Dantin - Sau khi tổ chức phi chính phủ Global Witness (GW) lên tiếng cáo buộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai phá rừng, chiếm đoạt đất tại Lào và Campuchia, báo chí Lào đã viết bài ca ngợi Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) có nhiều đóng góp giúp đỡ nhân dân Lào nói chung và các địa phương nam Lào nói riêng.
Dantin - Sau khi tổ chức phi chính phủ Global Witness (GW) lên tiếng cáo buộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai phá rừng, chiếm đoạt đất tại Lào và Campuchia, báo chí Lào đã viết bài ca ngợi Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) có nhiều đóng góp giúp đỡ nhân dân Lào nói chung và các địa phương nam Lào nói riêng.
Báo Lào đồng loạt ca ngợi ông Đoàn Nguyên Đức.
Tấm lòng cao cả
Trong số ra ngày 22/5/2013, báo Đất nước Lào của Thông tấn xã Phathet Lào và báo Lào Phatthana của Hội Nhà báo Lào đã có bài viết tựa đề “Tấm lòng cao cả của một doanh nghiệp Việt Nam".
Bài báo dẫn lời Bí thư, Tỉnh trưởng Attapeu, ông Khanphan Phommathat cho biết, Attapeu là một tỉnh giàu truyền thống cách mạng nhưng do đất đai không tốt, phương thức sản xuất lạc hậu nên kinh tế không phát triển, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Tỉnh kêu gọi đầu tư, nhiều doanh nghiệp đến rồi lại bỏ đi, vì chê đất cằn và xấu. Chỉ có tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai trụ lại và quyết tâm đầu tư giúp đỡ địa phương. HAGL đã dồn công dồn sức tập trung đầu tư cây cao su và cây mía, biến những cánh rừng nghèo thành những dự án trồng cao su, nông trường mía đem lại hiệu quả kinh tế lớn.
Đời sống người dân đã được nâng cao rõ rệt, nhưng quan trọng hơn là tập đoàn đã cải tạo được vùng đất, giúp người dân xoá bỏ được tập quán làm ăn lạc hậu, nhiều người dân đã trở thành những công nhân nông nghiệp làm giàu trên mảnh đất của mình.
Theo tờ báo, HAGL đã đầu tư vào những tỉnh nghèo như Sekong và Attapeu và giúp đỡ không hoàn lại 35 triệu USD cho công tác an sinh xã hội tại các địa phương này HAGL xây dựng một bệnh viên 200 giường, 1.000 căn hộ, (mỗi căn hộ có diện tích 70m2) cho công nhân; xây dựng hàng trăm km đường cấp phối đến các vùng dân cư; kéo hàng trăm đường điện cho dân cư trong vùng dự án, xây dựng nhiều cầu kiên cố.
HAGL còn giúp xây dựng trung tâm hành chính huyện Phu Vông. Với những dự án trên, HAGL đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn 20.000 người đồng hai tỉnh và các vùng lân cận.
Bài báo còn cho biết: Người dân Lào nói chung và người dân trong vùng dự án nói riêng rất thích cách làm việc của HAGL, đó là “nói là làm, quan tâm người lao động, tôn trọng pháp luật, bảo đảm môi trường, đầu tư hiệu quả”. Báo chí Lào khẳng định HAGL là nhà đầu tư nước ngoài thành công nhất tại Lào với số vốn gần 1 tỷ USD, thực sự đem lại cuộc sống ấm no cho người dân trong vùng có dự án.
Bầu Đức phản bác
Một loạt dự án ông Đoàn Nguyên Đức thực hiện tại Lào trong đó có chế biến lâm sản.
Trước các cáo buộc của Tổ chức Global Witness (GW) về việc phá rừng trồng cao su tại Lào và Campuchia, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã lên tiếng phản bác những cáo buộc này.
Trả lời phỏng vấn trên một số tờ báo trong nước và nước ngoài, ông Đoàn Nguyên Đức nói, việc cáo buộc Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) khai thác gỗ là hoàn toàn sai sự thật. Theo quy định tại Lào và Campuchia, gỗ trên đất làm dự án là của nhà nước, HAGL chỉ được phép thuê đất trong 50 năm.
Cụ thể, sau khi ký hợp đồng cho thuê đất, chính phủ thuê một doanh nghiệp nào đó khai thác gỗ trên đất, sau đó tổ chức bán đấu giá số gỗ khai thác. HAGL chỉ nhận đất sạch chứ không đụng vào bất cứ một cây gỗ nào. Và xin nói rõ là dù được phép tham gia đấu giá mua gỗ này nhưng HAGL đã từ chối tham gia!
“Tôi xin khẳng định rõ HAGL không tham gia khai thác gỗ, cũng không mua gỗ tại bất cứ khu đất làm dự án nào”, ông Đức khẳng định.
Ông Đức nói thêm cho rõ rằng: “Đã trồng cao su từ đất rừng bắt buộc phải khai hoang, chặt cây mới trồng cao su được. Nhưng những khu vực này là rừng nghèo, dự án mới được duyệt để chúng tôi trồng cao su. Cũng xin nói thêm việc cấp đất làm dự án tại Lào và Campuchia đều thực hiện theo một quy trình cực kỳ chặt chẽ và chỉ cho phép làm dự án ở rừng nghèo”.
Theo số liệu công bố của HAGL, tính tới cuối năm 2012, Tập đoàn này có tổng cộng 51.000ha đất được phân bổ để trồng cao su tại Tây Nguyên, Lào và Campuchia. Trong đó, tại Gia Lai là 8.000ha, Đắk Lắk là 3.000ha, Lào là 25.000ha, Campuchia là 15.000ha.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), hiện Tây Nguyên có hơn 2,848 triệu ha rừng, độ che phủ 51,3%. Trong 8 năm (2005-2012), các tỉnh Tây Nguyên mất hơn 205.000 ha rừng tự nhiên. Bình quân mỗi năm, khu vực này mất khoảng 25.700 ha rừng.
Trong khi đó, theo báo cáo của Cơ quan Điều tra về Môi trường (EIA), có trụ sở tại Anh cho biết, diện tích rừng tại Lào trong những thập niên qua đã bị thu hẹp lại đến mức báo động: năm 1940, rừng chiếm tới 70 % diện tích của nước Lào tỷ lệ đó chỉ còn là 41 % vào năm 2002 và theo dự báo của EIA thì đến năm 2020 thì chỉ còn là 30 %.
Tháng 6/2011, Thủ tướng Lào đã ban hành một đạo luật để củng cố các biện pháp chống buôn lậu gỗ.Theo Cơ quan Điều tra về Môi trường, hàng năm có ít nhất 500 000 mét khối gỗ lậu, trị giá khảng 150 triệu đô la được chuyển qua biên giới giữa Lào với Việt Nam. Khối lượng gỗ này được dùng vào việc sản xuất hàng nội thất và sau đó được đem xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu.
Theo thống kê của các Cục Hải quan địa phương, từ đầu năm 2011 - tháng 6/2012, có 2.221 vụ buôn lậu, gian lận thương mại với trị giá hàng hóa gần 27 tỉ đồng trên tuyến biên giới Việt-Lào.
Tại các cặp cửa khẩu Cầu Treo- Nậm Phao, Chalo- Na Phàu… nổi lên hiện tượng buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã đặc biệt là gỗ. Ngoài các thủ đoạn truyền thống, các đối tượng đã lợi dụng hoạt động đầu tư, hợp tác kinh tế với Lào để buôn lậu gỗ quí từ Lào vào Việt Nam, hầu hết các hợp đồng mua bán gỗ với cư dân, DN Lào là các hợp đồng giả.
|
Tam Hoàng