Tạp chí ẩm thực nổi tiếng của Mỹ Food and Wine vừa đưa TP.HCM vào danh sách những thành phố có món ăn đường phố tuyệt nhất hành tinh, trong đó nhắc đến món bánh xèo, chả giò, bánh mì pa tê, canh chua cá, phở cùng một địa danh đã nổi tiếng từ lâu: chợ Bến Thành.
Tạp chí ẩm thực nổi tiếng của Mỹ Food and Wine vừa đưa TP.HCM vào danh sách những thành phố có món ăn đường phố tuyệt nhất hành tinh, trong đó nhắc đến món bánh xèo, chả giò, bánh mì pa tê, canh chua cá, phở cùng một địa danh đã nổi tiếng từ lâu: chợ Bến Thành.
Quả thật, hiếm có nơi nào, thức ăn đường phố lại đa dạng, đa phong cách, đa mùi vị... và bất cứ ai, bất cứ giờ nào - cả ngày lẫn đêm cũng có thể thưởng thức thú ăn vặt như ở đất Sài thành.
Chỉ cần đi dạo một vòng bên ngoài chợ Bến Thành, những người sành ăn nhất cũng đã thỏa lòng, no dạ với cơ man nào là gánh hàng rong dung dị nhưng thuộc loại nhất dạ đế vương.
Một anh bạn thổ địa rành rẽ đất Sài thành hùng hồn tuyên bố: “Chưa ăn bún riêu lề đường chợ Bến Thành thì coi như chưa biết chợ Bến Thành”. Hỏi quán bún tên gì thì anh ta bảo “chả biết”, người bán tên gì anh ta cũng “chả biết” nhưng cứ ra tới chợ Bến Thành hỏi gánh bún riêu không bảng hiệu, cứ phải ngồi xâm xấp dưới đường mà ăn thì ai cũng biết.
Cũng miếng huyết dai dai, miếng đậu hũ beo béo, miếng riêu dậy mùi tôm khô, thêm tí ớt bằm cay cay và tí mắm tôm nức mũi như bao chỗ khác nhưng có lẽ ở gánh bún vệ đường này, từng loại “nhạc cụ” riêng rẽ đó được kết hợp với nhau thành một bản hòa tấu du dương, đệm thêm một ít me thanh tao và đĩa rau muống chẻ tươi rói khiến người ta phải nhớ mãi chợ Bến Thành.
Ảnh: Nguyễn Luân
Cũng không thể nào không kể đến gánh cháo lòng bán không xa nồi bún riêu sôi ùng ục là bao. Những hạt gạo nở hoa giữa tô cháo nâu tím khiến các cô văn phòng mặc váy, các quý bà sang trọng chỉ chơi hàng hiệu, các đại gia láng mướt phải dừng xe hơi mà thụp xuống xì xụp tô cháo tưởng chừng dung tục nhất hành tinh này.
Và không ai có thể thống kê đất Sài thành có bao nhiêu món ăn vặt “gây nghiện”: hầu như con đường nào cũng có mặt những cuốn bò bía bé tẹo với lát lạp xưởng mỏng tang và vài con tép khô nhỏ xíu ăn chẳng biết bổ béo vô đâu nhưng thiên hạ ăn mãi mà vẫn cứ mê; cứ chạy xe một đoạn giữa phố là cái mũi bạn lại bị tra tấn bởi thứ mùi thơm ngào ngạt không lẫn vào đâu được của món cút chiên bơ; hay những chiếc xe đẩy bán từng bịch bánh tráng trộn đủ thứ gia vị…
Rồi những gánh súp cua nóng hổi thoang thoảng mùi ngò; những đĩa gỏi đu đủ giòn giòn lúc nào cũng cặp kè với vài cọng quế thơm dịu dàng; này là chén phá lấu sần sật mà có thêm ổ bánh mì nóng giòn quệt vào chén nước lèo beo béo thì đã đủ đưa người ta lên mây; này là cái trứng vịt lộn tầm thường nhìn đâu cũng thấy làm đã cơn ghiền của bác taxi chạy đêm vội đi khách lúc bụng kêu dạ réo, này là ổ bánh mì kẹp thịt mà lâu ngày không ăn sẽ phải nhớ, này là con mực nướng thơm phức ngon tuyệt cú mèo giữa trời mưa lâm thâm, này là rừng chè đá đủ chủng loại khiến các tín đồ ăn hàng chỉ còn biết thốt lên “quá đã” giữa trưa hè nắng gắt…
Tây ăn hàng ta
Đi vào khu ăn uống nằm trong nhà lồng chợ Bến Thành, hầu như lúc nào cũng gặp cảnh mấy ông Tây mũi lõ vét sạch tô phở thơm phức, nhồm nhoàm miếng chả giò giòn tan hay gật gù trước ly chè 3 màu thoang thoảng hương nước dừa…
Nhắc tới chè, không thể bỏ qua quán Bé Chè lúc nào cũng đông nghịt khách, mỗi người chỉ một cái ghế đẩu là đủ. Chè ở đây, món nào cũng có vị dịu dàng, thanh cảnh, không đánh mạnh vào vị giác như nhiều quán chè nổi tiếng khác (chẳng hạn chè 75 ở Trần Huy Liệu): chỉ vừa đủ ngọt để không ngán, vừa đủ béo để không ngậy, vừa đủ thơm để phải gọi thêm ly nữa… Bà chủ tên Bé (tên ở nhà) đọc vanh vách: người Nhật thích ăn bánh flan và chè 3 màu, khác với người châu Á nói chung thích chè nóng và bánh chuối, khách Mỹ thích chè đá…
Gần đó, 2 người đàn ông trung niên đến từ Pháp - một ông đi thăm vợ sống ở Việt Nam, năm nào cũng có 2, 3 tháng phiêu du khắp đất Sài thành, người kia là một người bạn của ông này “bị dụ” đến thành phố không ngủ để du lịch - trò chuyện rôm rả bên lon bia 333 và đĩa chả giò đầy ắp. Ông thăm vợ bảo thường xuyên ăn thức ăn đường phố ở Việt Nam vì chúng rất “OK” mà giá lại siêu rẻ. Gần đó, một anh chàng tên Jonny Juarbe đến từ New York và cô bạn Alicia Silver người Jamaica vét sạch 2 đĩa phở xào bốc khói giá 40.000 đồng/đĩa. Đó là 2 tay “ăn chuyên” thức ăn đường phố ngay ở quê nhà của họ hay những nơi họ đến du lịch, bởi theo lời Juarbe, thức ăn đường phố là một trong những thứ thú vị nhất để anh khám phá những vùng đất mới.
Trong khi đó, 2 ông mũi lõ khác tuổi chừng 50 thì cứ hớt hơ hớt hải dọc ngang khu ăn uống, luôn miệng “xin lỗi vì đang rất bận, không thể trả lời phỏng vấn”. Hóa ra họ đang cố tìm cho ra cái món bánh cuốn không thể nào quên (chỉ quên quán chứ không quên món!) mà cách đây 5 năm, 1 trong 2 người này đã thử qua…
Trót mê phải chịu…
Lần đầu háo hức đến với quán bánh đúc nóng trên đường Phan Đăng Lưu cách đây tới mấy chục năm, Lưu ra về với vẻ mặt hậm hực, thề với lòng sẽ không bao giờ quay lại. Quán xá gì đâu mà “thượng đế” vô, người bán mặt cứ lạnh như tiền, giương mắt ra mà nhìn khách chật vật giành giật cái ghế đẩu thấp lè tè, khách phải gào khản cổ mấy lần mà chỉ toàn nhận được mấy cái liếc xéo, khách có bực bội đá ghế ra về sau 15 phút chờ mãi không thấy bánh thì cũng chẳng ai quan tâm…
Đến gần 40 năm sau, khi gánh bánh đúc đã nhảy vô nhà, đẻ thêm mấy món ốc len xào dừa, bánh ít trần, bánh cam… bán cùng, chủ quán vẫn trung thành tuyệt đối với bí quyết gắn liền với sự nổi tiếng của mình: không cần khách, chỉ bổ sung thêm một điều khoản mới: quán có thêm chủ bán nước mía, ốc len thì khách tự khản cổ gọi từng chủ mà tính tiền!
Vậy mà đến nay, cô Lưu nay đã tóc lấm tấm hoa râm vẫn cứ thỉnh thoảng tấp vào quán bánh đúc liếc xéo, bởi bực riết cũng… thành quen và vì chưa tìm được quán bánh đúc nào ngon hơn! Quả thực, rất nhiều người phải đồng ý rằng món bánh đúc nóng hôi hổi ở đây thật độc đáo với mùi vị thân quen của gạo hòa quyện nhuần nhuyễn với một ít thịt bằm thơm thơm, nấm mèo sần sật, nước mắm chua ngọt hấp dẫn… dù cái giá 15.000 đồng cho một chén bánh đúc chẳng bình dân tí nào!
Ảnh: Nguyễn Luân
Nga, một tín đồ ăn vặt khác vẫn cứ quả quyết cách phục vụ ở quán bánh đúc Phan Đăng Lưu vẫn ở hàng khá theo tiêu chí của những seri quán có chủ là… thượng đế, bởi theo Nga, dù phục vụ kém nhưng ít ra khách còn được yên ắng mà ăn, mà tám với nhau chứ ở những nơi như quán bánh canh Cầu Sắt (trước ở hè phố Nguyễn Văn Giai, nay đã lên đời trong một ngôi nhà bé xíu tại đường Nguyễn Phi Khanh gần đó), 4 chị em bán hàng, người chị cả đầu đã bạc trắng, vẫn cứ la nhau om sòm trước đám đông thực khách chen nhau mà gọi, giẫm lên nhau mà ăn.
Bao nhiêu năm rồi, cảnh tượng nơi đây vẫn không hề thay đổi, vẫn cái gia đình có đến 3 chị em độc thân hoảng loạn với nồi bánh canh, vẫn cái cảnh thực khách chờ chực đợi đến đúng 3 giờ quán mở cửa là ào vô, tranh nhau gọi trước bởi quán chỉ bán mỗi ngày 1 tiếng, ai đến sau thì chỉ còn… giấy lau miệng. Hỏi bà chủ sao không bán thêm thì được câu trả lời sức 4 người chỉ nấu được một nồi cỡ đấy, khách liệu đến sớm mà ăn, hỏi sao không kê bàn cho khách dễ ăn, bà chủ đáp gọn lỏn: quen rồi!
Theo lời một trong 4 chị em thì cái nhà này là của ông cậu, buổi sáng bán hủ tiếu mì, có bàn hẳn hoi, buổi chiều để trống nên cho họ bán, có điều mấy cái bàn được dẹp đi hết, khách phải giành nhau mỗi người 2 cái ghế đẩu, một để ngồi và một để làm bàn theo đúng phong cách bánh canh cầu sắt mấy chục năm nay!
Ăn vặt công nghệ cao
Không phải ai cũng đủ kiên nhẫn và thời gian để chờ chực ăn vặt. Với dân văn phòng, chỉ một cú a lô hoặc nhấp chuột là không thiếu thứ gì được phục vụ tận nơi, từ ly sinh tố mát lạnh, bịch xoài me cóc ổi, một ổ bánh mì đến tay vẫn giòn tan, thậm chí đến gỏi cuốn và ốc xào cũng vi vu tận chốn công sở…
Trái với mô típ “đuổi khách” kể trên, rất nhiều hàng quán ăn vặt thời nay tạo sự thuận tiện tối đa cho khách hàng, cả chị bán nước mía nơi góc phố hay bà bán cà phê lề đường cũng có “cạc vi sít” in 2, 3 số điện thoại hẳn hoi để các thượng đế chỉ cần nhắn tin một cú là vài phút sau có ly nước mát lạnh.
Còn các nơi ăn vặt có hàng quán hẳn hoi như bánh mì Ta, bò bía Cách Mạng Tháng Tám, bún thịt nướng Bà Tám… thì khỏi phải nói, giao hàng rất chuyên nghiệp. Cũng không thiếu những “cửa hàng ảo” chỉ phục vụ từ xa như Trà Chiều, nơi cung cấp mấy chục loại thức uống khác nhau…
Ảnh: Diệp Đức Minh
Thế nên cứ tầm 3, 4 giờ chiều là văn phòng vốn im ắng của một công ty nước ngoài đặt ở tòa nhà văn phòng sang trọng nhất quận 1 lại xôn xao, náo nhiệt hẳn lên… Đó là lúc bàn về thực đơn ăn vặt, khi thì bánh mì, khi chè chuối nướng, khi gỏi cuốn, khi pizza, có khi cả ốc hương rang muối ớt…
Thường thì chỉ chừng 15 phút sau, đồ ăn thức uống đã tới nơi, không khí xôm tụ cả lên, mọi người vừa ăn vừa tám đủ chuyện trên đời, khác hẳn với cái cảnh ai làm việc nấy suốt cả ngày.
Hiền, người được phong chức “trưởng ban ẩm thực” ở công ty đó thao thao bất tuyệt rằng ăn vặt cực lợi, vừa giúp đổ đầy năng lượng cho những giờ làm việc cuối, vừa là vũ khí xả stress hiệu quả, vừa thắt chặt tình đoàn kết đồng nghiệp… Khi hỏi ăn vặt trong giờ làm, sếp có khó chịu không, Hiền tủm tỉm: “Thì cũng phải có chiến thuật chứ, đầu tiên thì chỉ mời sếp thanh kẹo cao su, mấy cái bánh ngọt, rồi lấn tới ly cà phê tỉnh ngủ đầu giờ chiều, ổ bánh mì lúc 3 giờ rồi mới tới phiên chè, cháo…”.
Còn bây giờ, sếp của Hiền thường xuyên trở thành nhà tài trợ chính cho các phi vụ ăn hàng có khi lên tới bạc triệu/lần này.
Kiều Oanh
Theo Thanh nien