Dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở các tỉnh phía Nam khiến công ty phải hoạt động 3 tại chỗ với chi phí cao, năng suất lao động không đạt kế hoạch. Cùng với đó, giá cước vận tải, thuê container phi mã đã bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp này.
Dệt may đầu tư thương mại Thành Công (HoSE: TCM) công bố doanh thu tháng 4 đạt 17 triệu USD (393 tỷ đồng), tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mảng may đóng góp 78%, vải 14% và sợi 7%. Lãi sau thuế 834.000 USD (19,2 tỷ đồng), tăng 1%.
Sản phẩm của Dệt may Thành Công chủ yếu xuất khẩu sang châu Mỹ với tỷ trọng 50% (Mỹ 33,3% và Canada 16,77%), tiếp đến châu Á đạt 43,8% (chủ yếu Hàn Quốc và Nhật Bản).Lũy kế 4 tháng, doanh thu đạt 64,36 triệu USD (1.487 tỷ đồng), tăng 19%; lợi nhuận sau thuế 3,8 triệu USD (tăng 87,8 tỷ đồng), tăng 14%.
Về tình hình đơn hàng, công ty đã nhận đến quý III và đang nhận tiếp cho quý IV. Doanh nghiệp đã hoàn thành xây dựng nhà máy may Thành Công Vĩnh Long 2 với tổng mức đầu tư khoảng 12 triệu USD (chưa bao gồm đất), công suất 9 triệu sản phẩm/năm và đưa vào hoạt động 5 chuyền đầu tiên vào tháng 3. Dự án được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh đơn hàng cho năm 2022.
Dệt may Thành Công đã hoàn thành lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái tại nhà máy Vĩnh Long 2 và dự kiến đưa vào sử dụng từ giữa tháng 5, tiết kiệm chi phí cho mỗi nhà máy tại Vĩnh Long khoảng 650 triệu đồng/năm.
Số liệu của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam 4 tháng đầu năm đạt gần 11,8 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu xơ sợi tăng 13,2%, đạt 1,9 tỷ USD.
Theo Dệt may Thành Công, ngành may được nhận định tương đối khả quan do các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam đều được các đối tác quay trở lại, đơn hàng dài, số lượng lớn. Xu hướng hiện nay các khách hàng đều muốn giảm bớt trung gian để làm trực tiếp với các đơn vị sản xuất nhằm giảm bớt chi phí. Đồng thời, với chính sách Zero Covid của Trung Quốc, nhiều khách hàng lo ngại sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung, gián đoạn chuỗi cung ứng nên có xu hướng chuyển đơn hàng sang các nước lân cận và Việt Nam đang có lợi thế trong khu vực về ngành hàng dệt may.
Doanh thu tháng 3 của TCM đạt 437 tỷ đồng, tăng 26% và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 32 tỷ đồng, tăng 55% so với tháng 3/2021.
Lũy kế quý I, doanh thu của Dệt may Thành Công đạt 1.081 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế hơn 69 tỷ đồng, tăng 17%.
Sở dĩ nói Dệt may Thành Công đã vực lên từ đáy khủng hoảng bởi doanh nghiệp này đã có một năm 2021 đầy khó khăn.
Dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở các tỉnh phía Nam khiến công ty phải hoạt động 3 tại chỗ với chi phí cao, năng suất lao động không đạt kế hoạch. Cùng với đó, giá cước vận tải, thuê container phi mã đã bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp này.
Riêng trong quý III/2021, doanh thu thuần đạt 783 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ, lãi gộp đạt gần 76 tỷ đồng giảm 57% so với quý 3/2020.
Trong khi, chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp đồng loạt tăng cao khiến doanh nghiệp này lỗ gần 3 tỷ đồng trong quý III, trong khi cùng kỳ lãi hơn 85 tỷ đồng.
Điều này dẫn đến doanh thu năm 2021 không đạt được như kỳ vọng, chỉ nhích nhẹ gần 2% lên 3.535 tỷ đồng trong khi lợi nhuận sau thuế giảm đến 48% so với cùng kỳ, xuống mức 144 tỷ đồng.
Công ty đã không thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra năm 2021 khi chỉ thực hiện được 84% chỉ tiêu doanh thu và gần 50% mục tiêu lợi nhuận.
Dịch bệnh kéo lợi nhuận của Thành Công và nhiều doanh nghiệp dệt may xuống đáy, song ngay sau khi Việt Nam phủ sóng vắc xin, mở cửa nền kinh tế, các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất và tăng trưởng nhanh.
Đại diện doanh nghiệp này nhận định năm 2022 sẽ là một năm khởi sắc hơn cho ngành dệt may Việt Nam nói chung và Thành Công nói riêng. Thị trường bán lẻ quần áo thế giới đã dần hồi phục sau khi dịch COVID-19 có dấu hiệu giảm dần nhờ vào việc bao phủ vắc xin.
Hạ Lam
Theo KTDU