Sự kiện hot
11 năm trước

Dây dưa nợ xấu

Theo số liệu cập nhật gần nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng tính đến tháng 5/2013 là 4,65%. Tuy nhiên, số liệu này được cho là thiếu chính xác vì các ngân hàng thương mại (NHTM) đang giấu nợ xấu.

Theo số liệu cập nhật gần nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng tính đến tháng 5/2013 là 4,65%. Tuy nhiên, số liệu này được cho là thiếu chính xác vì các ngân hàng thương mại (NHTM) đang giấu nợ xấu. Ngày 23/8/2013, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã ký Quyết định số 1085/QĐ-NHNN, ban hành kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng về xử lý nợ xấu. Điều này được xem là một dấu hiệu tích cực nhằm xử lý nợ xấu lâu nay.


Ảnh minh họa.

Ngân hàng giấu nợ xấu?

Mười NHTM là Á Châu (ACB), Nam Việt (NVB), Phương Nam (PNB), BIDV, Eximbank (EIB), Sacombank (STB), Vietcombank (VCB), Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Quân đội (MBB), Techcombank (TCB) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất. Theo báo cáo tài chính 6 tháng năm 2013 của 10 NHTM này, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) đã là 15.315 tỷ đồng, tăng 33% so với mức 11.525 tỷ đồng cuối năm 2012. Sacombank với mức tăng đến 67%, từ 897 tỷ đồng lên mức 1.500 tỷ đồng được xem là NHTM có tốc độ tăng cao nhất. Tiếp theo là ACB với mức tăng nợ có khả năng mất vốn là 55%. Ngân hàng Saigon - Hanoi (SHB) là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cuối tháng 6 cao nhất trong số các ngân hàng là 9%, riêng nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng này trong 6 tháng đầu năm tăng 54%, từ 2.067 tỷ đồng lên 3.186 tỷ đồng, cao nhất về số tuyệt đối trong số 10 ngân hàng. Tuy vậy, nhưng Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình vẫn cho rằng, số liệu nợ xấu bị các NHTM che giấu vô cùng nhiều.

Thực tế, việc các tổ chức tín dụng (TCTD) che giấu nợ xấu được thể hiện rất rõ qua những con số mà NHNN công bố và báo cáo tài chính của các ngân hàng. Tính đến 20/8, có 15 NHTM đã công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2013, hoặc công bố kết quả kinh doanh cơ bản. Tổng số nợ xấu của 15 thành viên, chiếm khoảng 75% tổng dư nợ của hệ thống, cho thấy tỷ lệ nợ xấu chỉ trên mức 3%. Trong khi con số nợ xấu của NHNN tháng 5/2013 là 4,65%, chưa kể qua con số của cơ quan Thanh tra giám sát NHNN còn cao hơn nhiều (dĩ nhiên theo chuẩn mực phân loại khác). Vẫn biết, còn khoảng một nửa số TCTD chưa có thông tin về nợ xấu hay báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm, nên chưa thể khẳng định mức độ sát thực của con số đã công bố. Nhưng có thể thấy, các NHTM vẫn đang che giấu nợ xấu của mình.

Nợ xấu, tại sao giấu?

Đã có nhiều chuyên gia vận động đối với các NHTM về sự minh bạch, không nên che giấu nợ xấu, mà phải xác định đúng số nợ thực sự, nhằm thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nợ có hiệu quả. Nếu thực trạng nợ xấu không phản ánh đúng, thì chắc chắn rằng giải pháp đưa ra sẽ không thể phù hợp. Do đó, nợ xấu ngày càng dây dưa, kéo dài theo năm tháng, làm cho NHTM khó có thể tái cấu trúc và ổn định để vượt qua giai đoạn khủng hoảng.

Nếu vậy, thì tại sao các NHTM lại cố tình che giấu nợ xấu? Các nhà quản lý cho rằng, hoạt động thanh tra giám sát đang có vấn đề, nên “con bệnh” lờn thuốc. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế nói thẳng thừng rằng, các NHTM chỉ nhắm tới mục tiêu ngắn hạn. Đó là họ chỉ nhắm đến con số lợi nhuận mà trích lập dự phòng rủi ro thấp đi. Qua việc NHNN vừa xử lý 6 NHTM yếu kém có thể thấy rõ điều này. Theo báo cáo, không NHTM nào có nợ xấu cao hơn 2,5%. Tuy nhiên, khi cơ quan Thanh tra NHNN tìm hiểu kỹ, thì nợ xấu lên tới 30%, thậm chí có NHTM lên tới 60%.

Mặt khác, các NHTM vì áp lực với cổ đông, sợ mất vốn, mất thương hiệu, cổ phiếu mất giá trên thị trường chứng khoán nên không muốn công khai con số thực. Cứ như vậy, nợ xấu bị che đậy và treo lại sau nhiều năm, cuối cùng có thể đi vào vết xe đổ của Philippines tại cuộc khủng hoảng tài chính 1997. Có một thực tế là khi con số nợ xấu không chính xác, sẽ dẫn tới tâm lý chủ quan, ảo tưởng về sự tự thân hồi phục của thị trường, tài sản bảo đảm phục hồi, doanh nghiệp có thể trả được nợ. Tuy nhiên, sự kỳ vọng này của các NHTM rất khó có thể xảy ra trong điều kiện bùng nhùng trong bóng tối.

Rất cần minh bạch

Nhiều chuyên gia khuyên rằng, cơ chế thị trường là nền tảng quan  trọng trong việc giải quyết nợ xấu. Nếu các khoản nợ chỉ chuyển từ tay người này sang tay người khác, thì vấn đề xem như dậm chân tại chỗ. Có khi sự việc còn là nguy cơ dẫn tới một cuộc khủng hoảng khác mệt mỏi hơn. 

Làm thế nào giám sát hiệu quả hoạt động và đưa ra được con số nợ xấu thực của hệ thống NHTM, là bài toán khó của cơ quan Thanh tra giám sát NHNN.

Nhằm tăng hiệu quả thu hồi vốn từ các khoản nợ xấu và nâng cao vai trò của Công ty quản lý tài sản (VAMC), các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần xây dựng cơ chế đấu giá các khoản nợ theo hướng thị trường. Cụ thể là, xử lý nợ xấu không chỉ bằng sổ sách, mà phải kèm theo các khung cải cách được xây dựng nhanh chóng. Nghĩa là, Chính phủ cần tạo lập ra các nền móng về định chế, luật pháp, giúp các ngân hàng có thể bán nợ xấu với giá trị cao nhất. Trong đó, có cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài, các nguồn vốn nước ngoài tham gia.

Dựa vào những thành công về xử lý nợ xấu của các nước trong khu vực và trên thế giới, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam không cần phải sáng tạo thêm trong việc lựa chọn phương thức dọn dẹp nợ xấu. VAMC chỉ cần nhìn vào những bài học, kinh nghiệm mà các nước trên thế giới đã làm để lựa chọn điều phù hợp tốt nhất. Muốn vậy, sự minh bạch từ chính sách và số nợ của các NHTM giữ vai trò rất quan trọng trên con đường đi đến thành công.

Duy Khanh
theo Thanh tra

Từ khóa: