Ngày 19-10, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức hội thảo “Những vấn đề cấp thiết cần sửa đổi của dự án Luật phòng chống tham nhũng”.
Ngày 19-10, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức hội thảo “Những vấn đề cấp thiết cần sửa đổi của dự án Luật phòng chống tham nhũng”.
Ngày 20-8-2010, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Khỏe - nguyên chủ tịch UBND huyện Hóc Môn - 26 năm tù về ba tội danh: nhận hối lộ (17 năm tù), lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (7 năm tù) và lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi (2 năm tù) - Ảnh: Minh Đức
Quy định hiện hành của pháp luật phòng chống tham nhũng chỉ buộc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại cơ quan, đơn vị, tổ chức mà đối tượng kê khai làm việc thường xuyên, không yêu cầu giải trình nguồn gốc tài sản cũng như không đề cập việc xử lý tài sản bất minh.
Các ý kiến tại hội thảo trên đều khẳng định nếu dự luật trình Quốc hội tới đây không xử lý triệt để vấn đề minh bạch tài sản, thu nhập thì khó có thể tạo được bước tiến cho cuộc đấu tranh này.
Trông chờ vào sự trung thực
Các ý kiến tại hội thảo này sẽ được cơ quan thẩm tra dự án luật là Ủy ban Tư pháp tiếp thu, trình Quốc hội xem xét. Dự kiến dự án Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua ngay tại kỳ họp thứ 4 tới đây.
|
Ông Lê Văn Lân - phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng - cho rằng với các quy định hiện hành thì sự minh bạch trong các bản kê khai tài sản của cán bộ, công chức trông chờ vào sự trung thực của người kê khai. “Vì không yêu cầu phải giải trình nguồn gốc tài sản nên những người thuộc diện kê khai cứ yên tâm kê khai. Dự thảo luật (sửa đổi) có đưa ra quy định về giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm (tối thiểu 100 triệu đồng). Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng cho người kê khai bổ sung, còn người kê khai lần đầu dù tài sản có giá trị đến bao nhiêu cũng không phải giải trình nguồn gốc, đây chính là một sơ hở” - ông Lân bình luận.
Đã thế, theo quy định hiện hành, bản kê khai tài sản, thu nhập chỉ được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đối tượng kê khai thường xuyên làm việc, hình thức công khai chỉ là thông báo tại cuộc họp hoặc niêm yết tại cơ quan. Như vậy phạm vi công khai, hình thức công khai rất hạn hẹp.
Trong khi đó, luật hiện hành chỉ quy định xác minh tài sản trong trường hợp “xét thấy cần thiết” đối với đối tượng là người trong danh sách bầu cử, đang được xem xét bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc kỷ luật và những đối tượng có hành vi tham nhũng. Số còn lại (chiếm đa số) vẫn có thể yên tâm vì không thuộc diện phải xác minh. Dự luật (sửa đổi) có mở rộng quy định nhưng vẫn chứa đựng tinh thần hạn chế việc xác minh tài sản (vì yêu cầu tố cáo, phản ánh phải có nội dung rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có căn cứ để xác minh; người tố cáo, phản ánh phải cam kết hợp tác, cung cấp đầy đủ tài liệu liên quan...); đồng thời việc có xác minh hay không vẫn hoàn toàn phụ thuộc ý chí chủ quan của người tiếp nhận tố cáo. “Đã có bằng chứng rõ ràng rồi thì cần gì cơ quan có thẩm quyền xác minh nữa. Quy định như vậy sẽ gây khó cho người tố cáo” - ông Lân bình luận.
GS.TS, thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh - vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công an - cho biết việc minh bạch tài sản, thu nhập là một nội dung trong Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng, nhưng việc thực hiện quả là không dễ dàng. “Đối với VN hiện nay thì kiểm soát tài sản, thu nhập rất khó. Người ta có thể khai là tôi có cái này, cái kia là bố mẹ để lại, của bạn gái tặng, thậm chí có người sử dụng xe sang nhưng khi hỏi thì bảo đó là xe mượn của em vợ, nhưng điều hài hước là ông em vợ đó thậm chí còn chưa biết lái xe...” - tướng Anh nói.
Tịch thu tài sản không giải trình được nguồn gốc
"Có những tài sản không hề nhỏ như chiếc thẻ chơi gofl hàng chục ngàn USD, vốn góp vào doanh nghiệp... thì dường như không thấy kê khai. Có tình trạng tài sản thực chất của mình nhưng để người thân đứng tên vì nhà cửa, đất đai, bất động sản hiện nay chúng ta chưa thể kiểm soát được"
Ông Lê Văn Lân (phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng)
|
“Cần có quy định về việc giải trình nguồn gốc tài sản kê khai lần đầu và giải trình tài sản tăng thêm khi kê khai bổ sung. Đối với những trường hợp không giải trình được nguồn gốc tài sản một cách hợp lý thì bị xử lý cả người và tài sản” - ông Lê Văn Lân kiến nghị. Ông cũng bày tỏ sự đáng tiếc khi dự thảo luật chưa thể hiện đúng tinh thần Hội nghị trung ương 5 là phải sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng theo hướng bản kê khai tài sản phải được công khai tại nơi làm việc, nơi cư trú.
Ông Trần Văn Đạt - Vụ pháp luật chung, Bộ Tư pháp - cũng khẳng định “việc tịch thu tài sản bất minh là vấn đề cực kỳ quan trọng của pháp luật phòng chống tham nhũng nhưng lại chưa thấy dự luật đề cập đến”.
Dẫn chiếu quy định của nước ngoài, vị chuyên gia cho biết: pháp luật hình sự Trung Quốc quy định bất cứ công chức nào có tài sản vượt quá thu nhập và số lượng chênh lệch quá lớn thì bắt buộc phải giải trình nguồn gốc tài sản đó. Nếu công chức không chứng minh được tài sản đó hợp pháp sẽ bị kết án 5 năm tù và phần tài sản vượt quá mức thu nhập sẽ bị tịch thu. Luật chống tham nhũng của Singapore cho phép tòa án tịch thu bất cứ khoản tiền và tài sản nào của một công chức nếu họ không giải thích được nguồn gốc.
Chủ trì cuộc hội thảo, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền khẳng định “quy định về minh bạch tài sản là vấn đề có tính then chốt trong phòng chống tham nhũng, bởi nếu không giải quyết được thì mọi vấn đề khác sẽ mang tính hình thức”. Là một trong những người góp phần xây dựng dự thảo Luật phòng chống tham nhũng 2005, ông Quyền thừa nhận các quy định về công khai, xác minh tài sản, thu nhập khi ấy được quan niệm khá đơn giản và... ngây ngô.
“Một vụ án dân sự có khi thành lập cả hội đồng xác minh tài sản hàng chục năm trời vẫn chưa kết luận được nó là tài sản của ai, trong khi một bản kê khai có vấn đề thì chỉ giao cho một đồng chí làm công tác tổ chức cán bộ trong cơ quan đi xác minh” - ông Quyền nói.
Lê Kiên
theo TTO