Sự kiện hot
3 ngày trước

Đề xuất giải pháp thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển

Ngày 27/3, tại Hà Nội, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phối hợp cùng Hiệp hội Phân bón Việt Nam và Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức hội thảo “Một số bất cập trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp”.

Nền kinh tế nông nghiệp đang ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật đang thể hiện rõ 1 số vướng mắc, bất cập, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể là với ngành phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chăn nuôi và thuốc thú y.

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng môi trường và điều kiện kinh doanh hàng hóa của Việt Nam "thoáng" ở tầm vĩ mô, nhờ có nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng, Chính phủ và rất nhiều các Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết. Thế nhưng, điều kiện kinh doanh hàng hoá còn nhiều hạn chế ở các quy định cụ thể, chưa thực sự phù hợp.

Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007, quy định sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa nhóm 2 phải được kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu.

TS. Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam

Theo TS. Nguyễn Xuân Dương, cũng là sản phẩm gạo, khi nhập khẩu về làm lương thực cho người thì được xếp vào nhóm 1, nên không cần phải kiểm tra chất lượng, nhưng gạo nhập khẩu về để làm nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc thì bị xếp vào nhóm 2, nên mỗi lô hàng khi nhập về đến cảng, đều phải lấy mẫu phân tích thành phần.

Doanh nghiệp mất 3-5 triệu đồng cho việc thuê phân tích một mẫu hàng, lại mất chi phí lưu kho. Những chi phí này khiến giá thành thức ăn chăn nuôi tăng lên và người chăn nuôi phải gánh chịu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá thành chăn nuôi tại Việt Nam luôn cao hơn 10-15% so với các nước trong khu vực.

TS. Nguyễn Xuân Dương, Nhà nước, cơ quan chủ trì xây dựng Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật, phải xác định đây là công việc rất quan trọng, có ảnh hưởng quyết định đến sức sản xuất, sức cạnh tranh, giá trị thương hiệu của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.

“Phải khảo sát, nghiên cứu thật kỹ những tồn tại, bất cập hiện nay trong thực tế sản xuất của các ngành, lĩnh vực và những yêu cầu đòi hỏi nâng tầm chất lượng, thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam trong thời kỳ tới của phát triển và hội nhập”, ông Dương đề nghị.

Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng cho rằng, quy định công bố hợp quy phân bón có nhiều bất cập về sự chồng chéo, xung đột giữa các quy định pháp luật hiện hành, mang nặng tính hình thức, gây tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. 

TS. Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam

Cụ thể, thứ nhất là tính chồng chéo pháp luật. Hiện nay Luật trồng trọt quy định cơ sở sản xuất phân bón phải được cơ quan nhà nước chuyên ngành đánh giá điều kiện cơ sở vật chất, quy trình kiểm soát chất lượng và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất kinh doanh. Sau khi được cấp giấy, cơ sở chịu đán giá giám sát 2-3 năm/lần và chịu chi phí liên quan đến việc đánh giá, giám sát, đồng thời chịu sự kiểm tra, thanh tra tại nhà máy và lưu thông sản phẩm trên thị trường. Như vậy việc một tổ chức chứng nhận hợp quy đến nhà máy sản xuất phân bón đã được cơ quan nhà nước kiểm soát để lấy mẫu sản phẩm thử nghiệm là không cần thiết. 

Thứ hai là tính xung đột pháp luật. Hiện nay đang có 2 loại hình văn bản pháp luật liên quan đến quản lý chất lượng của sản phẩm phân bón, văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và văn bản về QCVN của Bộ Khoa học Công nghệ, mỗi văn bản này quy định cách thức quản lý chất lượng phân bón khác nhau. Như vậy, cũng là quản lý chất lượng sản phẩm phân bón, nhưng ban hành bằng QCVN thì phải công bố hợp quy, ban hành bằng thông tư thì không phải công bố hợp quy. 

Thứ ba là việc đánh giá quá trình sản xuất, lấy mẫu để làm thủ tục công bố hợp quy hay đánh giá giám sát chỉ xảy ra ở thời điểm đánh giá, nhưng sau lấy mẫu đánh giá đó, có rất nhiều lô sản phẩm  khác được sản xuất ra theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, việc đánh giá, lấy mẫu để công bố hợp quy tại 1 thời điểm hoàn toàn là hình thức, không mang lại giá trị cho mục đích kiểm soát chất lượng sản phẩm phân bón. 

Quang cảnh Hội thảo

Thứ tư là các chí phí hợp quy phân bón là một nguyên nhân làm tăng chi phí sản phẩm phân bón trong nước, giảm tính cạnh tranh với sản phẩm phân bón nhập khẩu và làm tăng giá thành sản xuất trồng trọt của người nông dân. Ước tính chi phí hợp quy cho sản phẩm phân bón khoảng 3 triệu đồng/sản phẩm sản xuất trong nước hoặc 1 lô hàng nhập khẩu thì chi phí hợp quy cho toàn ngành phân bón sẽ vô cùng lớn (hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, trong đó có những doanh nghiệp phải chi trả vài tỷ đồng/năm). 

Dự kiến, trong tháng 5 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sửa đổi) và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật (sửa đổi). Đây được xem là cơ hội quan trọng để Việt Nam có một khung pháp lý hoàn thiện hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người nông dân, đồng thời nâng cao chất lượng và giá trị hàng hóa nông sản trên thị trường.

Việc sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật là cần thiết để tháo gỡ các rào cản đang kìm hãm sự phát triển của ngành nông nghiệp, đặc biệt là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y. Chính sách hợp lý không chỉ giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí, tăng cường năng lực cạnh tranh mà còn mang lại lợi ích trực tiếp cho người nông dân. Với quyết tâm của Quốc hội và các cơ quan chức năng, hy vọng rằng những thay đổi trong thời gian tới sẽ mở ra cơ hội phát triển mới, nâng cao vị thế của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

PV/Theo KTĐU

Từ khóa: