Ngày 27/11, Lễ khai mạc Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Hóa chất lần thứ 20 tại Việt Nam - Vinachem Expo 2024 đã diễn ra tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7, TP.HCM.
Triển lãm trưng bày máy móc thiết bị, công nghệ, sản phẩm tập trung vào 07 nhóm chuyên đề gồm: Công nghiệp hóa chất - Hóa chất nông nghiệp & bảo vệ thực vật (VINACHEM EXPO - CAC VIETNAM); Trang thiết bị hóa chất (VIETCHEMTECH); Công nghiệp sơn & vật liệu phủ (VINA COATINGS); Chất kết dính & băng keo (ADHESIVES & TAPE EXPO); Cao su & săm lốp (RUBBER TECH); Công nghệ - sản phẩm ngành nhựa (PLASTICS EXPO); Công nghệ sinh học (BIOTECH).
Đây được doanh nghiệp, giới chuyên môn đánh giá là sự kiện quốc tế chuyên ngành lớn nhất tại Việt Nam, quy tụ hơn 700 gian hàng của 500 đơn vị trong nước và quốc tế đến từ hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Australia, Đài Loan, Thái Lan,…
Ông Hoàng Quốc Lâm, Phó Cục Trưởng Cục Hóa Chất, Bộ Công Thương phát biểu tại Lễ Khai mạc triển lãm
Hiện nay, ngành hóa chất Việt Nam đang trong quá trình phát triển. Tổng thể ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam được chia thành 10 phân ngành chính, bao gồm: hóa dầu; hóa chất cơ bản (bao gồm cả hoá chất tiêu dùng hóa chất tinh khiết…); phân bón; hóa dược; sản phẩm cao su, sơn - mực in, khí công nghiệp; nguồn điện hóa học (pin, ắc quy); hóa chất bảo vệ thực vật; sản phẩm chất tẩy rửa và một số hóa chất khác.
Phát biểu tại Lễ Khai mạc Triển lãm, Phó Cục Trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công thương Ông Hoàng Quốc Lâm cho biết: Ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đã có bề dày lịch sử hình thành và phát triển gần 70 năm, ngành công nghiệp hóa chất là ngành kinh tế có tính chất nền tảng, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói riêng.
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm
Để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hóa chất, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 726/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.
Chiến lược đưa ra mục tiêu, đến năm 2030, xây dựng ngành công nghiệp hóa chất có cơ cấu tương đối hoàn chỉnh, bao gồm sản xuất tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng, phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp khác; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu; chú trọng ưu tiên phát triển một số phân ngành trọng điểm như hóa chất cơ bản, hóa dầu, cao su kỹ thuật, hóa dược, phân bón...
Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Hóa chất lần thứ 20 - VINACHEM EXPO 2024 và các chuyên đề Triển lãm tổ chức đồng thời là một hoạt động cần thiết góp phần vào đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để từng bước phát triển thị trường xuất khẩu các sản phẩm hóa chất.
Triển lãm sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các nhà quản lý, nhà sản xuất, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp trong nước và quốc tế gặp gỡ, tăng cường học hỏi trao đổi kinh nghiệm chuyên sâu, giúp nhà đầu tư trong nước và quốc tế nắm bắt được chủ trương, chính sách, nhu cầu, thông tin về tình hình đầu tư tại Việt Nam, tối đa hóa hiệu quả hợp tác và các cơ hội kinh doanh; Ông Hoàng Quốc Lâm tin tưởng.
Hình ảnh Lãnh đạo ban ngành tham quan khu gian hàng Vinachem
Chú trọng đầu tư phát triển để tận dụng các cơ hội mới, nhất là trong xu thế chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững đang trở thành xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Ông Nguyễn Tuấn Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam: Xuyên suốt quá trình hoạt động, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và các đơn vị thành viên luôn hướng tới mục tiêu phát triển phát triển bền vững, thân thiện với mới trường, đóng góp tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và sự phát triển của ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam nói riêng.
Trong thời gian vừa qua, nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, chú trọng sản xuất xanh và tăng trưởng xanh đã được Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và các đơn vị thành viên chủ động triển khai, tiêu biểu như: Đẩy mạnh triển khai Chương trình Quốc gia về tiết kiệm năng lượng; thúc đẩy nghiên cứu, thực hiện các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính (CO2), các giải pháp tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, tài nguyên và xử lý, tái chế chất thải; Xây dựng chính sách môi trường nội bộ thông qua khuyến khích, sáng kiến cải tiến, ưu tiên nghiên cứu khoa học, đầu tư, phát triển công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường; Ưu tiên chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất… theo ông Dũng.
Hình ảnh hoạt động Hội thảo, giao thương tại triển lãm
Trong thời gian triển lãm ngoài hoạt động Lễ ký kết ghi nhớ Hợp tác MOU giữa các Hiệp hội ngành hàng và đối tác quốc tế; Nhằm tăng cường hiệu quả, Ban tổ chức phối hợp cùng; Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV); Hiệp hội Sơn mực in Việt Nam (VPIA); Hội Doanh nghiệp Sản xuất và Kinh doanh Thuốc bảo vệ Thực vật Việt Nam (VIPA); Hiệp hội Trang trại & Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam; Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA); Hiệp hội Nhựa TP. Hồ Chí Minh (VSPA); Hội Cao su Nhựa TP. Hồ Chí Minh (RUPA); Hội Da Giày TP. Hồ Chí Minh (SLA); Viện Hóa học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; các Hiệp hội ngành hàng, chuyên gia trong nước và quốc tế… tổ chức các buổi Hội thảo - Tọa đàm với các nhóm chủ đề về Ngành Phân bón - Thuốc bảo vệ Thực vật; Ngành Keo và Chất kết dính; Ngành cao su; Ngành Sơn phủ - Mực in; Ngành Nhựa; Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm..
Đồng thời, Ban tổ chức còn tổ chức chương trình tọa đàm, tư vấn, trao đổi hỏi đáp, kết nối giao thương B2B, giới thiệu công nghệ, sản phẩm mới giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, Hiệp hội ngành hàng với các doanh nghiệp; tổ chức tham quan, khảo sát chuyên sâu một số nhà máy sản xất và các khu công nghiệp khu chế xuất lớn tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Ninh... nhằm tìm hiểu về chính sách xúc tiến đầu tư của tỉnh, tăng cường trao đổi học hỏi kinh nghiệm, hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp quốc tế với các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Triển lãm và các hoạt động tổ chức trong thời gian diễn ra triển lãm sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các nhà quản lý, nhà sản xuất, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp trong nước và quốc tế gặp gỡ, tăng cường học hỏi trao đổi kinh nghiệm chuyên sâu, giúp nhà đầu tư trong nước và quốc tế nắm bắt được chủ trương, chính sách, nhu cầu, thông tin về tình hình đầu tư tại Việt Nam, tối đa hóa hiệu quả hợp tác và các cơ hội kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Ngân, Tổng Giám đốc VIETFAIR, trưởng ban tổ chức Triển lãm tin tưởng sau các kỳ tổ chức thành công, triển lãm thực hiện tốt vai trò kết nối giao thương, tăng cường công tác tiếp thị, giúp nhà đầu tư quốc tế nắm bắt được nhu cầu và những thông tin về tình hình đầu tư tại Việt Nam, tiếp cận với các bạn hàng trực tiếp, giảm dần các khâu trung gian, tối đa hóa hiệu quả của các cơ hội kinh doanh; góp phần hướng đến mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp Hóa chất với vai trò là một trong những ngành công nghiệp nền tảng, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo hơn nữa nhu cầu của thị trường và thực hiện theo chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước giai đoạn mới.
PV/Theo KTDU