Sự kiện hot
5 năm trước

Đề xuất gói vay ưu đãi 12.000 tỉ cho VNA: Nên cứu chung các hãng?

Trước đề xuất gói tín dụng 12.000 tỉ đồng ưu đãi lãi suất 0% cho Vietnam Airlines (VNA), nhiều ý kiến cho rằng cần tính tới gói tín dụng cho các doanh nghiệp hàng không, thay vì chỉ tập trung “cứu” một hãng.

Đề xuất gói vay ưu đãi 12.000 tỉ cho VNA: Nên cứu chung các hãng? - Ảnh 1.

Thị trường hàng không Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề do COVID-19. ẢNH Đ.T.Đ

Gói 0% cho VNA vướng thủ tục

Theo Bộ GTVT, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, ngành hàng không đang diễn ra theo tình huống xấu hơn các kịch bản đã dự báo, với tổng thị trường năm 2020 đạt khoảng 43 triệu khách, giảm 46% so với năm 2019.

Trong đó, Vietnam Airlines trong quý 1/2020 doanh thu hợp nhất giảm khoảng 26%, doanh thu và lợi nhuận của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) giảm khoảng 24%, sản lượng điều hành bay và doanh thu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm 2019.

Các hãng hàng không tư nhân như Vietjet Air, Bamboo Airways dù không công bố chính thức con số, song cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch.

Trước đó, báo cáo của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban), VNA cho biết đã thực hiện nhiều biện pháp cắt giảm chi phí, đàm phán giảm nợ, giãn nợ, nhưng chỉ mang tính tình thế, nếu không có giải pháp hỗ trợ từ phía Chính phủ sẽ có nguy cơ đổ vỡ. Nếu không có nguồn tiền bổ sung, VNA sẽ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán từ tháng 8.2020 cho các khoản nợ đến hạn (chủ yếu là tiền thuê máy bay và khai thác), dẫn đến các hệ lụy khác.

Đây là lý do Ủy ban này kiến nghị Chính phủ trình phương án hỗ trợ VNA theo hướng giải cứu bằng việc thông qua ngân hàng nhà nước sử dụng các nguồn vốn dự trữ và cơ chế tái cấp vốn qua các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng chính sách cho phép VNA được vay khoản ưu đãi với quy mô 12.000 tỉ đồng lãi suất 0% tối thiểu trong 3 năm.

Đề xuất gói vay ưu đãi 12.000 tỉ cho VNA: Nên cứu chung các hãng? - Ảnh 2.

Đề xuất gói vay lãi suất 0% cho VNA đang vướng nhiều quy định. Ảnh VNA

Trường hợp không thực hiện được, Ủy ban đề xuất xem xét, báo cáo các cấp có thẩm quyền cho phép VNA được vay vốn các ngân hàng thương mại theo phương án lãi suất 0% tối thiểu 3 năm với 12.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, phương án này có một số bất cập như quy định hiện nay chưa có các khoản vay ưu đãi cho ngành hàng không.

Theo quy định của luật Đầu tư công và Nghị định 40/2020/NĐ-CP, việc cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi chỉ cấp cho các ngân hàng chính sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách… không cấp bù chênh lệch lãi suất cho các doanh nghiệp.

Cần gói hỗ trợ chung

Đánh giá về các giải pháp gỡ khó cho ngành hàng không hiện nay, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện thị trường giá cả, cho rằng đối với các chính sách về tài khóa như miễn, giảm thuế, phí đã được Chính phủ thông qua cần tiếp tục được thực hiện song phải bảo đảm tính tức thời, đúng tính chất cứu hãng hàng không như cứu bệnh nhân COVID-19.

Theo ông Long, phương án vay ưu đãi lãi suất 0% hiện bị vướng luật Đầu tư công và Nghị định số 40/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành (vì không cấp bù chênh lệch lãi suất cho các doanh nghiệp). Các ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp và vẫn phải đi vay, do đó yêu cầu họ cho doanh nghiệp hàng không vay lại với lãi suất 0% là tương đối khó thực hiện.

Ông Long cho rằng, cần tạo gói tín dụng ưu đãi riêng cho các hãng hàng không. Các ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi, phần còn lại Chính phủ cấp bù lãi suất bằng cách xin phép Quốc hội cho sử dụng nguồn dự trữ khá dồi dào của Ngân hàng Nhà nước và cơ chế tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại.Còn theo ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, việc có gói cứu trợ ngành hàng không trong lúc này rất cần thiết. Nhưng quan trọng là phải có cái nhìn toàn diện, chứ không thể hỗ trợ riêng một doanh nghiệp cụ thể nào.

Đồng quan điểm này, ông Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho rằng: “Hãng hàng không Việt nào cũng là của Việt Nam và đóng góp cho kinh tế Việt Nam, vì vậy không thể có chuyện chỉ cứu VNA”.

Theo ông Ánh, vai trò của hàng không trong việc khôi phục nền kinh tế rất lớn nên Chính phủ có thể đề nghị Quốc hội cho phép cấp bù lãi suất cho hãng hàng không như đang áp dụng đối với ngân hàng chính sách.

Mặt khác, nếu khó khăn, Chính phủ có thể buộc các hãng hàng không phải bán cổ phần hoặc trái phiếu tương ứng cho tổ chức tài chính của nhà nước để đổi lại khoản vay lãi suất 0% nói trên. Tất nhiên, theo ông Ánh, mức vay bao nhiêu còn phải căn cứ vào quy mô, vai trò và đóng góp của từng hãng để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng nhưng không cào bằng.

Do hàng không suy thoái vì COVID-19, nhiều chính phủ đã hỗ trợ gói lớn cho ngành hàng không. Mỹ dành gói 50 tỉ USD cho các hãng hãng không lớn. Pháp và Hà Lan có gói giải cứu trên 10 tỉ USD cho hãng Air France và KLM. Nhật Bản bơm vốn để các ngân hàng thương mại cho vay gói giải cứu trợ khoảng 10 tỉ USD. Singapore hỗ trợ hãng Singapore Airlines triển khai phương án phát hành cổ phiếu/trái phiếu lên đến 13 tỉ USD để vượt qua khủng hoảng…

Mai Hà
Theo Thanh niên 

Từ khóa: