Sự kiện hot
2 năm trước

Dệt may Hòa Thọ (HTG) chuẩn bị niêm yết 30 triệu đơn vị với vốn điều lệ 300 tỷ đồng

Về tình hình kinh doanh, bán niên 2022, doanh thu của HTG đạt 2.588 tỷ đồng, tăng 67%; lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 170 tỷ đồng và 141 tỷ đồng, tăng 233% và 200% so với cùng kỳ.

Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) thông báo đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết của Tổng CTCP Dệt may Hòa Thọ (HTG) vào ngày 29/9.

Theo đó, HTG đăng ký niêm yết hơn 30 triệu đơn vị với số vốn điều lệ xấp xỉ 300 tỷ đồng. Tên tổ chức tư vấn niêm yết là Công ty TNHH Chứng khóa Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam.

Về Dệt may Hòa Thọ, công ty được thành lập từ 1962, là một trong những doanh nghiệp dệt may có bề dày lịch sử và quy mô lớn với 2 lĩnh vực chính: Sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu các loại sản phẩm may mặc, các loại sợi; Nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị thiết yếu dùng để kéo sợi và sản xuất hàng may mặc.

Năm 2017, cổ phiếu HTG được giao dịch trên thị trường UPCoM. Phiên 4/10, thị giá HTG dao động quanh mốc 27.000 đồng/cp, thấp hơn 43% so với vùng giá đỉnh 47.000 đồng/cp hồi tháng 4/2022.

Về tình hình kinh doanh, bán niên 2022, doanh thu của HTG đạt 2.588 tỷ đồng, tăng 67%; lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 170 tỷ đồng và 141 tỷ đồng, tăng 233% và 200% so với cùng kỳ.

Đơn vị cho biết nhu cầu mua sắm hàng may mặc tăng cao so với cùng kỳ khi nền kinh tế quay về trạng thái bình thường mới nên kết quả kinh doanh nửa đầu năm tăng trưởng mạnh.

Theo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, những tháng đầu năm 2022, ngành da giày đã có sự hồi phục ấn tượng. Đây cũng là một trong nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, xuất khẩu giày dép - túi xách đến nay đã đạt hơn 19 tỷ USD; trong đó, da giày 16,5 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm trước; túi xách 3 tỷ USD, tăng 30%.
Mức tăng trưởng này là tăng đều ở các thị trường trọng điểm như thị trường Bắc Mỹ, châu Âu... Có được điều này là nhờ ngành da giày đã phát huy rất hiệu quả lợi thế mà các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại để đảm bảo tăng trưởng, vượt qua thách thức do tác động dịch bệnh COVID-19, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam nhìn nhận.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi nhìn nhận về tình hình xuất khẩu những tháng cuối năm 2022, bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, dự báo xuất khẩu của ngành da giày không được lạc quan bởi những bất lợi của tình hình kinh tế thế giới đã tác động mạnh đến ngành. Các thị trường xuất khẩu chính của da giày là EU, Mỹ đều đang chịu lạm phát gia tăng khiến người dân giảm chi tiêu, thị trường tiêu dùng sụt giảm, ảnh hưởng đến sức mua chung.

"Các thị trường tiêu thụ chậm, cùng đó là việc gián đoạn chuỗi cung ứng làm cho hàng hoá tồn kho, không tiêu thụ được. Theo đánh giá của chúng tôi, đây là vấn đề mà ngành da giày đang đối mặt khi tồn kho khá lớn, đồng thời ảnh hưởng đến đơn hàng. Hiện, các doanh nghiệp da giày gần như sụt giảm đơn hàng từ nay đến quý I/2023", bà Phan Thị Thanh Xuân cho biết.
Không nằm ngoài tình trạng trên, dệt may cũng là lĩnh vực đang phải đối mặt với tác động từ tình trạng lạm phát trên thế giới. Lạm phát tăng cao trên toàn cầu khiến nhu cầu tiêu dùng giảm sút, sức mua giảm tại nhiều thị trường xuất khẩu như Mỹ, EU... gây ảnh hưởng đến đơn hàng và đơn giá của doanh nghiệp. 

Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), kinh tế khó khăn, tỷ lệ lạm phát tăng cao tại các thị trường tiêu thụ dệt may lớn như Mỹ, EU… làm cho sức mua các mặt hàng tiêu dùng; trong đó có hàng dệt may giảm đáng kể. Bên cạnh đó, xung đột quân sự Nga - Ukraine chưa có hồi kết ảnh hưởng đến một số thị trường của dệt may Việt Nam tại Nga, Ukraine cũng như các nước khác trong khu vực.
Nửa đầu năm 2022, các doanh nghiệp hứng khởi khi có nhiều đơn hàng, sản xuất quay trở lại. Tính đến nay, xuất khẩu dệt may đạt hơn 31 tỷ USD; trong đó, dệt may đạt 26,04 tỷ USD, tăng 23,1%; xơ sợi 3,438 tỷ USD; nguyên phụ liệu dệt may hơn 1 tỷ USD, tăng 19,4%... Ngành dệt may đang xuất siêu khoảng 12,6 tỷ USD. Tuy vậy, sau quãng thời gian thuận lợi đó, nửa cuối năm của ngành gặp phải không ít khó khăn khi các thị trường lớn, xuất khẩu chủ yếu rơi vào tình trạng lạm phát, khiến đơn hàng sụt giảm, ông Trương Văn Cẩm cho hay.

Theo Tổng giám đốc Tổng công ty May Đáp Cầu – Lương Văn Thư, đơn vị nhìn nhận những khó khăn về thị trường, tìm kiếm nguồn hàng, về quy mô và đơn giá đều giảm từ đầu quý III này. Ở thị trường chính như Mỹ, châu Âu, đơn hàng đã giảm tới 50%.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Tp. Hồ Chí Minh cũng nhận xét, từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đã đạt 31 tỷ USD nhưng tăng trưởng này chủ yếu rơi vào các tháng đầu năm. Trong khi từ tháng 7/2022 tới nay, các doanh nghiệp đang rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp dệt may ở khu vực Tp. Hồ Chí Minh đang sụt giảm đơn hàng mạnh. Các thị trường suy giảm tập trung vào Mỹ, EU bởi sức ép lạm phát từ các quốc gia này lớn, buộc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, trong khi đó dệt may - da giày đều không phải là hàng thiết yếu.

Hà My
Theo KTDU

Từ khóa: