Sự kiện hot
5 năm trước

Đề xuất áp dụng cơ chế giao thầu đối với 2 dự án nâng cấp đường băng Tân Sơn Nhất và Nội Bài

Việc tổ chức giao thầu có tiết kiệm 5% so với dự toán (không thông qua lựa chọn nhà thầu) sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài.

Việc sớm triển khai thực hiện 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh vào cuối tháng 6/2020 hoặc đầu tháng 7/2020) là cần thiết, đặc biệt vào thời điểm này tần suất khai thác các chuyến bay tại 2 cảng hàng không là rất thấp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Bộ GTVT vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bộ này được triển khai 2 Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn cảng hàng không quốc tế (CHKQT): Nội Bài và Tân Sơn Nhất theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 43 Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý đầu tư xây dựng.

Nếu đề xuất này được thông qua, Bộ GTVT sẽ được quyền quyết định, chịu trách nhiệm về việc tổ chức quản lý thực hiện và được giao thầu có tiết kiệm 5% so với dự toán (không thông qua lựa chọn nhà thầu) từ giai đoạn lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng cho đến giai đoạn hoàn thành, qua đó có thể khởi công 2 dự án cấp bách này vào cuối tháng 6/2020.

Được biết, hiện tần suất khai thác tại các đường cất hạ cánh tại CHKQT Tân Sơn Nhất và Nội Bài đã vượt tần suất tính toán theo thiết kế; đang khai thác với tần suất lớn các loại tàu bay thế hệ mới như A350-900, B787-9 (10), B777-9 có tải trọng bánh đơn và áp suất bánh hơi tác dụng đến mặt đường lớn hơn các loại tàu bay tính toán, dẫn đến các đường cât hạ cánh, đường lăn tại cảng hàng không bị xuống cấp ngày càng nhanh, ảnh hưởng lớn đến an toàn hoạt động khai thác; đồng thời công tác duy tu đang thực hiện tại 2 cảng hàng không trên chỉ đảm bảo duy trì khai thác.

Nếu không có các giải pháp tổng thể, đồng bộ sẽ dẫn đến việc khó kiểm soát tình trạng hư hỏng, bong bật mặt đường đột xuất khi tàu bay lăn, cất hạ cánh, tạo ra FOD (vật thể lạ) va chạm vào tàu bay, gây hư hỏng cháy nổ, ảnh hưởng đến an toàn bay, có thể phải đóng cửa đường cất hạ cánh bất cứ lúc nào để sửa chữa.

Vì vậy việc sớm triển khai thực hiện (khởi công cuối tháng 6/2020 hoặc đầu tháng 7/2020) là cần thiết, đặc biệt vào thời điểm này tần suất khai thác các chuyến bay tại 2 cảng hàng không là rất thấp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nhất là sau thời điểm hết dịch, kinh tế phục hồi và tăng trưởng mạnh, nhu cầu đi lại, giao thương cũng tăng theo, khi đó tình trạng quá tải sẽ trở nên nghiêm trọng, việc đóng cửa đường cất hạ cánh để thực hiện cải tạo, nâng cấp sẽ càng thêm khó khăn.

Trước đó, tại Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/4/2020, Chính phủ đã cho phép 2 dự án được áp dụng “trình tự, thủ tục thực hiện xây dựng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng đối với công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp”.

Như vậy, theo quy định tại khoản 2 Điều 130 của Luật Xây dựng, điểm a khoản 2 Điều 43 của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ, Bộ GTVT được tự quyết định trình tự khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng phù hợp với yêu cầu về tình trạng khẩn cấp; tự quyết định về trình tự thực hiện đầu tư xây dựng và hình thức quản lý dự án; tự tổ chức thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế và dự toán xây dựng, giám sát thi công và nghiệm thu bàn giao công trình hoàn thành phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng. Tuy nhiên, đối với nội dung giao thầu (không thông qua lựa chọn nhà thầu) theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 43 của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP, phải được Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép.

Theo Bộ GTVT, nếu tiến hành tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn và nhà thầu xây lắp theo hình thức đấu thầu rộng rãi theo quy định..., tương tự như các dự án đầu tư công thông thường thì chỉ có thể  khởi công vào cuối tháng 12/2020. Nếu thực hiện theo hình thức chỉ định thầu thì rút ngắn được khoảng 2 tháng và dự kiến khởi công cuối tháng 10/2020. Đối với trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép giao thầu (không thông qua lựa chọn nhà thầu) dự kiến khởi công cuối tháng 6/2020.

Theo tính toán của Tư vấn ADCC, Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn CHKQT Nội Bài có tổng mức đầu tư là 2.296 tỷ đồng và đối với Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn CHKQT Tân Sơn Nhất là 2.058 tỷ đồng. Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 của Luật Đầu tư công năm 2019 thì các dự án trên thuộc loại nhóm B.

Bảo Như
Theo Báo Đầu tư

Từ khóa: