Bộ NN&PTNT đang dự thảo đề án hiện đại hóa đội tàu và tổ chức khai thác thuỷ sản viễn dương với tổng dự toán đến năm 2030 hơn 26.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc đưa tàu cá đi đánh bắt “xứ người”, cần khảo sát nhu cầu của ngư dân, doanh nghiệp, tính toán, đánh giá chặt chẽ nguồn lợi, thị trường… đồng thời, không thể dựa hết vào ngân sách.
Các chuyên gia cho rằng, việc phát triển đội tàu viễn dương cần tính toán, có lộ trình và phù hợp nguyện vọng, khả năng của ngư dân, doanh nghiệp. Ảnh: Bình Phương.
Nhiều ưu đãi cho đội tàu viễn dương
Theo dự thảo đề án, từ nay đến năm 2020, sẽ tổ chức hợp tác khai thác để đưa 150-200 tàu cá và 1.500 đến 2.000 ngư dân sang đánh bắt tại vùng biển của Brunei, Papua New Guinea. Giai đoạn 2020- 2030, ngoài duy trì lượng tàu và thuyền viên ở hai vùng biển trên, sẽ tổ chức đưa thêm 200-250 tàu cá và 2.500 đến 3.000 ngư dân đánh bắt ở vùng biển khu vực Đông Nam Á; Papua New Guinea, Palau, Micronesia và các nước khác trong vùng biển do Ủy ban nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương quản lý (WCPFC). Còn sau năm 2030, ngoài duy trì lượng tàu khai thác trên vùng biển trước đó, sẽ tổ chức đưa 100-150 tàu cá và 1.500 đến 2.000 ngư dân khai thác hải sản ở vùng biển do Ủy ban cá ngừ ở khu vực Ấn Độ Dương quản lý (IOTC) và các vùng biển quốc tế khác.
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), đơn vị chủ trì dự thảo đề án, từ nay đến năm 2020, sẽ triển khai đưa tàu của 9 tỉnh là: Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau và Kiên Giang đánh bắt tại vùng biển Brunei và Papua New Guinea. Sau đó, đến năm 2030, sẽ đưa tàu cá ở các tỉnh khác đi khai thác ở vực Đông Nam Á, Papua New Guinea, Palau, Micronesia và vùng biển do WCPFC quản lý...
Để hiện thực mục tiêu trên, Đề án tập trung cho 3 dự án lớn. Theo đó, dự án thiết lập hệ thống thông tin, giám sát và chỉ dẫn cho đội tàu khai thác hải sản ở ngoài vùng biển Việt Nam và vùng biển quốc tế sẽ triển khai trong năm 2017-2018, với kinh phí 100 tỷ đồng. Từ nay đến năm 2020, sẽ thực hiện dự án nâng cấp, cải hoán, hiện đại hóa 150-200 khai thác hải sản xa bờ hiện tại của các tỉnh tham gia, với kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2020-2025, dự án lớn nhất là đóng mới khoảng 100 đến 150 tàu khai thác hải sản/dịch vụ hậu cần hiện đại, đủ điều kiện hoạt động an toàn nhiều ngày trên biển…với nguồn vốn khoảng 20.000 tỷ đồng.
Theo dự thảo đề án, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác khi tham gia đề án trên sẽ được hỗ trợ rất lớn. Nếu đơn vị nào nâng công suất máy từ dưới 400 CV thành tàu có tổng công suất máy chính từ 600 CV trở lên; đóng tàu vỏ thép hoặc vật liệu mới công suất 1.000 CV trở lên sẽ được vay 95% trị giá con tàu (dùng tàu để thế chấp), lãi suất 7%/năm nhưng nhà nước hỗ trợ bù lãi suất tới 6%.
Các đơn vị tham gia, sẽ được vay tới 11 năm, trong đó 5 năm đầu được miễn lãi. Ngoài ra, nhà nước cũng hỗ trợ 95% vốn lưu động chuyến biển với lãi suất thấp nhất; 100% bảo hiểm thuyền viên; 95% về bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ, chi phí đào tạo…
Cần có lộ trình, tính toán chặt chẽ
TS Nguyễn Chu Hồi, chuyên gia thủy sản cho rằng, nếu không phát triển nghề cá viễn dương, chỉ bám ở “ao” biển Đông thì khó phát triển nghề cá hiện đại, dài hạn. Tuy nhiên, theo ông, cứ tưởng tượng thì ai cũng muốn, nhưng khả thi mới làm. Trước hết, việc với các nước để đưa tàu sang khai thác phải ký kết hiệp định trước, sau đó mới tính phần sau.
Trong khi đó, theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng, việc triển khai đội tàu viễn dương phải nhìn nhận kỹ lưỡng. Ngư dân ta đánh bắt trên vùng biển của mình còn tự tin, kinh nghiệm…nhưng đánh bắt trên vùng biển lạ, thì rủi ro và phiêu lưu. Ông Lĩnh cho rằng, việc liên kết mở rộng vùng đánh bắt hải sản là cần thiết, tuy nhiên, phát triển đội tàu viễn dương, nhà nước chỉ nên nối kết, giới thiệu và tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân về ngoại giao, đào tạo.
Ở đây, Bộ NN&PTNT phối hợp với cơ quan khác, liên hệ với các nước có nhu cầu khai thác, rồi phổ biến cho ngư dân. Ai có nhu cầu, khao khát làm, nhà nước sẽ hỗ trợ họ khảo sát, đánh bắt thử vùng biển đó ra sao.
Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng cũng cho rằng: “Khi cho ngư dân, doanh nghiệp khảo sát, nếu thành công ắt sẽ kêu gọi thêm người khác. Khi đó, họ phải bỏ vốn, tự chịu trách nhiệm để làm. Chứ giờ trong lúc ngân sách nhà nước eo hẹp, bỏ tiền khuyến khích ngư dân bắt ở nước ngoài làm chi, có phải bảo vệ chủ quyền ở đây không?”- ông Lĩnh nói.
Còn theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, mục đích đưa bà con ra vùng biển nước ngoài khai thác, làm kinh tế cũng hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, bước đầu, đến năm 2020 mà lên kế hoạch đưa khoảng 150 tàu đi khai thác Brunei, Papua New Guinea là không đơn giản. “Khi đánh bắt ở nước ngoài, lúc một vài tàu đi có thể tiêu thụ tốt, nhưng khi nhiều tàu sang đánh bắt, tiêu thụ ở đâu, nước đó có chắc tiêu thụ hết lượng cá mình đánh lên. Cần tính toán chặt chẽ, đánh giá… chứ không hẳn, đưa hàng trăm tàu sang đánh bắt là được liền”- ông Thắng nói.
“Trước khi triển khai, cần khảo sát xem, ngư dân có thích không, họ cũng chưa biết vùng biển đó có cá gì, năng suất thế nào, có đủ bù chi phí không...Đưa một chương trình ra, chưa biết bao nhiêu người thích, mà định rõ bao nhiêu nghìn tỷ thì chưa ổn”
Ông Trần Văn Lĩnh
Nam Khánh
Theo Tiền Phong