Sự kiện hot
10 tháng trước

Đẩy mạnh tiêu thụ và sản xuất thông qua việc giảm thuế giá trị gia tăng

Trong tình hình kinh tế vẫn đang gặp nhiều khó khăn và thách thức, việc đưa ra các giải pháp hỗ trợ để giúp doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế tiếp tục duy trì đà phục hồi là vô cùng cần thiết.

Trong kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua việc giảm thuế VAT 2% cho các nhóm hàng và dịch vụ đã áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng 10% (còn 8%), từ ngày 1/7/2023 đến 31/12/2023. Tuy nhiên, việc giảm thuế không áp dụng cho một số nhóm hàng hóa và dịch vụ, chẳng hạn như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Việc giảm thuế dự kiến sẽ giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 24.000 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm. Việc giảm thuế VAT sẽ giúp giảm chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm, giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh, cũng như kích thích người dân chi tiêu.

Đẩy mạnh tiêu thụ và sản xuất thông qua việc giảm thuế giá trị gia tăng - Ảnh 1

Doanh nghiệp đã có những giải pháp linh hoạt để thích ứng với tình hình mới, bao gồm tập trung nghiên cứu và quảng bá sản phẩm theo phân khúc khách hàng cao cấp, đẩy mạnh bán hàng online và đưa ra nhiều chương trình giảm giá để chia sẻ khó khăn với khách hàng.

Chính sách giảm VAT được cho là chính sách phát huy hiệu quả cao nhất, vì doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp mà không cần đợi phê duyệt hồ sơ hay thủ tục phức tạp. Cộng đồng doanh nghiệp và hộ kinh doanh đã quen với thủ tục áp dụng giảm thuế VAT trên hóa đơn điện tử và có thể áp dụng ngay lập tức, tuy nhiên để chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả cao nhất, cần khắc phục triệt để các rào cản hành chính để các chính sách được triển khai với thủ tục đơn giản, nhanh gọn và hiệu quả.

Bảo An 

Theo Kinh tế và đồ uống

Từ khóa: