập kỷ nay, các lực lượng chống đối người Karen liên tục có nhiều hoạt động vũ trang nhắm vào chính quyền trung ương, nhất là tại các khu vực như Shan, Kachin và Kayin.
Vào tháng 11/2011, chính phủ đã bắt đầu tiến trình đối thoại với từng nhóm vũ trang và tới đầu năm nay đã đạt được nhiều thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, đôi lúc đâu đó tại các bang Shan, Kachin vẫn xuất hiện những tiếng súng đe dọa nỗ lực hòa giải dân tộc của chính quyền Nay Pyi Taw.
Myanmar được đánh giá là quốc gia có tài nguyên dầu mỏ và khí đốt rất dồi dào, theo CIA World Factbook, Myanmar có thể có 283 triệu m3 khí tự nhiên phần lớn nằm ở ngoài khơi, còn theo nghiên cứu của Công ty dầu khí Myanmar, nước này có thể có lượng dầu mỏ dự trữ vào khoảng 206 triệu thùng. Đa số các mỏ dầu và hoạt động khai thác đều do công ty nhà nước khí đốt Myanmar (MOGE) quản lý và điều hành.
Song theo đánh giá của bà Aung San Suu Kyi MOGE thiếu sự minh bạch cần thiết và đó cũng là tình trạng chung của nền kinh tế Myanmar vốn đang trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường.
Theo Vietnamnet