Sau một thời gian nghiên cứu và trồng thử, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Quảng (Bắc Giang) đã có những bước đi thành công với mô hình trồng gấc cao sản, xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Cách đây gần 20 năm, trong lần đi thăm chiến trường xưa, ông Quảng gặp một phái đoàn quân sự Mỹ cũng đến thăm địa phương này rất quan tâm đến cây gấc. Với sự nhạy bén của một người lính, ông đã mày mò và tìm hiểu và phát hiện trong quả gấc có chứa hoạt chất carotene, hoạt chất này được các nhà khoa học phương tây bào chế các loại thuốc chữa bệnh cho người bị nhiễm chất độc da cam và chữa được nhiều bệnh khác. Từ đó, ông Quảng đã quyết định gắn bó với nghề trồng gấc. Và cũng từ đây, cây gấc đã là cây xóa đói giảm nghèo đem lại thu nhập lớn cho ông và gia đình trên chính mảnh đất quê hương.
Sau gần 20 năm gắn bó với nghề trồng gấc, thu mua sản phẩm từ cơ sở ở các địa phương khác để chế biến, đến nay, ông Quảng và gia đình đã tạo dựng được một thương hiệu riêng về gấc. Các sản phẩm của ông sản xuất ra đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới
Sau thời gian trồng và đánh giá ông phát hiện cây gấc truyền thống thường cho quả bé, vỏ dày, thịt ít. Do vậy, gia đình ông đã chủ động chọn giống gấc lai cao sản của Australia, giống gấc này có quả to, khối lượng trung bình đạt từ 4-5 kg/quả, ruột màu đỏ tím và đặc biệt là hàm lượng dinh dưỡng cao hơn so với giống gấc truyền thống trồng ở trong nước. Loại gấc lai cao sản của Australia không chỉ cho năng suất cao, mà khi xuất khẩu được thị trường nước ngoài rất ưa chuộng, vì các sản phẩm từ gấc nguyên chất có thể sử dụng làm nguyên liệu trong chế biến thuốc chữa bệnh.
Cũng theo ông, chi phí đầu tư trồng vườn gấc không quá lớn. Nếu làm giàn thô sơ với cột tre và dây cuốn tận dụng từ dây cáp điện thoại, tiền chi phí đầu tư ban đầu chỉ trên 10 triệu đồng trên mỗi hécta. Còn nếu làm kiên cố như đổ cột bê tông, làm cột sắt, làm đường ống nước thì chi phí đầu tư chưa đến 100 triệu đồng. Cây gấc đã sinh trưởng thì sẽ cho quả trong 30 năm và mỗi năm chỉ cần bón phân là đủ. Ngoài ra, các hộ nông dân cũng có thể tận dụng trồng lẫn một số loại cây làm giàn tốt như cau, dừa để tiết kiệm chi phí và tối đa hóa doanh thu.
Thông thường, một vụ gấc sẽ bắt đầu vào mùa xuân và đến mùa đông thì thu hoạch. Trong thời gian gấc chưa leo giàn, người dân cũng có thể trồng xen kẽ một số roại rau củ quả đem lại thêm thu nhập cho gia đình.
Ông Quảng ước tính, một hécta gấc hiện nay có thể đem lại sản lượng trên 20 tấn một năm. Tính theo giá gấc gia đình ông thu mua khoảng 10.000đ/ 1 kg, người nông dân có thể kiếm lợi khoảng 200 triệu mỗi hécta
Hàng năm, đến mùa thu hoạch, gia đình ông Quảng trở thành trung tâm thu mua gấc chín cho các hộ gia đình trồng gấc ở các địa phương. Hiện nay, cơ sở trồng gấc của ông được triển khai ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước và các sản phẩm từ gấc được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. Hiện tại, có không ít công ty nước ngoài tìm đến gia đình ông Quảng đặt vấn đề hợp tác để thu mua gấc quả... Nhờ vậy, mà thương hiệu “vua gấc” của ông Trần Sĩ Quảng đã vang xa, thu hút nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân đến học hỏi kinh nghiệm và hợp tác.
Gần 20 năm gắn bó với cây gấc, ông Quảng vẫn mong muốn mở rộng hơn nữa diện tích trồng gấc và giúp mọi người cùng phát triển mô hình trồng gấc xuất khẩu. Ông chia sẻ: “hiện nay sản lượng thu mua vẫn chưa đủ để xuất khẩu, những đơn hàng lớn do khách nước ngoài đặt tôi vẫn phải từ chối vì lượng hàng cung cấp còn thiếu và một mình tôi không thể cung cấp đủ”.
Lê Tùng
Theo Kinh tế & Đồ uống