Sở GTVT TP.HCM cho biết, 6 tháng đầu năm 2012, số lượng vụ tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn TP.HCM giảm so với cùng kỳ năm ngoái, số vụ nghiêm trọng giảm hơn 30%, số người chết giảm hơn 27%. Kết quả trên đạt được, nhờ sự ra quân quyết liệt nhằm chặn đứng thảm họa giao thông của các cơ quan chức năng tại TP.HCM. Tuy nhiên, dù đã thực hiện nghiêm nhưng các vụ TNGT do uống rượu bia vẫn tăng nhanh.
CSGT kiểm tra nồng độ cồn
Nhức nhối nạn lái xe uống rượu bia
Tại buổi làm việc với Đoàn Giám sát Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về kết quả xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông hôm 26/7, ông Nguyễn Hữu Tín, phó chủ tịch UBND TP.HCM nhìn nhận: Dù cơ quan chức năng của thành phố chỉ đạo phải quyết liệt trong xử phạt vi phạm giao thông ở TP.HCM trong 6 tháng đầu năm 2012. Tuy nhiên, số vụ tai nạn giao thông không hề giảm là do ý thức kém của người tham gia giao thông rất cao (chiếm trên 25%). Đây thực sự là bài toán vô cùng nan giải của thành phố trong việc chặn đứng các thảm họa giao thông.
Thiếu tá Lê Duy, đội quản lý giao thông đường bộ, Công an TP.HCM, cho biết: “Thực tế cho thấy, việc lạm dụng rượu, bia là một trong ba nguyên nhân chính gây ra các vụ TNGT. Việc người lái xe uống rượu sẽ trực tiếp làm giảm phản ứng của người lái xe 10%-30%; giảm khả năng tự chủ, phản xạ và thị lực. Đặc điểm thường thấy của người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia là chạy tốc độ cao, lạng lách, không làm chủ được tay lái, phán đoán xử lý, tình huống kém. Do đó, uống rượu bia chính là nguyên nhân chính gây ra các vụ TNGT”.
Trao đổi với Tiến sĩ Hồ Văn Nghĩa, Trường ĐH Mở TP.HCM về nguyên cứu mức độ sử dụng rượu bia của người tham gia giao thông của ông mới đây, ông cho biết, mức sử dụng rượu bia của người dân Việt Nam đang tăng nhanh. Năm 2010, mức tiêu thụ bình quân đầu người là 16,8 lít/người, năm 2011 con số đã tăng lên 17,6 lít/người. Theo nguyên cứu, tiến sĩ Nghĩa cho hay có đến 60 -90% số người được hỏi cho rằng chưa bao giờ sử dụng các cách tránh lái xe sau khi uống rượu bia như gọi taxi, xe ôm, hay gọi người thân chở về. Chỉ có 1– 3% số người được điều tra thường xuyên sử dụng cách này.
Luật sư Phạm Văn Phúc (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1/7/2009 quy định cấm hoàn toàn việc sử dụng rượu bia đối với lái xe ôtô khi tham gia giao thông và hạn chế đến mức thấp nhất nồng độ cồn trong máu đối với người lái xe gắn máy. Nghị định 34/CP cũng quy định rõ mức xử phạt tăng nặng với hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn trong máu. Rõ ràng, quy định có phần khắt khe của cơ quan quản lý là cần thiết để hạn chế các vụ TNGT xảy ta. Tuy nhiên, trên thực tế, số vụ vi phạm vẫn không giảm, thậm chí nhiều người còn tỏ ra coi thường khi bị xử lý, thậm chí còn chống đối, trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng cảnh sát giao thông.
Theo Thượng tá Trần Sơn, phó trưởng phòng Hướng dẫn Luật Giao thông, Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C67 - Bộ Công an), trong năm 2011, cơ quan này đã phân tích dữ liệu 25.093 vụ TNGT xảy ra trên địa bàn cả nước, có đến 1.080 vụ lái xe uống rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Tuy con số thống kê này mới chỉ phản ánh được “phần ngọn” so với vi phạm đang diễn ra trên thực tế nhưng nó cho thấy bức tranh tai nạn giao thông do rượu bia thảm khốc như thế nào. Đồng tình với nhận định này, đại diện cơ quan quản lý tai nạn giao thông tại TP.HCM cũng khẳng định, hàng trăm nghìn quán ăn, nhà hàng trên địa bàn cả nước mỗi ngày cũng đón tiếp hàng triệu lượt thực khách. Nếu tính “rẻ” ra ít nhất 60% trong số đó vi phạm nồng độ cồn quá quy định thì con số vi phạm là rất lớn.
Ông Phạm Trung Lý
Cần phải xử lý hình sự
Trước thực trạng các vụ TNGT do uống rượu bia gây ra ngày càng lớn, tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban pháp luật Quốc hội về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, ông Nguyễn Hữu Tín, phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định hành vi đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản người khác thì bị khởi tố hình sự. Tuy nhiên, đối với các trường hợp tài xế điều khiển phương tiện giao thông uống rượu say de dọa đến tính mạng người khác thì chỉ bị xử phạt hành chính.
Trao đổi với phóng viên Người đưa tin sau khi kết thúc buổi họp HĐND, ông Nguyễn Hữu Tín cho biết, hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà uống rượu bia được xem là một trong những hành vi trực tiếp đe dọa đến tính mạng và tài sản người khác. “Hành vi này nhất thiết phải cấu thành yếu tố khởi tố hình sự. Chúng ta cần phải nhanh chóng thực hiện điều này, mới mong hạn chế được các vụ TNGT do người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu bia gây ra. Với hành vi này trên thế giới đã thực hiện lâu. Vì vậy, việc áp dụng quy định này tại TP.HCM và các địa phương khác là điều rất cần thiết” - ông Tín nói.
Giải thích về đề xuất mang tính đột phá của mình, ông Nguyễn Hữu Tín cho biết, năm 2011, trên địa bàn TP.HCM xảy ra trên 5.000 vụ uống rượu bia say lái xe. Đây là số vụ bị phát hiện, thực tế con số trên phải gấp hàng chục lần. Sáu tháng đầu năm 2012, số vụ TNGT có giảm nhưng số vụ do người uống rượu bia gây ra vẫn chưa giảm. Từ thực tế này, TP.HCM mới kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi một số quy định trong Nghị định 34, chú trọng tăng mức chế tài đối với các hành vi vi phạm về trật tự ATGT, nhất là các hành vi đe dọa trực tiếp đến tính mạng người điều khiển phương tiện. Nếu làm được việc này, đây sẽ là một đề xuất mang tính đột phá trong việc hạn chế các vụ TNGT xảy ra.
Ngoài ra, tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban pháp luật Quốc hội, ông Nguyễn Hữu Tín cũng kiến nghị Quốc hội và Chính phủ phải tăng mức chế tài đối với các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông, nhất là các hành vi đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người khác. Theo ông Tín, với đề xuất này, các hành vi trên mới có thể giảm xuống một cách tối đa. Tuy các kiến nghị trên mới đầu khó tạo được sự đồng thuận của người mê “nhậu” nhưng trong thời gian tới, đây sẽ là quy định được rất nhiều người dân ủng hộ.
Hậu quả do TNGT do rượu bia để lại đối với không chỉ gia đình người bị hại mà cả xã hội rõ ràng là không thể đong đếm được. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền và xử lý đối với hành vi vi phạm này lại chưa thật sự được các cơ quan chức năng quan tâm. Do vậy, chỉ có phạt thật nặng, thật nghiêm thì mới mong hạn chế tối đa các vụ TNGT xảy ra.
Trung tá Đinh Thanh Thảo, Đội Tuyên truyền, điều tra khám nghiệm TNGT cho biết: Thực tế cho thấy, các vụ TNGT liên quan đến rượu bia có thể xảy ra bất kể thời gian nào trong ngày nếu người tham gia giao thông không chú ý. Tuy nhiên, các vụ TNGT xảy ra vào ban đêm vẫn là nỗi kinh hãi của nhiều người làm công tác quản lý giao thông và chính người dân. Hầu hết các vụ TNGT xảy ra vào ban đêm đều là các vụ tai nạn liên hoàn, gây hậu quả vô cùng thảm khốc, luôn có thương vong xảy ra. Lý giải cho điều này là do thời điểm buổi tối, số thanh niên, đàn ông thường đi nhậu về, có hơi men trong người thường nổi máu “yêng hùng” cộng với đường vắng khiến vận tốc của những chiếc xe như làm “cháy” mặt đường. Sau khi gây tai nạn, các lái xe này thường bỏ chạy, hoảng loạn lại tiếp tục gây thêm tai nạn.
Ông Phan Trung Lý - chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội cho biết, sẽ trình lên Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét để chuẩn bị sửa đổi và bổ sung các quy định trong xử phạt hành chính lĩnh vực giao thông vận tải. Về vấn đề xử phạt người vi phạm giao thông, ông Lý đề nghị TP.HCM xử phạt trực tiếp chứ không cần thiết phải điều tra, xác minh chủ sở hữu xe gây mất thời, lãnh phí tiền của.
Theo Nghị định 34 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, nếu trong một lít khí thở có 0,25-0,4 mg cồn thì người lái ôtô sẽ bị phạt 2-3 triệu đồng, người chạy xe máy bị phạt 200.000-300.000 đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 30 ngày. Nếu nồng độ cồn vượt mức 0,4 mg, người lái ôtô sẽ chịu mức phạt 4-6 triệu đồng, còn người đi xe máy bị phạt 500.000-1.000.000 đồng và cùng bị tước giấy phép lái xe 60 ngày. Riêng ở nội đô TP HCM và Hà Nội, mức phạt này sẽ tăng gấp đôi.
|
Trần Thắng
theo Người Đưa Tin