Sự kiện hot
12 năm trước

Đề nghị khôi phục quyền phúc quyết của dân

“Tôi đề nghị phải khôi phục lại quyền phúc quyết của nhân dân (trưng cầu dân ý) trong Hiến pháp mới. Quyền này từng được quy định trong bản Hiến pháp nước ta năm 1946, nhưng đến nay đã bị bỏ đi”.

“Tôi đề nghị phải khôi phục lại quyền phúc quyết của nhân dân (trưng cầu dân ý) trong Hiến pháp mới. Quyền này từng được quy định trong bản Hiến pháp nước ta năm 1946, nhưng đến nay đã bị bỏ đi”.

Đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa của đoàn TP.HCM đề xuất trong phiên thảo luận tại QH sáng 6.11.

Cần có cơ chế bảo hiến

Trao đổi với NTNN bên lề phiên thảo luận, ĐB Trương Trọng Nghĩa phân tích, bản Hiến pháp năm 1946 quy định rất rõ: “Nhân dân có quyền phúc quyết những vấn đề quan trọng”, có nghĩa là khi đụng đến những vấn đề đó, Nhà nước nhất định phải lấy ý kiến của dân. Hay Hiến pháp năm 1946 còn đưa ra “quyền phúc quyết những vấn đề của Hiến pháp”, tức là nếu Nhà nước muốn sửa đổi Hiến pháp cũng phải trưng cầu dân ý.


Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu thảo luận tại tổ sáng 6.11.

“Bản chất quyền phúc quyết của dân phải là như vậy, những vấn đề hệ trọng của đất nước phải được dân quyết định!” - ông Nghĩa khẳng định. Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đã Nẵng) cho rằng, phải quy định về mặt nguyên tắc trong Hiến pháp đối với quyền phúc quyết của nhân dân, làm cơ sở cho việc xây dựng một đạo luật cụ thể quy định cách thức, trình tự thực hiện quyền này.

Về Điều 55 nói về các thành phần kinh tế, có 2 luồng ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận. Một số ý kiến đồng tình với Dự thảo Hiến pháp khi tiếp tục khẳng định kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế, trong khi một số đại biểu khác thì cho rằng không nên khẳng định như vậy để tạo sự công bằng phát triển giữa các thành phần kinh tế trong nền kinh tế nói chung.

Cụ thể, ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) sau khi phân tích thực tế thành phần kinh tế nhà nước trong thời gian qua nhận được quá nhiều ưu đãi nhưng hoạt động kém hiệu quả, trở thành gánh nặng của nền kinh tế, đã đề nghị chỉ nên nêu tên các thành phần kinh tế là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế. “Có như vậy, các thành phần kinh tế mới phát huy thế mạnh của mình, đồng thời, thành phần kinh tế nhà nước cũng phải thay đổi cơ cấu tổ chức, chiến lược kinh doanh để hoạt động có hiệu quả hơn” - ĐB Nam nhấn mạnh.

Đảm bảo quyền công dân, quyền con người

Theo ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM), tại Chương IX của dự thảo, nếu để chính quyền địa phương tự quản sẽ tạo ra tình trạng cát cứ, biến 63 tỉnh, thành thành 63 chính quyền khác nhau. “Hiến pháp phải xác định rõ chính quyền địa phương là gì? Trong điều kiện Nhà nước ta là nhà nước đơn nhất, không phải liên bang, thì không thể quy định các địa phương giống như một chính quyền riêng”.

ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng quyền con người và quyền công dân được nêu trong Chương II của Hiến pháp (sửa đổi) cần phải được làm rõ hơn.

“Nếu nói tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân thì cần làm rõ dưới góc độ nào, phương thức nào? Nội hàm dân chủ trực tiếp được quy định trong dự thảo còn rất nghèo nàn. Dân chủ trực tiếp thông qua phương diện trưng cầu dân ý, vậy trường hợp nào thì trưng cầu” - vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đặt câu hỏi.

ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng, tuy Hiến pháp lần này đã đề cao hơn vai trò con người thông qua việc cụ thể quyền con người, quyền công dân, nhưng về thực chất chưa có gì đột phá. ĐB Nghĩa đề nghị nên bổ sung quy định: “Mọi hành vi xâm phạm quyền công dân phải bị nghiêm trị”. Tại Điều 21 (mới) có quy định “Mọi công dân có quyền sống”, theo ông Nghĩa là không cụ thể, cần quy định lại: “Mọi công dân đều có quyền sống được Nhà nước đảm bảo”.

Đa số các ĐB cũng tán thành việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân về Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) và đề nghị cần kéo dài thời gian lấy ý kiến từ 3 – 4 tháng.

ĐBQH Đinh Xuân Thảo: Việc hệ trọng cần trưng cầu dân ý

T rao đổi với báo chí sáng 6.11, ĐBQH Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp nói: Nói đúng bản chất thì hiến pháp là khế ước xã hội, là sự đồng thuận của nhân dân trao cho Nhà nước quyền lực của mình để Nhà nước có quản lý, điều hành xã hội và có cơ chế để Nhà nước không lạm quyền, để người dân được sử dụng đúng quyền lực chính trị của mình. Nhưng chúng ta chưa coi trọng nguyên tắc này.

Như ông nói thì vấn đề này đã được Hiến pháp hiện hành quy định...

- Trưng cầu dân ý đã có trong Hiến pháp cũ nhưng không có luật để cụ thể hóa. Trong Dự thảo Hiến pháp lần này có quy định quyền cơ bản của con người, của công dân thì cần xác định rõ nội dung nào, công việc nào phải trưng cầu dân ý. Theo tôi, những vấn đề liên quan đến đất nước thì phải trưng cầu dân ý để quản lý nhà nước đạt hiệu quả cao nhất.

Theo ông, đâu là những vấn đề nhất thiết phải đưa ra trưng cầu ý dân?

- Dự thảo Hiến pháp lần này quy định những quyền cơ bản của công dân thì Nhà nước phải tạo điều kiện thực thi. Tại kỳ họp Quốc hội này, sau khi Hiến pháp được thông qua thì cần phải ban hành nhiều luật. Ví dụ với tự do biểu tình, nếu không ban hành thì nhiều người vẫn biểu tình và Nhà nước cũng khó có căn cứ để hạn chế. Có thể nói Hiến pháp sẽ là sự cam kết để Nhà nước ban hành các luật nhằm đảm bảo quyền công dân, quyền con người được thực thi. Về trưng cầu dân ý thì những việc lớn như xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam là nên trưng cầu...

Đức Hiếu (ghi)

Hải Phong
theo Dân Việt

Từ khóa: