Kể từ khi nhận ra mình đã bỏ lỡ cuộc cách mạng smartphone, Nokia quyết định đẩy mạnh phát triển công nghệ viễn thông của mình để sẵn sàng cho làn sóng 5G.
Khởi đầu từ hơn 150 năm về trước với sản phẩm đầu tiên là bột giấy, Nokia dần dần trở thành một tượng đài to lớn của ngành công nghiệp Phần Lan. Tuy những chiếc điện thoại “nồi đồng cối đá” của Nokia đã qua thời hoàng kim và trở nên lu mờ so với các flagship cao cấp khác, công ty này vẫn đang âm thầm hoạt động, xây dựng các mạng lưới viễn thông giúp cho smartphone và thiết bị điện tử trên toàn thế giới hoạt động.
Khi hoài niệm về những chiếc điện thoại trong quá khứ, Nokia sẽ là cái tên đầu tiên xuất hiện. Trong suốt 14 năm đỉnh cao, ông lớn này thống trị thị trường điện thoại với vai trò nhà sản xuất lớn nhất trên thế giới, đồng thời là đầu tàu kéo nền kinh tế Phần Lan đi lên. Tuy nhiên, đế chế vĩ đại sụp đổ chỉ trong chốc lát. Trong năm 2012, Nokia thua lỗ lên tới 4 tỉ USD và chỉ 1 năm sau đó, mảng điện thoại cùng với 32 nghìn nhân viên đã được bán lại cho Microsoft.
“Việc Nokia không sở hữu đủ nguồn lực để đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu cần thiết dành cho smartphone và các thiết bị thông minh khác là khá rõ ràng.” - Risto Siilasmaa, chủ tịch của Nokia phát biểu sau khi thương vụ mua bán với Microsoft được công bố.
Mặc cho việc thu mình lại, Nokia vẫn tiếp tục là một công ty lớn khi doanh thu của họ vào năm ngoái đạt 26,1 tỉ USD nhưng đã khác xa so với trang sử vàng đầy dấu ấn của những chiếc điện thoại đơn giản, bền bỉ. Về mặt cơ bản, Nokia không còn sản xuất và bán những mặt hàng dành cho người tiêu dùng. Thay vào đó, logo quen thuộc màu xanh giờ đây phần lớn chỉ xuất hiện ở trên các vi xử lý network, router và các linh kiện thuộc mạng lưới cơ sở hạ tầng của nền tảng internet.
Một trạm gốc mang thương hiệu Nokia.
Những vấn đề Nokia gặp phải để có thể đáp ứng nhu cầu dữ liệu ngày càng tăng cao của thế giới phức tạp hơn bề ngoài. Cùng với Ericsson (thêm một cái tên đã gần như đi vào dĩ vãng đến từ Thụy Điển) , Huawei Technologies Co. và nhiều công ty khác, Nokia đã thay thế những cột sóng đồ sộ bằng các phần mềm được lập trình tỉ mỉ, có khả năng chuyền dữ liệu thẳng đến thiết bị của người dùng ở khoảng cách xuyên lục địa.
Khoảng thời gian hai năm tới sẽ chứa đầy thử thách dành cho Nokia, chủ yếu đến từ việc hệ thống mạng 5G được triển khai rộng rãi, cho phép các nhà mạng tăng tốc độ truyền tải và nâng cao độ phức tạp của dữ liệu.
Theo Nokia và các đối thủ, các công ty đứng đằng sau các mạng lưới internet, những thay đổi trên sẽ giúp phát triển hàng loạt các công nghệ mới dựa trên nền tảng dữ liệu: xe tự lái, y học từ xa, tự động hóa hoàn toàn nhiều công đoạn sản xuất cùng nhiều tác vụ hiện đang được nghiên cứu. Đây cũng chính là canh bạc lớn nhất của Nokia kể từ khi công ty này ngừng sản xuất smartphone. Nếu thất bại, Nokia sẽ phải một lần nữa cải tổ quyết liệt để có thể sống sót.
Nokia có tuổi đời cao hơn cả Phần Lan. Công ty được thành lập vào năm 1865 tại Tampere, một thành phố nằm ở phía Tây Nam của một hạt thuộc Nga lúc đó. Tuy giành được độc lập vào năm 1917, nền kinh tế Phần Lan sau đó vẫn chịu sự ảnh hưởng rất lớn từ Nga do phải bồi thường 300 triệu USD (năm 1938) tiền chiến phí. Cùng với số lượng xe tải và đầu tàu phía Nga đòi hỏi, điều này đã biến Phần Lan trở thành một đất nước công nghiệp.
Không có ai tận dụng điều này tốt hơn Nokia. Công ty này bắt đầu tham gia sản xuất điện, dây cáp, lốp xe và ủng từ đầu thế kỉ 20. Cho đến hết nửa sau, Nokia đã trở thành một tập đoàn với rất nhiều chuyên môn sản xuất, từ TV cho đến mặt nạ dưỡng khí. Vào đầu những năm 1960, Nokia chuyển hướng sang các sản phẩm như radio dành cho quân đội và bước chân vào ngành viễn thông trong năm 1982 với các thiết bị chuyển mạch cơ bản. Cho đến phần cuối của những năm 1980, Nokia đặt sự tập trung của mình vào điện thoại.
Những mẫu điện thoại đã làm nên tên tuổi của Nokia.
Thành công của Nokia xuất phát từ Nordic Mobile Telephone, một hệ thống được hoạt động bởi các cơ quan nhà nước, chịu trách nhiệm cho việc giám sát và chuyển giao kết nối giữa các nước Bắc Âu để lập ra một nền tảng thống nhất. Đây là một hệ thống analog, không phải digital nhưng vẫn có thể xác định vị trí của thiết bị để phân bố việc tiếp nhận giữa các trạm sóng.
Nokia chiếm ngôi vua của Motorola trong năm 1999 bằng cách chuyển qua một hệ thống digital có tốc độ cao hơn và bảo mật hơn trong khi đối thủ đến từ Mĩ vẫn phụ thuộc vào hệ thống analog.
“Nokia nổi tiếng với các quyết định đầy rủi ro trong hàng thập kỉ. Khi họ tập trung đầu tư vào các thiết bị điện thoại, nhiều người cho rằng họ bị điên vì vốn dĩ họ chỉ là một nhà sản xuất cáp. Và khi họ chuyển từ hệ thống analog sang digital vào giữa những năm 90, cả thế giới cho rằng như vậy là quá nóng vội.” - Tero Kuittien, nhà đồng sáng lập và chiến lược gia của công ty phát triển phần mềm điện thoại mang tên Kuuhubb chia sẻ.
Thật khó để đánh giá thấp giá trị của Nokia đối với nền kinh tế Phần Lan. Sự phát triển của Nokia giúp Phần Lan thoát khỏi một cuộc suy thoái trầm trọng, xuất phát từ việc Liên bang Xô Viết sụp đổ, đồng nghĩa với việc Phần Lan mất đi đối tác xuất nhập khẩu lớn nhất. Vào năm 2000, Nokia đóng góp ⅓ GDP tăng trưởng và nguồn thuế đến từ họ cùng với các nhà sản xuất trong nước giúp phát triển quỹ trợ cấp dồi dào và hệ thống giáo dục tiên tiến của Phần Lan.
Ngoài ra, số tiền Nokia dành cho quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm cũng chiếm đến ⅓ tổng số tiền Phần Lan bỏ ra, một điều đáng kinh ngạc khi xét đến việc tại thời điểm đó, Phần Lan sử dụng GDP của mình dành cho R&D nhiều hơn bất kì nước nào trên thế giới.
Trụ sở của Nokia tại Espoo, Phần Lan.
Trái ngược với việc nhanh chóng nhận ra lợi ích của hệ thống digital, Nokia quá chậm và bỏ lỡ những gì smartphone có thể làm được. Do giá thành quá cao của các màn hình cảm ứng như iPhone, Nokia quyết định sử dụng những màn hình rẻ hơn, thậm chỉ không sử dụng.
Ngay cả người Phần Lan cũng phải chê bai các smartphone của Nokia vì luôn phải ấn đi ấn lại do màn hình cảm ứng kém nhạy. Hệ điều hành phức tạp của chúng cũng kém tinh tế hơn so với những gì iPhone đem lại và thất bại hoàn toàn khi các ứng dụng iOS ra đời. Apple cùng Samsung và LG dần bỏ xa Nokia lại phía sau trong cuộc đua smartphone.
Vấn đề của Nokia nhanh chóng trở thành vấn đề của Phần Lan. Nền kinh tế vốn đang vật lộn với giá nhân công cao và các khoản chi khổng lồ nay tiếp tục chịu một đòn đánh mạnh khi sự phát triển của Nokia có dấu hiệu chững lại. Là một thành viên của khu vực đồng Euro, Phần Lan không thể hạ thấp giá trị đồng tiền để kích cấu tiêu dùng. Do đó, cả đất nước rơi vào một kì khủng khoảng kéo dài.
Siilasmaa được bổ nhiệm chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị vào năm 2012, thời điểm mà Nokia đang nằm ở một ví trí rất khó khăn khi doanh thu của quý hai giảm 26% so với năm trước đó, xuống còn 4,5 tỉ USD. Siilasmaa đã giúp Nokia thực hiện thương vụ mua bán mảng điện thoại với Microsoft và tạm thời đảm nhiệm vai trò CEO sau khi Stephen Elop quay lại với Microsoft.
Thương vụ trên đã gây chấn động lớn đối với người dân Phần Lan và cũng là cách tốt nhất để cứu vãn tình hình của Nokia. Sau khi được “giải thoát” khỏi các smartphone, Nokia tập trung vào công việc bán thiết bị cho các nhà mạng, một nhánh nhỏ hoạt động dưới sự giám sát của Siemens AG, một hãng điện khí của Đức và Rajeev Suri, người nắm giữ cương vị CEO của Nokia sau khi thương vụ mua bán hoàn tất.
Từ việc thua lỗ, Suri đã giúp Nokia thu về lợi nhuận bằng cách tập trung vào các thị trường giàu có như Mĩ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Giữa năm 2013, Nokia mua toàn bộ cổ phần của Siemens AG và mua lại hoàn toàn Alcatel-Lucent SA, một đối thủ đến từ Pháp vào năm ngoái.
Nokia mua lại Alcatel-Lucent vào giữa năm 2013.
Nokia không còn trực tiếp sản xuất điện thoại nhưng các smartphone mang thương hiệu đến từ Phần Lan vẫn tiếp tục được ra đời nhờ bản hợp đồng giữa HMD Global và Foxconn Technology Group sau khi Microsoft buộc phải bán lại thương hiệu Nokia do làm ăn thua lỗ.
Những sản phẩm đầu tiên thuộc phân khúc giá rẻ đã bắt đầu được mở bán vào đầu năm nay và chạy trên hệ điều hành Android chứ không phải Windows Mobile. Về phía Nokia, tài sản đáng giá nhất mà họ giữ lại chính là các bằng sáng chế công nghệ, thứ đã dẫn tới cuộc chiến pháp lí giữa Nokia và Apple hồi tháng 5 vừa qua.
Doanh thu của Nokia chủ yếu đến từ việc bán cho các nhà mạng như Verizon, AT&T, T-Mobile, Korea Telecom và Deutsche Telekom mọi thứ, từ máy phát radio, thiết bị chuyển mạch, ăng ten cho đến phần mềm dành cho các thiết bị này Ngoài việc lắp đặt và thử nghiệm, Nokia sẽ vận hành luôn các thiết bị này nếu nhà mạng có nhu cầu và sau khi mua lại Alcatel-Lucent, họ thậm chí còn có thể cung cấp hệ thống dây cáp dành cho mỗi hộ gia đình.
Các nhà mạng sẽ luôn luôn phải thay thế và nâng cấp thiết bị, cơ sở hạ tầng của mình. Yếu tố ảnh hưởng đến Nokia nhiều nhất, và cũng ảnh hưởng đến cả hệ thống viễn thông, chính là thời điểm toàn bộ các nhà mạng quyết định sử dụng chuẩn kết nối mới nhất cho việc truyền tải dữ liệu.
Mỗi nền tảng, nói theo cách ngắn gọn, là một tập hợp các yêu cầu được thông qua tại các dự thảo quốc tế nhằm đồng bộ hóa kết nỗi giữa các thiết bị. Những yêu cầu dành cho 5G được dự đoán sẽ hoàn tất vào cuối năm 2017 và mang lại cải tiến rõ rệt về tốc độ download, tính ổn định, số lượng thiết bị có thể kết nối trong một khu vực và giảm thiểu độ trễ.
Các lợi ích mà mạng 5G mang lại.
Như đã đề cập, lời giải dành cho bài toán của Nokia tuy khả thi nhưng rất phức tạp. Vấn đề lớn nhất hiện nay chính là khoảng cách từ cột sóng cho đến các thiết bị. Nokia cùng với đối thủ của họ mong muốn sử dụng lớp sóng nằm giữa khoảng sóng điện từ và sóng hồng ngoại trên dải quang phổ radio để truyền tải dữ liệu, một loại sóng có tần số cao hơn rất nhiều so với những gì smartphone đang sử dụng.
Tuy nhiên, sóng có tần số càng cao thì bước sóng càng ngắn. Do vậy, mọi thứ nằm giữa cột sóng và người dùng đều có thể khiến kết nối trở nên bất ổn định, tồi tệ hơn là hoàn toàn không thể kết nối. Để khắc phục điều này, các nhà mạng sẽ phải bố trí mạng lưới ăng ten dày đặc xung quanh khu vực phủ sóng để giảm thiểu vật cản một cách tối đa.
Trong khi đó, Nokia sẽ phải làm cho các ăng ten của họ hoạt động thông minh hơn, hiệu quả hơn vì hiệu năng của hệ thống mà Nokia cung cấp phụ thuộc rất nhiều vào cách phân bố đường truyền sóng và dữ liệu. Một trong những công nghệ mà Nokia đang sử dụng chính là MIMO (Multiple Input, Multiple Output).
Công nghệ này sẽ điều khiển một dải ăng ten để tập trung truyền dữ liệu, đảm bảo kết nối không bị gián đoạn và tăng tốc độ truyền tải. Một công nghệ nữa mà Nokia sử dụng có thể tùy chỉnh các đợt sóng và thay vì phát theo mọi hướng, dữ liệu sẽ được tập trung thẳng tới thiết bị.
Dải ăng ten sử dụng công nghệ MIMO của Nokia.
Thật khó để đoán liệu người dùng có nhận ra được các lợi ích của 5G mà Nokia hiện đang hứa hẹn hay không. Tại hội nghị MWC 2017 được tổ chức hồi tháng 2 năm nay, giới chuyên môn tỏ ra khá nghi ngờ về tính khả dụng của 5G khi sự chuyển đổi sẽ tốn đến hàng triệu USD. Các nhà mạng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuyết phục người dùng bỏ thêm tiền, nhất là khi mạng 4G nay có độ trễ rất thấp.
Tiền năng thực sự của 5G, theo Suri cho biết, nằm ở những ứng dụng đặc biệt hơn. Với độ trễ 1 phần nghìn giây, xe ô tô tự lái sẽ có thời gian phản ứng nhanh hơn. Robot sẽ không còn phụ thuộc vào kết nối vật lý, cho phép sử dụng ở trong nhiều tình huống thay vì chỉ trong nhà máy. Các hộ gia đình cũng có thể chuyển sang sử dụng kết nối không dây, tạo thêm nhiều cơ hội trong thị trường vốn được các tập đoàn viễn thông thống trị. Ngoài ra, các robot phẫu thuật từ xa cũng là một điểm nhấn đáng nói.
Trải nghiệm hệ thống VR có độ trễ rất thấp được sản xuất bởi Nokia.
Tuy vậy, các nhà phân tích cho rằng ngoài việc vẫn chỉ là theo phỏng đoán, các ứng dụng trên không hoàn toàn cần mạng lưới 5G và những công nghệ viễn thông mà Nokia đặt niềm tin vào. Tất cả đều có thể hoạt động dựa trên mạng lưới không dây sẵn có.
Sự hoài nghi tương tự cũng được đặt ra dành cho tất cả các tiêu chuẩn kết nối trước đây. Nokia tin rằng nhu cầu sử dụng dữ liệu ở tốc độ cao hơn, ổn định hơn sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Vận mệnh của Nokia sẽ được định đoạt bởi điều này.
Ngay cả khi đã mua lại Alcatel-Lucent, doanh thu tới từ việc bán các thiết bị viễn thông của Nokia vẫn thua kém so với Huawei và con số này đang dần chững lại vì các nhà mạng bắt đầu ngừng đầu tư thiết bị để chuẩn bị cho mạng 5G. Nếu không thể vượt qua được thử thách này, rất có thể Nokia sẽ chỉ còn là cái bóng của ông vua thời hoàng kim và vĩnh viễn đi vào dĩ vãng.
Nam Le
Theo Trí Thức Trẻ/Genk