Cũng là sản phẩm từ tre, mặt hàng mành tăm, khăn trải bàn của làng tre đan Tằng Tiến (Việt Yên, Bắc Giang) cũng được thị trường châu Âu ưa thích.
Ông Đinh Văn Tỉnh, người đầu tiên của xã đưa sản phẩm từ tre ra nước ngoài cho biết: Mặt hàng của người Việt được đánh giá là tinh tế, hoa văn cầu kì, màu sắc, giá thành trên thị trường lại không đắt. Mấy năm trở lại đây, mặt hàng này đang bán rất chạy ở nhiều nước trên thế giới.
Theo Cục phó Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết: Những năm trở lại đây, ngành hàng mây tre đan đã đem lại cho Việt Nam gần 300 triệu USD kim ngạch xuất khẩu, sản phẩm được tiêu thụ tại 120 thị trường trên thế giới. Trong tổng số 2.017 làng nghề của Việt Nam, thì làng nghề mây tre đan chiếm số lượng lớn nhất với 723 làng nghề, chiếm 24% tổng số làng nghề của cả nước.
Thương hiệu hội nhập của Việt Nam
Tại Liên hoan kiến trúc quốc tế World Architecture Festival (WAF) tổ chức ở Barcelona, Tây Ban Nha, hồi tháng 11/2010, Việt Nam có 3 công trình kiến trúc lọt vào danh sách đề cử chung kết. Đó là các dự án: Bar Gió và Nước; Cà phê Gió và Nước; Flamingo Club còn có tên gọi là Bamboo wings (đôi cánh bằng tre). Các tác phẩm này đều do Công ty Võ Trọng Nghĩa thiết kế và thi công.
Trong đó, bar Gió và Nước tại Thủ Dầu Một, Bình Dương, cùng lúc nhận được 3 đề cử giải kết cấu, công trình công cộng và giải nội ngoại thất. Dự án này chính thức lọt vào vòng chung kết giải thưởng WAF và xếp hạng nhì giải kết cấu, chỉ đứng sau công trình Richmond Olympic Oval Roof của Canada.