Sự kiện hot
12 năm trước

Đền tháp Champa: Quy trình xây dựng bí ẩn

Dantin - Từ thế kỷ thứ II – VI, tháp Chăm chỉ xây bằng gỗ và chỉ có tượng thờ. Giai đoạn tiếp theo, tháp xây theo cách tường gạch, mái gỗ và đã có hệ thống tượng thờ hoàn chỉnh. Từ thế kỷ VI cho đến XVII, tháp được xây dựng hoàn chỉnh có sử dụng đá sa thạch. Tuy nhiên, kỹ thuật xây tháp Chăm để đạt đến một nền kiến trúc rực rỡ, đến nay vẫn là một bí ẩn.

Dantin - Từ thế kỷ thứ II – VI, tháp Chăm chỉ xây bằng gỗ và chỉ có tượng thờ. Giai đoạn tiếp theo, tháp xây theo cách tường gạch, mái gỗ và đã có hệ thống tượng thờ hoàn chỉnh. Từ thế kỷ VI cho đến XVII, tháp được xây dựng hoàn chỉnh có sử dụng đá sa thạch. Tuy nhiên, kỹ thuật xây tháp Chăm để đạt đến một nền kiến trúc rực rỡ, đến nay vẫn là một bí ẩn.

Ba phép thử cho một đáp số

Hiện có ba quan điểm về kỹ thuật xây dựng tháp Chăm ở giai đoạn đỉnh cao. Đầu tiên, có quan điểm cho rằng người Chăm nung gạch, dùng chất kết dính và xây lên. Quan điểm thứ hai, Leuba (1923) cho rằng người Chăm dùng đất sét phơi khô (gạch mộc) và “nung toàn khối”. Quan điểm thứ ba lại cho rằng: Người Chăm xây tháp chừng nào nung chừng nấy, rồi độn đất vào lòng tháp, như vậy vòm mới có thể xây dựng được.

Quan điểm thứ nhất đã có từ lâu nhưng vẫn chưa xác định được khả năng. Quan điểm thứ hai thì không được thừa nhận vì những viên gạch giãn nở khác nhau trong khi nung gây ra sự đổ vỡ. TS. Nguyễn Hữu Thông, phân viện trưởng Phân viện VHNT Việt Nam tại Huế nhận định:“Nung toàn khối” đúng là một truyền thống của người Chăm. Hiện nay lò gốm ở Bàu Trúc, Phan Rang được đánh giá là lạc hậu nhất thế giới, không có bàn xoay và chất củi đốt (không dùng than) nên nhiệt độ tạo ra chỉ 300 – 400 độ C. Tuy nhiên, giả sử muốn “nung toàn khối” thì cũng không thể thực hiện ngoài trời được. Vì nhiệt độ chỉ đạt 500 – 600 độ C. Trong khi gạch tháp Chăm hoàn chỉnh đã lên tới độ nung 1.000 độ C. Và nếu nung ở lò nung thì gạch cũng không thể “chín đều” như vậy được. Vì có chỗ gạch nằm ở lỗ thông hơi, có gạch nằm ở chỗ gần củi đang cháy. Có lẽ chỉ có lò gas hiện đại mới đạt độ hoàn chỉnh đến như vậy. Một điều nữa là khi nung gạch mộc thì tạo sự đùn đẩy vì thông số co giãn mỗi viên gạch chắc chắn là không giống nhau, sẽ gây ra đổ vỡ”.

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, người đo vẽ từng viên gạch tháp Chăm hàng chục năm qua cũng cho rằng: “Nung toàn khối” không phải là kỹ thuật xây tháp của người Chăm xưa. Bởi gạch Chăm bình quân 6 phân, 10 viên 6 tấc, 100 viên 6m, 1000 viên 60m. Tuy nhiên, trên thực tế nếu sắp 200 viên gạch không có kết dính thì nhất định sẽ bị sụp đổ. Trong khi đó các tháp ở Mỹ Sơn lại cao đến 24 m, gấp đôi giới hạn chịu đựng của các tầng gạch”.

Nguồn gốc Ấn Độ - một phép thử mới

Theo TS.Nguyễn Hữu Thông, người Chăm không có truyền thống làm gạch: “Nếu muốn tạo ra một viên gạch chất lượng như gạch Chăm thì phải có một truyền thống làm gạch. Nhưng qua khảo sát thì gạch lại không hề hiện diện trong đời sống của người Chăm, kể cả công trình dân sinh và tín ngưỡng dân gian. Duy có thành lũy và tháp Chăm mới sử dụng gạch và lại là gạch đã ở đỉnh cao”.

Do đó, chỉ có một cách suy diễn: “Các thương nhân và các nhà sư Ấn Độ đến Champa buôn bán, truyền đạo rất đông. Các thương nhân Ấn Độ lẫn Champa có lợi nhuận lớn. Do đó, họ đã góp sức “biếu” cho các tiểu quốc Champa những tòa tháp Ấn Độ giáo để lưu dấu vương quyền của các ông vua. Về thợ xây tháp Chăm, các thương nhân Ấn Độ đã tập hợp các thợ xây Ấn Độ khá dễ dàng. Bởi Ấn Độ luôn loạn lạc, chia rẽ nên các thợ xây Ấn Độ, bậc thầy về sử dụng gạch để xây dựng công trình tôn giáo đã vượt biển để tìm kiếm sự mưu sinh”.

Đồng tình, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ cho rằng: “Khác với Campuchia thuần nông, nước Champa xưa có đường bờ biển khá dài. Cho nên ngoài tầng lớp thống trị và nông dân, xã hội Champa còn tồn tại tầng lớp thương nhân giàu có. Các thương nhân này đi xa hơn người Việt. Họ đã đi đến cả Nhật Bản (hiện nay ở Nhật Bản vẫn có cây đàn Chăm). Do đó, họ đã thuê người Ấn Độ về làm tư vấn, thiết kế công trình đền tháp Ấn Độ giáo với tư cách là chủ đầu tư”.

Bên cạnh đó, nhóm tháp Chăm Khương Mỹ (xã Tam Xuân, huyện Núi Thành, Quảng Nam) và tháp Angkor (Campuchia) có rất nhiều điểm tương đồng từ niên đại xây dựng, cho đến kiến trúc (hình dáng), vật liệu xây dựng (kết hợp gạch và sa thạch), hoa văn trang trí… Cách xa nhau hàng ngàn dặm tại sao tháp Chăm và tháp Angkor của Khmer lại có nhiều điểm giống nhau như thế? Có lẽ câu trả lời là những người xây dựng những ngôi tháp này đều do cùng một nguồn gốc.

nguyên Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam J.C. Sharma, cũng cho rằng:Những ảnh hưởng của Ấn Độ được thừa nhận rộng rãi lên nghệ thuật Champa bắt nguồn từ các trường phái nghệ thuật Amaravati, Gupta, Chalukya và Pallava. Dấu vết của các trường phái Pala hay Sena cũng được tìm thấy. Hợp lí khi cho rằng, một số thợ thủ công, đặc biệt là các nhà điêu khắc, hẳn phải đến từ Ấn Độ. Họ hẳn đã giới thiệu trực tiếp đến đây một vài đặc điểm của nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc của quê hương họ. Sự ảnh hưởng gián tiếp từ Ấn Độ đến Champa còn qua sự tương tác của Champa với Camboge, Java, Siam và Sri Lanka”.

“Gạch, vật liệu xây dựng chính được sử dụng bởi các nghệ nhân Chăm, cũng đã được sử dụng tại Ấn Độ… Gần đây tôi đã đến thăm một ngôi đền vào thời Gupta ở Sirpur, Chhatisgarh. Ngôi đền gạch này có sự tương đồng rõ ràng với các ngôi đền gạch ở Champa” – ông J.C. Sharma khẳng định.

Và những phát hiện mới

TheoôngLê Việt Thắng, Giám đốc Bảo tàng Mỹ Sơn, gần đây đã phát hiện ra một ký tự “Trần” (viết bằng chữ Hán) tại một ngôi tháp ở Mỹ Sơn. Theo ông, đây có thể là “phút ngẫu hứng” của một người thợ thủ công nhà Trần khi đang xây dựng tháp Chăm. “Việc nghiên cứu sự góp mặt của những thợ thủ công người Việt tại khu đền tháp Champa rất có thể mở ra một hướng tìm kiếm mới cho việc giải mã các bí ẩn đền tháp Champa” - ôngLê Việt Thắng nhận định.

Cũng theo thông tin mới nhất, khi trùng tu nhóm tháp A (Mỹ Sơn), họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ và các chuyên gia Đại học Milan (Italia) phát hiện móng của các tháp Chăm sâu đến 1,7m. Và lớp móng này được kết cấu rất đặc biệt. Đầu tiên lớp sỏi, sau đến lớp cát, rồi lớp sỏi lớn hơn, rồi lại đến lớp cát. Tiếp đó là một lớp cuội, rồi đến lớp cát và dưới nữa là một lớp gạch có kích thước lớn. Cuối cùng lại là một lớp cát. Theo nhận định của họa sĩ Nguyễn, với lớp “móng” như vậy, tháp Chăm rút nước mưa rất dễ dàng. Có lẽ lớp móng này giúp các tòa tháp đứng vững cùng thời gian và không bị sụt lún vì ngập lụt. Đến mùa khô nắng, những viên gạch Chăm xốp nhẹ, hút nước nhanh sẽ dẫn nước từ “móng” lên để nuôi sống tháp. Vì vậy viên gạch Chăm, dù qua hàng thế kỷ vẫn giữ được sự tươi mới và liên kết bền vững. Bằng chứng còn cho thấy ở nhóm tháp F, khi đổ sập gạch mất liên kết đã đổi màu và mủn nát hoàn toàn.

Nguyễn Văn Toàn

Từ khóa: