Sự kiện hot
12 năm trước

ĐB sông Cửu Long thu hút gần 13 triệu lượt du khách

Theo Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, trong tháng 7/2012, Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hút 1,8 triệu lượt khách du lịch, nâng tổng lượng khách từ đầu năm đến nay đạt 12,8 triệu lượt, tăng 6% so cùng kỳ năm 2011.

Theo Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, trong tháng 7/2012, Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hút 1,8 triệu lượt khách du lịch, nâng tổng lượng khách từ đầu năm đến nay đạt 12,8 triệu lượt, tăng 6% so cùng kỳ năm 2011.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Doanh thu toàn ngành đạt trên 2.600 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.

Để đạt được kết quả trên, ngành du lịch các tỉnh đã thực hiện tốt chương trình hợp tác giai đoạn 2010-2015, trong đó đặc biệt chú trọng nâng chất các dịch vụ du lịch. Theo đó, các tỉnh liên kết xây dựng mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch.

Mỗi tỉnh, thành tập trung vào một mảng với những sản phẩm đặc trưng, không trùng lắp nhằm tạo sự hấp dẫn nhiều hơn đối với du khách. Các tỉnh thành phối hợp đào tạo nhân lực, hình thành trung tâm xúc tiến du lịch quảng bá du lịch cho vùng, lập trang web nối mạng internet mở rộng thông tin liên quan đến du lịch, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ.

Cụ thể, tỉnh Cần Thơ và An Giang liên kết phát triển loại hình du lịch chủ lực là sông nước, thương mại, lễ hội; Kiên Giang phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển; Cà Mau phát triển loại hình tham quan điểm cực Nam của Tổ quốc, du lịch sinh thái tại các khu rừng ngập mặn đồng thời liên kết với tỉnh Sóc Trăng phát triển du lịch văn hóa, lễ hội của đồng bào Khmer.

Song song với đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng chất lượng cao tại các khu du lịch ở Cần Thơ, Châu Đốc, Rạch Giá, Phú Quốc, các tỉnh, thành phố phát triển các sản phẩm đặc thù, có chất lượng cao của từng địa phương như sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trái cây, khô, mắm, bánh, kẹo, đường thốt nốt, cá đồng, cá biển…

Ngoài ra, ngành du lịch các tỉnh, thành phố còn phối hợp tốt với hiệp hội du lịch các địa phương và Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đào tạo thêm nhân viên phục vụ, hướng dẫn viên du lịch lành nghề; khôi phục, mở rộng các lễ hội truyền thống của các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, Chăm; thực hiện tốt hơn việc quảng bá xúc tiến du lịch, từng bước xây dựng hình ảnh du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đồng bộ, hấp dẫn; đồng thời mở thêm một số khu du lịch tổng hợp, cơ sở giải trí, nghỉ dưỡng chất lượng cao và các dịch vụ bổ sung đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Với những lợi thế đó, du lịch Đồng bằng sông Cửu Long phấn đấu tạo sức thu hút mạnh hơn và giữ chân du khách lâu hơn nữa, nhất là loại hình khách lữ hành./.

Theo TTXVN

Từ khóa: