Sự kiện hot
11 năm trước

Đề phòng lạm phát quay lại

Lạm phát và tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2013 khá thấp, nhưng theo quy luật thông thường, cuối năm lạm phát thường tăng cao hơn. Trong khi thực hiện một số chính sách thúc đẩy tăng trưởng, cần hết sức thận trọng đề phòng lạm phát quay trở lại cuối năm nay và những năm sau.

Lạm phát và tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2013 khá thấp, nhưng theo quy luật thông thường, cuối năm lạm phát thường tăng cao hơn. Trong khi thực hiện một số chính sách thúc đẩy tăng trưởng, cần hết sức thận trọng đề phòng lạm phát quay trở lại cuối năm nay và những năm sau.

Nhận định và dự báo về tình hình lạm phát năm 2013 được đưa ra tại Hội thảo “Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2013” do Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính vừa tổ chức cho thấy, về diễn biến giá cả nửa đầu năm, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng, nửa đầu năm 2013, Chính phủ đã chỉ đạo bằng nhiều biện pháp cụ thể, cùng với sự cố gắng của các địa phương, các doanh nghiệp và nhân dân cả nước cho nên tình hình phát triển kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm đã có một số chuyển biến ban đầu.

Về diễn biến giá cả đến cuối năm, TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, theo chu kỳ các năm, chỉ số CPI thường tăng cao nhất vào tháng Tết âm lịch (tháng 1 hoặc 2 dương lịch) sau đó giảm dần từ tháng 3 tới tháng 8 và bắt đầu tăng cao từ tháng 9 cho tới cuối năm và đầu năm sau. Như vậy, thời điểm này đang trong giai đoạn CPI giảm theo chu kỳ nên biến động CPI thấp là hợp lý.

Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, CPI có khả năng sẽ tăng cao do các yếu tố: Các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế; tăng lương cơ bản từ 01/7; việc điều chỉnh về giá dịch vụ y tế, điện, xăng dầu. Đặc biệt là đến tháng 9, chi tiêu cho giáo dục sẽ tăng và tác động làm tăng CPI như các năm trước. Do đó theo ông Tuyến, chu kỳ tăng giá ở Việt Nam bắt đầu từ tháng 9 tới cuối năm do nhu cầu tiêu dùng tăng cao.

Còn ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam, cho rằng: 6 tháng cuối năm chỉ số CPI sẽ tăng cao hơn so với 6 tháng đầu năm do sản xuất kinh doanh dần phục hồi, tổng cầu sẽ được cải thiện... mục tiêu lạm phát cả năm có thể sẽ đạt được.

Theo ông Thỏa, cần tiếp tục chấn chỉnh, sắp xếp lại mạng lưới kinh doanh, khắc phục tính trạng mua bán chồng chéo, vòng vèo, lũng đoạn thị trường. Đặc biệt cần chú ý tổ chức lại thị trường nông sản theo chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ để nâng đỡ giá nông sản trong giai đoạn hiện nay.

Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, Đỗ Thị Ngọc cũng chia sẻ: Trong 6 tháng cuối năm vẫn còn những yếu tố tác động đến mặt bằng giá trong nước. Do đó đòi hỏi phải kiểm soát chặt chẽ các chính sách về giá cả. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định về giá, xử lý nghiêm vi phạm. Các mặt hàng do Nhà nước định giá, các hàng hóa thuộc diện bình ổn giá, các yếu tố đầu vào như điện, xăng dầu, phân bón... cần được kiểm soát.

Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo, cần cẩn trọng với kích cầu, vì kinh tế thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn, do đó việc đẩy mạnh tổng cầu 6 tháng cuối năm là không dễ dàng.

Theo Tổng cục Thống kê, để đạt được mục tiêu  tăng trưởng GDP 5,5% cần những gói hỗ trợ lớn, kích cầu mạnh. Tuy nhiên, rủi ro lạm phát tăng cao là có thể, nếu bùng phát trở lại sẽ khó kiểm soát.

Do đó cần, cẩn trọng với các biện pháp kích cầu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các Bộ, ngành cần chỉ đạo thực hiện lộ trình, thời gian, mức độ điều chỉnh giá các mặt hàng như dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục... một cách hợp lý, tránh việc tăng giá trong cùng một thời gian tại nhiều địa phương, để đảm bảo hạn chế thấp nhất tác động tới tốc độ tăng giá.

H.Thắng
theo Thanh tra

Từ khóa: