Sự kiện hot
7 năm trước

Để lại món nợ khiến B82 lao đao, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh sang làm sếp Cienco4

Để lại món nợ cao gấp hơn 12 lần vốn chủ sở hữu khiến B82 lao đao, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh vẫn lên làm sếp lớn Cienco4.

Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4) được chú ý khi sở hữu khoản nợ rất cao so với vốn. Theo báo cáo tài chính công ty mẹ quý 2/2016, nợ phải trả tại Cienco 4 là 6.361 tỷ đồng, tăng 193 tỷ đồng so với cuối năm 2015, tăng 1.204 tỷ đồng so với hồi đầu năm 2015. Nợ phải trả cao gấp 6 lần vốn góp chủ sở hữu. 

Đây là tỷ lệ rất cao. Tuy nhiên, nếu so với công ty cổ phần 482 (B82) - công ty con của Cienco4, tỷ lệ nợ phải trả/vốn góp chủ sở hữu tại Cienco4 lại khiêm tốn hơn rất nhiều. Ngoài mối quan hệ công ty mẹ - công ty con, Cienco4 và công ty 482 còn một mối liên kết khác. Đó là chung lãnh đạo.

Trước khi về làm sếp lớn tại Cienco4, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh giữ chức vụ Giám đốc công ty cổ phần 482. Như đã thấy ở trên, các công ty do ông Huỳnh làm lãnh đạo, chỉ số Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu thường đứng ở mức rất cao.

nguyen tuan huynh

 Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh

Ngày 19/11/2014, Hội đồng quản trị Cienco4 thông báo và trao quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Tuấn Huỳnh giữ chức Tổng giám đốc Cienco4, thay ông Lê Ngọc Hoa. Ông Huỳnh sinh năm 1976, là Thạc sỹ Kinh tế xây dựng, có 17 năm kinh nghiệm; công tác trong ngành xây dựng công trình giao thông tại Việt Nam.

Ông Huỳnh từng giữ các chức vụ Phó phòng Kỹ thuật, Trưởng ban điều hành dự án tuyến Tây Nghệ An, Phó giám đốc, Giám đốc Công ty B82 trước khi được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc Cienco4 vào tháng 4/2013. Nghĩa là trong năm 2013, ông Huỳnh có gần 1 quý điều hành B82.

Theo báo cáo tài chính 2013, lợi nhuận sau thuế của B82 vẫn tăng trưởng khi đạt 6,4 tỷ đồng, tăng 1,4 tỷ đồng, tương ứng 28% so với năm 2012. Đây là tốc độ tăng trưởng chấp nhận được trong bối cảnh nền kinh tế năm 2013 vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Thế nhưng, nếu so sánh lợi nhuận sau thuế với chi phí lãi vay của B82, có thể thấy, các số liệu này chưa hẳn đã "đẹp". Chi phí lãi vay năm 2013 tại B82 được xác định là 12,2 tỷ đồng, giảm khoảng 4 tỷ đồng so với 2012 nhưng vẫn cao gấp đôi lợi nhuận sau.

Chi phí lãi vay vượt trội so với lợi nhuận là kết quả của việc B82 vay quá nhiều. Tại thời điểm cuối năm 2013, tổng nợ phải trả tại B82 là 371 tỷ đồng, cao gấp 12,4 lần vốn góp chủ sở hữu. Khi rời B82, ông Huỳnh đã để lại "di sản" cho người kế nhiệm là khoản nợ cao ngất ngưởng.

Kể từ đó tới nay, nợ vay quá cao luôn là cản lực của B82. Sau khi ông Huỳnh rời đi, dàn lãnh đạo không những không tìm cách giảm mà lại đẩy mạnh nợ vay. Tới cuối năm 2014, nợ phải trả tại B82 đạt 448 tỷ đồng, tăng 77 tỷ đồng, tương ứng 20,6% so với năm 2013. Nợ phải trả cao gấp 14,9 lần vốn chủ sở hữu.

Kết quả là chi phí lãi vay năm 2014 của B82 tăng vọt lên 17,4 tỷ đồng. Chi phí tăng nhưng doanh thu giảm nhẹ nên lợi nhuận của B82 giảm sâu. Lợi nhuận sau thuế năm 2014 của B82 chỉ là 3,3 tỷ đồng, giảm 3,8 tỷ đồng, tương ứng 53,5% so với 2013.

Sang năm 2015, chỉ số Nợ phải trả/Vốn góp chủ sở hữu còn vọt lên kỷ lục mới 17,2 lần khi nợ phải trả tăng tới 516 tỷ đồng. Nợ nần tăng vụt trong khi doanh thu lao dốc nên 2015 là năm khá tệ của B82. Lợi nhuận sau thuế giảm tới 2,7 tỷ đồng, tương ứng 81,8% xuống 621 triệu đồng.

Chứng kiến nợ vay quá lớn là một trong những nguyên nhân "ăn mòn" lợi nhuận công ty, dàn lãnh đạo B82 bao gồm ông Nguyễn Trọng Cẩm, Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Trần Văn Long, Giám đốc công ty B82 đã cố gắng giảm nợ để "cứu" lợi nhuận. Nếu B82 không giảm nợ thì khả năng công ty thua lỗ là rất cao.

Cụ thể, trong năm 2016, sau khi tổng nợ phải trả giảm sâu xuống 465 tỷ đồng, cao gấp 9,3 lần vốn góp chủ sở hữu, chi phí lãi vay của B82 giảm từ 9,1 tỷ đồng xuống 3,3 tỷ đồng. Dù vậy, lợi nhuận tại B82 vẫn giảm sâu, giảm 312,6 triệu đồng, tương ứng 85,2%.

Phản ứng với những chỉ tiêu này của B82, cổ đông đã quay lưng với cổ phiếu B82 trên sàn Hà Nội. Trong suốt thời gian rất dài, B82 thường xuyên giao dịch dưới mệnh giá. Chốt phiên ngày 20/9, B82 dừng ở mức 2.700 đồng/CP. B82 ảm đạm tới mức trong nhiều phiên, không có bất cứ cổ phiếu B82 nào được trao đổi.

Có thể thấy, tại B82, trong 2 năm gần đây, doanh thu giảm là yếu tố khiến lợi nhuận lao dốc. Còn trong nhiều năm, nợ vay quá lớn đã gây áp lực lên công ty. Thế nhưng, khi chuyển sang Cienco4, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh dường như không rút kinh nghiệm về nợ vay nên nợ của Cienco4 tiếp tục duy trì ở mức cao.

Theo Tầm nhìn

Từ khóa: